Tư duy cũ cản bước “công nghiệp 4.0“

Doanh nghiệp Việt và cơ quan quản lý vẫn chậm đổi mới tư duy trong cuộc "cách mạng công nghiệp 4.0" đang mạnh mẽ hơn lúc nào hết
"Cuộc chiến" của taxi truyền thống với Grab, Uber chưa có hồi kết khi các bên đều không nhìn cùng một hướng Ảnh ghép: TẤN THẠNH
"Cuộc chiến" của taxi truyền thống với Grab, Uber chưa có hồi kết khi các bên đều không nhìn cùng một hướng Ảnh ghép: TẤN THẠNH

Dẫn câu chuyện cạnh tranh giữa Uber, Grab với taxi và xe ôm truyền thống, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp (DN) Việt và quan trọng hơn hết là Chính phủ cùng các bộ, ngành phải sớm thay đổi tư duy trước xu thế biến đổi không ngừng của công nghệ.

TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương:

Hỗ trợ thay vì kìm hãm doanh nghiệp

Tư duy cũ cản bước công nghiệp 4.0 - Ảnh 1.

Thế giới đã được ứng dụng kinh tế chia sẻ rất rộng rãi, trong hầu hết lĩnh vực. Ở Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dùng một điều luật cũ để cấm loại hình vận tải mới chẳng khác nào lấy tư duy 2.0 áp đặt lên 4.0 thay vì phải có thái độ sửa đổi, điều chỉnh luật để tiếp thu cái mới. Sắp tới, nhiều ứng dụng công nghệ mới sẽ xuất hiện, nếu các bộ, ngành đều hành xử như Bộ GTVT thì Việt Nam sẽ từ chối hết những ứng dụng công nghệ mới sao?

Chúng ta cần môi trường tạo điều kiện cho những đột phá của DN, tiếp thu công nghệ mới hiệu quả hơn đối với người dân và kinh tế hơn. Bộ máy của chính phủ thay vì can thiệp vào DN, kìm hãm DN thì phải tìm cách hỗ trợ họ. Cần phải thay đổi luật pháp để theo kịp tiến bộ khoa học công nghệ.

TS VŨ THÀNH TỰ ANH, Giám đốc nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright:

Phải cởi trói cho doanh nghiệp

Tư duy cũ cản bước công nghiệp 4.0 - Ảnh 3.

Giám đốc một DN taxi truyền thống ở Đà Nẵng nói với tôi rằng taxi truyền thống đang phải gánh 13 quy định pháp luật, đó như những "vòng kim cô"; còn Uber, Grab không phải chịu những quy định đó, dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng. Tôi trả lời rằng nếu taxi truyền thống đang phải chịu những "vòng kim cô" thì do quy định của nhà nước chứ không phải lỗi của Uber hay Grab. Họ không phải chịu trách nhiệm gì trong việc taxi truyền thống phải chịu 13 "vòng kim cô" đấy.

Vấn đề là nhà nước phải "cởi trói" thì DN taxi truyền thống mới có thể cạnh tranh bình đẳng với Uber, Grab. Ví dụ 2 người thi bơi nhưng 1 người bị trói chân trói tay và đeo thêm vật nặng thì làm sao thắng được người không bị trói? Xu thế về công nghệ là không thể cưỡng lại được. Chống lại xu thế công nghệ là chống làn sóng đang lên của thế giới và chắc chắn sẽ thất bại, càng làm cho mình lạc hậu và lạc lõng. Vấn đề không phải là chống lại Grab, Uber mà DN Việt buộc phải chấp nhận cái mới, giải phóng cái cũ mới có thể cạnh tranh được. Hệ thống thể chế chính sách đang "trói chân trói tay" DN truyền thống, phải "cởi trói" thì DN mới tham gia "cách mạng công nghiệp 4.0" được.

Luật sư CHÂU HUY QUANG, điều hành hãng luật Rajah & Tann LCT Lawyers:

Hài hòa lợi ích các bên

Tư duy cũ cản bước công nghiệp 4.0 - Ảnh 4.

Xu hướng ứng dụng công nghệ vào cuộc sống là không thể thay đổi được. Vấn đề lúc này là cần hài hòa lợi ích giữa các chủ thể liên quan gồm các hãng taxi truyền thống, chủ công nghệ kết nối, tài xế taxi, chủ phương tiện cá nhân và người tiêu dùng. Với các động thái như ban hành đề án thử nghiệm taxi công nghệ, phương án khai và nộp thuế…, có thể thấy sự cầu thị của Chính phủ trong việc đem lại môi trường pháp lý hài hòa lợi ích DN, có tính đến quyền lợi người tiêu dùng. Còn lại, việc thành bại của các loại hình kinh doanh sẽ phụ thuộc và người tiêu dùng trên cơ sở hoạt động trong một môi trường tự do, bình đẳng cạnh tranh, lành mạnh.

