Từ lăng nhục đến thấu cảm: TS Đặng Hoàng Giang lưu ý không cổ xuý cho cái ác lên ngôi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Liên quan đến câu chuyện sao kê tài khoản sau khi nghệ sĩ đi làm từ thiện đang ồn ào dư luận, TS Đặng Hoàng Giang đưa quan điểm về việc không cổ xuý cái ác lên ngôi.
TS Đặng Hoàng Giang có những trao đổi tích cực và lời khuyên hữu ích. Ảnh: Hoà Bình ghép
TS Đặng Hoàng Giang có những trao đổi tích cực và lời khuyên hữu ích. Ảnh: Hoà Bình ghép

Công chúng đang lăng mạ các ngôi sao là cái ác

Tại toạ đàm trực tuyến “Từ lăng nhục đến thấu cảm” diễn ra sáng nay, 18/9, nhắc đến câu chuyện sao kê tài khoản sau khi nghệ sĩ đi làm từ thiện ồn ào dư luận mới đây, tác giả “Đại dương đen”, “Bức xúc không làm ta vô can” – TS Đặng Hoàng Giang đưa ra quan điểm: “Hồi trước khi tôi nói về từ thiện câu like thì tôi đã phải chịu một làn sóng phản ứng dữ dội. Sau 5-6 năm, quả lắc từ phía công chúng đang quay sang phía các ngôi sao. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm các ngôi sao cần có cách tổ chức từ thiện tốt hơn, tránh được việc khoe mẽ, ve vuốt cái tôi của mình hơn. Chẳng hạn như liên quan đến ca sĩ Thuỷ Tiên, tôi khẳng định rằng cách làm từ thiện như thế không phải là cách mà các tổ chức chuyên nghiệp làm. Tuy nhiên, việc cộng đồng đang lăng nhục, xâu xé các nghệ sĩ lại là một việc làm xấu. Chúng ta không nên vu cho họ việc này việc kia trong khi chúng ta không có bất cứ một chứng cứ nào”.

“Ngay cả những cá nhân như bà Phương Hằng cứ livestream tố cáo nghệ sĩ nhưng lại không đưa ra bất cứ một bằng chứng nào về việc nghệ sĩ vi phạm pháp luật cũng là việc rất đáng quan ngại. Bà Hằng đã dùng những lời lẽ hết sức nặng nề, tạo nên một hiện tượng giải trí. Tuy nhiên, tôi cũng không cho rằng công chúng nên quay ra chửi bới bà Phương Hằng. Quan sát thì sẽ thấy hiện nay xã hội của chúng ta đang sa lầy vào một trận hỗn chiến khủng khiếp trên mạng, tiêu tốn rất nhiều năng lượng, khiến công chúng quên hết cả những chuyện khác” - TS Đặng Hoàng Giang bày tỏ.

“Chiều hôm qua, khi hai ngôi sao đến ngân hàng để thực hiện sao kê thì công chúng theo dõi còn chăm chú và thu hút hơn cả một nguyên thủ nào đó ghé thăm. Điều đó cho thấy xã hội đang sa lầy vào những câu chuyện bùng nhùng không hay. Trong khi các đối thoại văn minh như là cần làm từ thiện như thế nào để hiệu quả hơn, minh bạch hơn, hoặc chẳng hạn như sắp tới bão sẽ lại đổ vào miền Trung thì cần làm gì thì không được đề cập đến và giải quyết”.

Cũng như trong cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” TS Đặng Hoàng Giang đã trình bày quan điểm bức xúc chứng tỏ ta vô tội, ta là nạn nhân của bất công và phi lý. TS Đặng Hoàng Giang cho rằng con người ta rất dễ ăn những món ăn có hại cho sức khoẻ như những món nhiều dầu mỡ, dễ tăng cân, hại cho tim mạch… hơn là những món ăn từ rau xanh lành mạnh. Livestream của bà Phương Hằng cũng tương tự như thế, cho nên nếu bị mất đi điều đó thì công chúng sẽ rất buồn.

Những cuốn sách gây ảnh hưởng xã hội mạnh mẽ của TS Đặng Hoàng Giang. Ảnh: Hoà Bình ghép
Những cuốn sách gây ảnh hưởng xã hội mạnh mẽ của TS Đặng Hoàng Giang. Ảnh: Hoà Bình ghép

Không thể coi cái ác là hiển nhiên

“Cần có thái độ khước từ sự thô lỗ, không cho rằng đó là hiển nhiên. Chúng ta không cho rằng đi ngoài đường bị du côn đánh là hiển nhiên. Con cháu chúng ta đi học bị bắt nạt không phải là điều hiển nhiên, chồng đánh vợ không phải là điều hiển niên. Tương tự như thế, khi chúng ta lên mạng cũng cần bày tỏ thái độ đúng với những thứ xấu xí đang diễn ra trên mạng để bảo vệ môi trường mạng xã hội” – TS Đặng Hoàng Giang cho rằng ngay cả khi chấp nhận thừa nhận mình đã sai và nói lời xin lỗi với người khác cũng là một điều cần thiết nhưng lại đang rất thiếu trong xã hội hiện nay.

