Đặng Quốc Thông
Đặng Quốc Thông

Nhà giáo

Từ câu van xin 'nhưng mà con rung rồôồi!' của bé lên 4, suy nghĩ về giáo dục trẻ em ở nước ta

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ở Mỹ cũng như ở rất nhiều nước khác trên thế giới, trong thứ bậc ưu tiên được chăm sóc và bảo vệ, trẻ em bao giờ cũng đứng đầu.

LTS: VietTimes xin giới thiệu bài viết của tác giả Đặng Quốc Thông, giảng viên Khoa Ngôn ngữ Hiện đại và Cổ điển, Đại học Houston (Department of Modern and Classical Languages, UH), luận bàn về giáo dục và ứng xử với trẻ em.

Trên Tin Mới ngày 04/08/2021, nhà báo Tuyết Linh đăng bài có tựa: “Ông bố dắt con đi dạo, bỏ chạy mất hình khi nhìn thấy công an: 'Tình nghĩa bố con' chắc có bền lâu?” Bài báo này có kèm theo một đoạn clip ghi lại cảnh một bé trai khoảng 3 - 4 tuổi đang run rẩy và nức nở quỳ lạy xin người công an phòng dịch đừng bắt bố mình vì hành vi dắt con ra đường chơi mà không đeo khẩu trang. Cuộc trao đổi giữa cậu bé (BT) và người công an (CA) được ghi lại như sau:

CA: Đồ gì đấy?

BT: (sụt sịt, tiến về phía CA, vẻ sợ sệt, bắt đầu thút thít) Dạạạạả.

CA: Đi đâu đây?

BT: Con... đi (hic) chơi (hic) chung với bố (hic), bố quên lấy khẩu traaa..ng (khóc nức nở).

CA: Bố đâu rồi? (lúc này đứa bé nấc lên), bố con đâu rồi?

BT: Nhưng mà bố (hự hự)..., (dài giọng năn nỉ) nhưng mà chú đừng... có... bắt được khôôông?

CA: Không... Ừ... Nhưng mà bố con đâu rồi?

BT: (chợt nấc lên) Nhưng mà con rung người rôôồôôi!

CA: Bố con đâu rồi?

BT: Nhưng mà bố con chạy xuống dưới kia... (chắp hai tay ngồi thụp xuống vái lia lịa như vái sao, vừa vái vừa nhảy ếch). Đừng có bắt màaaà!

CA: Bố con chạy rồi hà?

BT: (tiếp tục vái lia lịa) Dạ con lậy chúuú (thôi vái, ngước mặt nhìn lên chờ đợi).

CA: Thôi [được] rồi, đi về bảo bố đeo khẩu trang vô nha! Nhanh!

BT: (gật đầu, đứng vụt dậy) Dạaaa! (rồi chạy nhanh, vừa chạy vừa hic hic trong họng).

Sau khi kể vắn tắt lại câu chuyện, nhà báo Tuyết Linh kết luận: “Biểu cảm sợ sệt, chắp hẳn hai tay lạy cán bộ phòng dịch đã khiến dân mạng BẬT CƯỜI THÍCH THÚ... Cũng chính thái độ và hành động RẤT ĐÁNG YÊU của bé trai, cán bộ kiểm dịch chỉ nhắc nhở..." Đoạn clip này cũng đã được chia sẻ rộng rãi trên MXH và đã nhận được rất nhiều ý kiến khen ngợi, tán thưởng và ngưỡng mộ từ phía người xem. Có cả ngàn ý kiến và những ý kiến đại loại như sau đây có thể coi là tiêu biểu:

"Thương con wa hà, CƯNG XỈU luôn hà!"

"Ối trời ơi, thằng nhóc KHÔN QUÁ, DỄ THƯƠNG QUÁ."

"Nhìn tội nghiệp, bé mà sao không nhịn được cười. Thương quá."

"Yêu con quá ! Con đúng là ĐỨA TRẺ KHÔN, NGOAN, LẠI DŨNG CẢM!!!"