Ngoài ra, Việt Nam nên có điều tra tổng thể và quy hoạch lộ trình cụ thể đối với phương tiện giao thông tham gia kinh doanh về số lượng xe, kiểm soát mật độ lưu thông xe, đặc biệt ở các đô thị lớn. Taxi công nghệ cũng giúp khắc phục được nhược điểm của taxi truyền thống là việc các xe chạy không tải trên đường bắt khách vãng lai, giúp hiệu quả lưu thông tốt hơn, giảm thiểu các hệ lụy về năng lượng và môi trường.

TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR):

Đưa thị trường theo mô hình vận tải công nghệ

Tư duy cũ cản bước công nghiệp 4.0 - Ảnh 5.

Xe hợp đồng điện tử như mô hình của Uber, Grab đã tạo môi trường cạnh tranh để taxi truyền thống cũng phải hạ giá thành và tăng chất lượng dịch vụ. Dù có nhiều lợi ích to lớn nhưng các nhà quản lý lại không nhận ra đây là giải pháp của tương lai. Theo tôi, một tư duy đúng đắn trong kỷ nguyên 4.0 là chính sách quản lý phải hỗ trợ để đưa cả thị trường đi theo hướng mô hình mới, hiện đại. Để các hãng taxi truyền thống từng bước chuyển đổi thành xe hợp đồng điện tử theo những cách khác nhau, chứ không phải kéo taxi công nghệ trở lại thành taxi truyền thống.

Nếu đã thừa nhận cuộc "cách mạng công nghiệp 4.0", chúng ta không thể tiếp tục quan sát và quản lý với tư duy 3.0 hay thậm chí 2.0. Tư duy quản lý đúng đắn lúc này là phải để xe hợp đồng điện tử trở thành các DN dẫn dắt thị trường, từ đó buộc các hãng taxi truyền thống phải nỗ lực thay đổi theo, thông qua việc cải tiến công nghệ, cải thiện thái độ dịch vụ, nâng cấp chất lượng phương tiện... Lúc này, cơ quan quản lý cần hỗ trợ các hãng taxi truyền thống, nội địa phát triển các công nghệ tương tự để bảo vệ vị trí và thương hiệu của mình. Không thể tư duy theo hướng đòi hỏi xe hợp đồng điện tử phải chịu trói để ngang bằng, bình đẳng với taxi truyền thống.

Chặng đường còn rất gian truân

Trong câu chuyện cạnh tranh giữa Uber, Grab với taxi và xe ôm truyền thống - tiêu biểu cho việc sử dụng các loại hình công nghệ vận chuyển mới và cũ - TS Nguyễn Đức Thành cho rằng Uber, Grab là ứng dụng đặc trưng của xu hướng công nghệ 4.0, đem lại nhiều tiện ích cho người dùng và xã hội. Có điều loại hình này đang bị nhìn nhận lệch lạc hoặc cố tình làm cho lệch lạc.

Mới đây, Bộ GTVT đưa ra nhiều nhận định khác nhau về loại hình vận tải kiểu Uber, Grab, như chính sách ngăn cản dịch vụ đi chung xe của các hãng này gồm UberPool và GrabShare (một lợi thế ưu việt của xe hợp đồng điện tử mà taxi truyền thống không thể có được, hành khách được chia sẻ tiền cước và môi trường ít xe lưu thông hơn). Điều này cho thấy bộ đã can thiệp thiếu cơ sở, minh chứng rằng cơ quan quản lý không hề nắm bắt được xu hướng tiến bộ mà công nghệ có thể mang lại cho xã hội… Thậm chí, TS Vũ Thành Tự Anh còn cho rằng quyết định này làm người tiêu dùng bị thiệt nhưng lại được các hãng taxi ủng hộ và không loại trừ chính các hãng taxi truyền thống "vận động" cho lệnh cấm này.

Việt Nam đã cam kết mở cửa mạnh mẽ thị trường cho đầu tư nước ngoài, trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đặc biệt theo cam kết WTO, bao gồm mở cửa thị trường dịch vụ vận chuyển, logistic, không có hạn chế tỉ lệ đầu tư đối với đầu tư nước ngoài. Do đó, việc tạo ra các rào cản hành chính, bảo hộ thị trường nội địa cho dịch vụ taxi truyền thống là đi ngược cam kết tự do hóa thị trường này. Đặc biệt, khi ứng dụng tiện ích công nghệ đang đem lại lợi ích trực tiếp to lớn cho người tiêu dùng.

Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tạo điều kiện để Uber tự do phát triển tại Việt Nam theo cơ chế thị trường cũng như khuyến khích ứng dụng công nghệ mới. Thế nhưng, các bộ - ngành vẫn đang tiếp nhận công nghệ 4.0 bằng tư duy 2.0. Nói như TS Vũ Thành Tự Anh, hô hào "công nghiệp 4.0" mà thể chế - cả chính thức và phi chính thức - vẫn tắc tị ở 2.0 thì chặng đường quá độ lên 4.0 còn rất gian truân.

Đ.Nghi - L.Anh

Theo Người Lao Động
http://nld.com.vn/kinh-te/tu-duy-cu-can-buoc-cong-nghiep-40-2017070821581722.htm