Đứng trước yếu tố bạo lực bị tích luỹ rất nhiều trong môi trường mạng hiện nay, dẫn tới dần dần con người sẽ bị quen với lối nghĩ tấn công người khác, sử dụng những ngôn từ nặng nề, lý tưởng hoá bạo lực và cái ác, TS Đặng Hoàng Giang cho rằng:

“Để thoát khỏi cái nhà tù đầy cám dỗ hấp dẫn đó, chúng ta cần phải luyện tập qua cả một quá trình lâu dài. Rèn luyện để trở nên điềm tĩnh một cách cương quyết, cứng rắn nhưng không chà đạp lên phẩm giá của người khác; có thái độ khước từ bạo lực trên mạng; thấu cảm để mà có thể tránh được bạo lực ngôn từ, lăng mạ người khác. Hãy cố gắng hiểu tại sao họ lại có những ngôn từ như vậy. Hiểu không phải là đồng tình mà là thấu cảm. Như câu chuyện sao kê thì giữa hai nhóm không hề có một diễn đàn nào để hiểu nhau mà hoàn toàn là bên này tấn công bên kia và phản pháo nhau” – TS Đặng Hoàng Giang nói.

“Chúng ta luôn cho rằng chúng ta yêu nước hơn người khác, thông minh hơn, ưu tú hơn… Ví dụ chúng ta cho rằng trong lúc chúng ta ở nhà thì “chúng nó” vô ý thức đi ra đường, chúng ta cho rằng chúng ta tiêm vaccine thế này thì hợp lý thế kia thì không hợp lý, bộ đội làm thế này thì hợp lý, thế kia thì không hợp lý… Còn “chúng nó” thì lại cho rằng phải thế này thế kia. Cũng như những người sẵn sàng mắng con “mày là đồ súc vật, mày biến đi tao không muốn có đứa con như mày”. Nhiều người không ý thức được rằng sự phi nhân hoá (không coi người khác là con người) đã mở cửa cho cái ác sổ lồng. Trong lịch sử của chiến tranh, đã có rất nhiều ví dụ kinh khủng khi người ta không coi phía bên kia chiến tuyến là con người nữa” – TS Đặng Hoàng Giang phân tích, cho rằng chỉ khi chúng ta coi người khác là con người thì mới không buông lỏng về đạo đức, cho dù mình không ưa người đó. Bởi vì sự thả lỏng, bật đèn xanh cho việc cái ác xảy ra với người khác sẽ dẫn tới vòng xoáy bạo lực, có thể tạo ra cho bất cứ nhóm người nào.

TS Đặng Hoàng Giang có buổi trao đổi bổ ích về lăng nhục và thấu cảm. Ảnh: Hoà Bình ghép
TS Đặng Hoàng Giang có buổi trao đổi bổ ích về lăng nhục và thấu cảm. Ảnh: Hoà Bình ghép

Tha nhân hoá được TS Đặng Hoàng Giang phân tích là nguồn cơn của mọi vấn đề. Với giới trẻ, có thể vì được tiếp nhận nhiều luồng văn hoá hơn nên TS Đặng Hoàng Giang đánh giá có thể họ sẽ dễ chấp nhận sự đa dạng của người khác, khoan dung hơn, còn với những người lớn tuổi thì sẽ khó khăn hơn, bị “đông cứng” trong hiểu biết của chính mình và thực tế đáng buồn có nhiều biểu hiện là họ càng cay đắng hơn, cuống quít khẳng định cái tôi của mình hơn, luôn cho là mình đúng, mình đang khẳng định cuộc đời của mình có ý nghĩa, từ đó dễ dàng dấn thân vào những cuộc “thánh chiến” trên mạng, cổ xuý cho cái ác xảy ra với người khác.

Điềm tĩnh được TS Đặng Hoàng Giang coi là vũ khí tốt nhất để bước ra khỏi cuộc “thánh chiến” lăng nhục, xây dựng cho mình một thế giới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, điềm tĩnh cũng hay bị hiểu lầm là bạc nhược, vô cảm, yếu kém, nhu nhược; TS Đặng Hoàng Giang lưu ý công chúng nên phân biệt rõ, một bên là thái cực giận dữ, hung hăng, bên kia là thái độ lãnh đạm, bạc nhược thì điềm tĩnh là điểm nằm giữa hai thái cực này.