"Vừa xem vừa khóc, thấy thằng bé DỄ THƯƠNG QUÁ TRỜI luôn."

"Coi mà vừa cười vừa thương con chảy nước mắt luôn. CƯNG QUÁ."

"Nhìn hành động cháu bé lạy chú công an, vừa lạy vừa khóc. Tự nhiên mình cũng chảy nước mắt theo..."

"Cười ra nước mắt. Từ khi cô-vi xuất hiện nó làm cho con người NHẠY BÉN HƠN VỚI BẢN NĂNG SINH TỒN rất cao!"

"Bé KHÔN và dễ thương quá, biết xin lỗi cho bố. THẬT TUYỆT VỜI BÉ ƠI."

"Có đứa con TUYỆT VỜI TRÊN CẢ TUYỆT VỜI."

"Trời ơi CON TRAI ƠI CƯNG QUÁ, nhìn rơi nước mắt."

"THẬT XÚC ĐỘNG vì cách hành xử của cậu bé khi gặp lực lượng chức năng."

"Bé QUÁ THÔNG MINH, đây là CON NHÀ CÓ DẠY BẢO TỐT."

"Thấy thương thật. Sao mà sinh con NGOAN HIẾU vậy trời!"

"Hôm nay về nhà lôi mấy đứa con ra, MỞ CLIP NÀY CHO CHÚNG NÓ COI VÀ HỌC HỎI nè! Quá hay. Thằng BÉ KHÓC NẤC LÊN THẤY THƯƠNG GHÊ!"

"Có được cậu con trai như vậy, thì cuộc sống này không còn thứ gì tuyệt vời hơn được nữa. ĐÓ LÀ NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC NHẤT CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI mà thượng Đế đã trao cho chúng ta. QUÁ TUYỆT VỜI KHI CÓ ĐƯỢC MỘT CẬU CON TRAI NHƯ VẬY!"

Tôi xem đoạn clip và chịu khó theo dõi cả ngàn bình luận trên mạng xã hội liên quan đến sự việc này mà hoàn toàn không hiểu. Tôi không hiểu vì sao em bé 3, 4 tuổi, lẽ ra phải là tuổi của vô tư, hồn nhiên, lẽ ra phải không biết đến ngay cả khái niệm “sợ” ngoài nỗi sợ tự nhiên với những thứ vô hình hoặc khi ở một mình, ấy vậy mà em bé đồng bào này sao lại sớm phát triển một “BẢN NĂNG SINH TỒN” như thế, một sự yếu đuối vô vọng và tội nghiệp như thế. Khi nghe đứa trẻ kêu lên “NHƯNG MÀ CON RUNG NGƯỜI RỒI” thì tim tôi quặn thắt lại, có cảm giác cuống cuồng phát điên lên như thể đang nhìn một đứa bé lẽ ra không chết nhưng lại cứ đang dần lịm đi mà mình thì hoàn toàn bất lực!

Tôi cũng không thể hiểu nốt tại sao những người lớn, những bậc làm cha làm mẹ, khi xem đoạn clip này lại có thể thấy thích thú đến thế: “Cưng xỉu, khôn quá, dễ thương, thông minh, ngoan, tuyệt vời, dạy bảo tốt...”, đặc biệt là hai nhận xét sau cùng: “Hôm nay về nhà lôi mấy đứa con ra, MỞ CLIP NÀY CHO CHÚNG NÓ COI VÀ HỌC HỎI nè!!!” và “Có được cậu con trai như vậy, thì cuộc sống này không còn thứ gì tuyệt vời hơn được nữa. ĐÓ LÀ NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC NHẤT CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI mà thượng Đế đã trao cho chúng ta. QUÁ TUYỆT VỜI KHI CÓ ĐƯỢC MỘT CẬU CON TRAI NHƯ VẬY”. Trong đầu óc của những người lớn tuổi viết ra những bình luận nêu trên hình như đã chai mòn cảm giác tự nhiên về sự đúng sai, về lòng trắc ẩn thuần khiết cùng những khát vọng bản năng vươn lên cho đúng tầm vóc “người” cao cả, thay vào đó chỉ còn lại là những “phản ứng có điều kiện”.

