Tư duy độc quyền và đề xuất lạc lõng của PVN

Đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) buộc các doanh nghiệp xăng dầu phải mua hết sản phẩm trong nước mới được phép nhập khẩu là khó chấp nhận và các bộ ngành không ủng hộ là hiển nhiên. 
Tư duy độc quyền và đề xuất lạc lõng của PVN

Nhưng qua đó cũng cho thấy tư duy muốn độc quyền, níu kéo bao cấp và bảo hộ còn in đậm trong suy nghĩ một số lãnh đạo tập đoàn kinh tế nhà nước dù đất nước đã hội nhập ở mức cao.

Sự sống còn của doanh nghiệp (DN) một phần được quyết định bởi khả năng cải thiện năng suất và giảm giá thành. PVN không là ngoại lệ.

Nhưng cùng chịu tác động của giá dầu thấp, tại sao xăng dầu nhập khẩu vẫn có giá thấp hơn xăng dầu sản xuất trong nước ngay cả khi đã cộng chi phí vận tải, bảo hiểm...

Điều này cho thấy xăng dầu sản xuất trong nước ít có khả năng cạnh tranh ngay thị trường trong nước. Đó cũng chính là điểm yếu trong chính sách công nghiệp hóa mà Việt Nam đang gặp phải.

Nếu áp đặt hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu như PVN đề xuất không chỉ đi ngược lại nguyên tắc cạnh tranh của thị trường, can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, mà còn có thể phát đi tín hiệu nâng đỡ cho yếu kém mà lẽ ra cần phải xóa bỏ để tăng cường sức cạnh tranh cho các thành phần kinh tế khác cũng như cả nền kinh tế.

Các DN xăng dầu sẽ tự cân nhắc chọn nhà cung cấp có giá cạnh tranh. Điều này mang lại hiệu quả tài chính cho DN và đặc biệt là vì lợi ích của người tiêu dùng và nền kinh tế.

Một khi giá dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN thấp hơn giá nhà cung cấp trong nước chào thì đương nhiên các DN sẽ chọn các nhà cung cấp từ các nước đó.

Nếu cho rằng do thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc và ASEAN giảm do cam kết hội nhập khiến xăng dầu sản xuất từ Dung Quất không có khả năng cạnh tranh thì lại càng cho thấy tầm nhìn hạn chế của PVN.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tham gia rất nhiều các hiệp định thuế quan và thị trường tự do, do đó PVN hay bất kỳ DN nhà nước nào cũng phải cân nhắc lộ trình này để lên phương án kinh doanh sao cho có hiệu quả, chứ không thể ngồi chờ áp lực hội nhập đến rồi xin cơ chế.

Có thể PVN dựa vào các nhiệm vụ chính trị mà tập đoàn này được giao trước đây khi đầu tư vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất để đưa ra đề nghị phi lý.

Nhưng mọi người đã làm kinh doanh đều nghĩ rằng không nên nghĩ tới hay đưa ra ý tưởng này vì nó đi ngược lại với các cam kết hội nhập của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Trong lần tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến thăm Đại học Harvard năm 2015, giáo sư Ricardo Hausmann từng nói rằng chỉ những DN nào đề xuất nhằm góp phần cải thiện năng suất mới là những DN chân chính, ngược lại những DN chỉ đề xuất sao cho họ có thể kiếm thêm được lợi nhuận thì đó là những DN đáng ngờ.

Nền kinh tế đang chuẩn bị để bước vào con đường hội nhập “tiêu chuẩn cao”. Do vậy, những tiếng kêu, đề xuất được bảo hộ sẽ trở nên lạc lõng. Và càng khó nghe hơn khi nó được phát đi từ những tập đoàn, DN nhà nước.

Cái mà mọi người muốn nghe và ủng hộ, đó là làm gì để cạnh tranh tốt hơn, phát triển nhanh hơn, tận dụng tốt hơn những cơ hội mà quá trình hội nhập “tiêu chuẩn cao” mang lại.

Theo ĐỖ THIÊN ANH TUẤN (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)

Tuổi trẻ