“Khác với nhu nhược, điềm tĩnh là nền tảng cho một thái độ cương quyết, đanh thép, sự minh mẫn, sắc bén và sự thuyết phục. Điềm tĩnh khác với hung hăng ở chỗ nó không thô bạo. Trong điềm tĩnh ẩn chứa sức mạnh. Điềm tĩnh không phải là kìm nén – dạng chạy trốn xung đột bên ngoài, hoặc phản đối, bất đồng, trong khi bên trong thì sôi sục. Người điềm tĩnh không lảng tránh xung đột mà bày tỏ quan điểm của mình, bảo vệ niềm tin trong khi vẫn tôn trọng cảm xúc, nhân phẩm và lưu ý tới nhu cầu của người kia. Anh ta không có mong muốn hạ nhục hay đè bẹp người khác, không cưỡng ép, hay đe doạ. Người điềm tĩnh là thiện chí đi tìm giải pháp trong tinh thần hợp tác và vững vàng trong biển giận dữ của người khác” – Trích nội dung trong cuốn sách “Thiện, ác và smartphone” của TS Đặng Hoàng Giang.

Sự khó khăn của tha thứ là công chúng luôn cho rằng phía bên kia phải thay đổi, thậm chí phải nói lời xin lỗi. Nhưng bản chất của tha thứ được TS Đặng Hoàng Giang phân tích không phải như vậy. “Tha thứ tức là chấm dứt việc mình là nạn nhân, tự bản thân mình bước ra khỏi “nhà tù” mà ai đó đã tạo ra trước đó. Trước đó, nghĩ đến việc này có thể khóc lên được, tức là chưa tha thứ, còn khi đã không bị xác định bởi những cái sai trái trong quá khứ nữa thì mình có thể quay trở lại săn sóc chính đối tượng đã tạo ra cái sai với mình, mặc dù không quên đi những cái sai trong quá khứ, vẫn hoàn toàn ý thức được về cái sai, cái ác đã diễn ra nhưng mình mạnh mẽ hơn, đã hiểu được vì sao cái ác lại xảy ra. Việc thủ phạm phải xin lỗi, phải làm hoà, đền bù là liên quan đến hoà giải. Chứ nếu tha thứ lại phải đặt trên nền tảng phía bên kia phải thừa nhận cái sai và phải xin lỗi, thì rất nguy hiểm, giả sử lỡ thủ phạm đã chết đi rồi thì mình không bao giờ có thể tha thứ và mãi mãi bị giam cầm trong “nhà tù” à? Cần phải tha thứ theo nghĩa là mình không để cho hành vi sai trái đó tác động đến bản thân nữa, đồng thời ghi nhớ để ngăn chặn hành vi tương tự sẽ tiếp tục xảy ra,” TS Đặng Hoàng Giang phân tích.

Không phải mình chấp nhận mọi thứ, mọi điều xảy ra xung quanh mình; không phải mình cười tươi tắn khi người khác chuẩn bị đâm dao vào mình, TS Đặng Hoàng Giang phân tích về lòng trắc ẩn. TS Đặng Hoàng Giang đưa một ví dụ kinh điển trong đạo Phật, kể về một vị bồ tát trên thuyền đã giết tên tướng cướp với đầy lòng trắc ẩn, sự thương cảm để cứu những người trên thuyền, bảo vệ cộng đồng nhưng không oán hận, không chà đạp lên nhân phẩm của tên tướng cướp.

“Mình rất cương quyết dừng lại một hành vi xấu với tất cả sự điềm tĩnh, tỉnh táo, không căm ghét thì sẽ khiến cho chúng ta giữ được sự trong sạch và nhân phẩm, thay vì cuồng loạn lên, cái tâm sẽ bị vẩn đục, dễ cổ vũ cho hành vi sai trái,” TS Đặng Hoàng Giang nói.

Chiều 17/9, ca sĩ Thuỷ Tiên và ông xã Công Vinh đã có mặt tại một ngân hàng ở quận 7, thực hiện sao kê tài khoản cá nhân dày tới hơn 1.800 trang. Buổi livestream của nữ ca sĩ được xác định là vi phạm quy định về giãn cách khi đã tụ tập hơn 30 người quan tâm, theo dõi, chụp ảnh, ghi hình tại sảnh toà nhà ngân hàng.

“Xác nhận kèm sao kê ngân hàng. Tổng số tiền quỹ miền Trung là hơn 177 tỉ đồng, kèm biên bản xác nhận có mộc đỏ của chính quyền các cấp Tỉnh, Huyện, Xã số tiền mặt đã trao tận tay cho 61.532 hộ dân tổng là hơn 178 tỉ đồng cho 7 tỉnh miền Trung” – Nữ ca sĩ chia sẻ trên trang cá nhân.

Trước đó, nam diễn viên MC Trấn Thành cũng chia sẻ công khai trên trang cá nhân bản sao kê dài hơn 1.000 trang liên quan đến tài khoản nhận tiền đi làm từ thiện.