Ở Mỹ, và cũng như ở rất nhiều nước khác trên thế giới, trong thứ bậc ưu tiên được chăm sóc và bảo vệ, trẻ em luôn đứng đầu, kế đến có thể là phụ nữ hoặc thú nuôi, và đàn ông luôn đứng chót. Tôi nhiều lần được các luật sư Mỹ nhờ phiên dịch tại tòa khi có những vụ kiện liên quan đến văn hóa Việt Nam. Đa số những vụ kiện này đều dính đến những hiểu biết lệch pha nhau về bạo hành trẻ em: Một người cha Việt trong lúc mất kiềm chế đã quất cho đứa con nhỏ của mình một roi lằn mông, một ông ngoại nựng yêu cháu bằng cách giơ bổng nó lên và hôn vào “quả ớt” của nó mà một người hàng xóm đã bắt gặp, một bà mẹ bứt gió để lại một vệt bầm đỏ trên trán con gái nhỏ v.v. Ở trường, thầy cô luôn luôn huấn luyện trẻ gọi ngay 911 báo cảnh sát mỗi khi cảm thấy sợ hãi, có thể là nghe bố mẹ to tiếng, hoặc bị bố mẹ dọa nạt. Trẻ em lang thang ngoài đường trong giờ học thì bố mẹ sẽ bị bắt, và bố mẹ cũng bị bắt luôn nếu để trẻ dưới 13 tuổi ở nhà một mình sau giờ học mà không có người lớn bên cạnh trông chừng.

Cũng ở Mỹ, hễ con nít (và phụ nữ cũng thế), hoặc những người hàng xóm, gọi cảnh sát báo là chúng bị bạo hành hoặc có trẻ nít bị ai đó bạo hành (bạo hành hiểu theo nghĩa rất rộng) thì khoảng 5 phút sau cảnh sát sẽ có mặt và còng tay người đó dẫn đi ngay, miễn giải thích. Trong trường hợp mà sự bạo hành quá rõ rệt và nghiêm trọng, chẳng hạn như bỏ đói hoặc đánh đập hoặc bỏ chúng một mình không ở cạnh trông chừng lặp đi lặp lại, người gây ra sự việc đó chắc chắn sẽ vào tù, còn nếu là bố mẹ thì vừa vào tù vừa mất luôn quyền được nuôi con sau khi mãn hạn. Trong vườn sau nhà tôi, tôi có thể thoải mái vác cây đuổi một con mèo hoang, hoặc lấy đá chọi một chú chim hoặc một con sóc để xua chúng khỏi phá mấy cây lê (dĩ nhiên chim trời sóc hoang mà bắt nướng hoặc quay uống bia cho vui là sẽ vào tù!), nhưng tôi luôn “kính nhi viễn chi” với trẻ em không phải con mình: luôn đứng cách xa chúng khoảng 2 mét, không bao giờ đụng tay đụng chân chúng, không xoa đầu, không chụp hình cá nhân, và ngay cả khi chụp cả một đám thì cũng phải tránh chụp mặt.

Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là thầy cô hoặc bố mẹ không được la rầy, trách mắng con trẻ, nhưng chỉ là la rầy, trách mắng chứ không được to tiếng, càng không được la hét, cầm roi đe thì lại càng không bao giờ! Trong lớp học, nếu học sinh ngủ gục, thầy cô không được véo tai dí đầu như ở ta. Trong những trường hợp này, thầy cô chỉ có thể hành động theo hai cách: hoặc là cứ để chúng ngủ, khi nào hết ngủ thì chúng sẽ tự thức dậy (đây là cách thầy cô thường làm, vừa khỏe thầy vừa khỏe trò), hoặc là dùng một ngón tay lay nhẹ cho chúng thức và yêu cầu chúng ra nhà vệ sinh rửa mặt cho tỉnh táo để về học tiếp. Ngay cả khi chúng nói chuyện ồn ào trong lớp, hoặc quay qua “kẻ mắt, tô son, đan tóc cho nhau”, thầy cô cũng chỉ có thể yêu cầu chúng ra hành lang ngồi để khỏi làm phân tâm các bạn khác, hoặc nghiêm khắc hơn thì gửi chúng lên ngồi trên phòng hiệu trưởng. Trước những yêu cầu như thế này, thường chúng sẽ vui vẻ đứng lên, bá vai bá cổ nhau đi ra khỏi lớp, vừa đi vừa nhún nhảy...

Nói chung ở Mỹ, thầy cô chỉ có thể “đề nghị”, “thuyết phục” trẻ em làm một cái gì đó, chứ không thể “bắt buộc”, nhất là khi những điều đó không được quy định trước. Chẳng hạn như việc “chào cờ” đầu giờ học mỗi ngày, thường chỉ xảy ra ở cấp tiểu học công lập, trung học thì không còn lệ này. Theo quy định, trong buổi “chào cờ” này (không hát quốc ca), học sinh sẽ đứng nghiêm trong lớp, tay phải đặt lên tim, và cùng đọc to 2 lời thề trung thành, một là với nước Mỹ, một là với tiểu bang. Quy định là như thế, nhưng nếu học sinh vì một lý do nào đó, chẳng hạn như tôn giáo, không thể thề trung thành với bất kỳ ai ngoài thượng đế, thì có thể làm đơn để được miễn. Nói chung cách hành xử vừa bảo vệ vừa tôn trọng trẻ của người Mỹ trong vài năm đầu tôi đến định cư ở đất nước này cũng làm tôi ngỡ ngàng, nhưng sau đó thì quen, đến nay thì cảm thấy “đương nhiên phải thế”, đương nhiên hệt như việc họ, và cả tôi, mỗi lần nói chuyện với trẻ đều phải “quỳ xuống” để trẻ có thể nhìn thẳng vào chúng tôi mà không phải ngước lên như ngước nhìn một bề trên.

Tôi biết trong rất nhiều lãnh vực ta chưa thể so sánh Việt Nam và nước Mỹ: Điều kiện ở Mỹ tốt hơn, nước họ giàu hơn, các ý niệm tự do công bằng được thực thi cụ thể hơn, v.v., còn Việt Nam mình thì vẫn đang nghèo, kéo theo bị hạn chế về nhiều mặt trong đời sống cả vật chất lẫn tinh thần. Hơn nữa về văn hoá thì nước nào cũng có những đặc điểm riêng, không bao giờ và không nhất thiết cứ phải giống y nhau. Tuy nhiên có một thứ mà ở cả hai quốc gia mọi người đều có sở hữu hoàn toàn ngang bằng nhau, đó là sự chăm sóc tinh thần mà chúng ta có thể toàn quyền dành cho con cái, bao gồm cả việc vun đắp thế giới quan lẫn nhân sinh quan cho chúng ngay từ tấm bé. Tôi thực sự lo ngại cho tương lai...khi thấy một số bậc cha mẹ có những lời khen kiểu “trật chìa” như trên, và còn lo ngại hơn khi hình dung đến ngày những đứa trẻ như em bé trong clip lớn lên tham gia vào việc điều hành cơ quan, tổ chức, xã hội, đất nước...

Tôi nghĩ, qua câu chuyện này, tất cả chúng ta là những người có trách nhiệm với tương lai con em mình, cơ quan tổ chức mình, dân tộc mình hãy cùng điều chỉnh lại hành vi của mình, làm sao để sự bảo vệ chăm chút những hạt mầm của tương lai đất nước không chỉ tồn tại như những lời tuyên ngôn trên giấy tờ sách vở mà phải được tiến hành đúng cách trong đời thực, kể từ những ứng xử nhỏ nhặt nhất với trẻ em.