Tù binh và trao trả tù binh sau khi kết thúc chiến tranh biên giới năm 1979

VietTimes -- Cuộc Chiến tranh chống xâm lược bảo vệ biên giới năm 1979 của chúng ta được coi là kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố hoàn thành rút quân ngày 16.3.1979; nhưng nó chỉ thực sự tạm chấm dứt khi hai bên hoàn thành việc trao trả tù binh vào ngày 22/6/1979.
Các sĩ quan biên phòng hai nước làm thủ tục giao nhận người bị bắt. Ảnh tư liệu
Các sĩ quan biên phòng hai nước làm thủ tục giao nhận người bị bắt. Ảnh tư liệu

Trung Quốc “Lấy nhiều đánh ít, dùng dao giết trâu mổ gà”

Để tiến hành cuộc chiến tranh 17/2/1979, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động một lực lượng khổng lồ gồm 9 quân đoàn chủ lực tinh nhuệ, được coi là “thiện chiến” nhất của họ khi đó cùng hàng ngàn xe tăng và hơn 2.880 khẩu pháo cỡ lớn. Theo tiết lộ trên báo chí chính thống Trung Quốc gần đây thì việc tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” đã được giới lãnh đạo tối cao quyết định tại Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 7/12/1978 và mệnh lệnh đánh Việt Nam được ban hành vào ngày 8/12. Khi đó do Trung Quốc mới ra khỏi “10 năm “Cách mạng Văn hóa” hỗn loạn, mà quân đội Trung Quốc đã hơn 10 năm chưa đánh nhau lớn kể từ sau chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962 (chỉ có cuộc chiến nhỏ của hải quân chiếm Hoàng Sa năm 1974), nên Quân ủy Trung Quốc quyết định “Lấy nhiều đánh ít, dùng dao giết trâu mổ gà”.

Đặng Tiểu Bình khi đó là Phó chủ tịch Quân ủy đã bổ nhiệm Hứa Thế Hữu, Tư lệnh Quân khu Quảng Châu làm Tổng chỉ huy lực lượng bảo vệ biên giới Quảng Tây – cánh quân phía Đông và gấp rút điều Tư lệnh Quân khu Vũ Hán Dương Đắc Chí, người đã từng là cố vấn quân sự giúp Việt Nam chống Pháp khi xưa về làm Tư lệnh Quân khu Côn Minh thay tướng Vương Tất Thành (đảo vị trí cho Dương Đắc Chí, làm Tư lệnh Quân khu Vũ Hán) và đảm nhiệm chức Tổng chỉ huy lực lượng bảo vệ biên giới Vân Nam – cánh quân phía Tây.

Cánh quân phía Đông, Quảng Tây do Hứa Thế Hữu chỉ huy gồm các quân đoàn 41, 42, 43, 54, 55 và 50 (thiếu sư đoàn 149); cánh quân phía Tây, Vân Nam do Dương Đắc Chí chỉ huy gồm các quân đoàn 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50 cùng với lực lượng biên phòng, dân binh với tổng số quân hơn 500 ngàn, số đã tràn qua biên giới là 202 ngàn.

Dẫn giải tù binh ra vị trí trao trả. Ảnh: internet
Dẫn giải tù binh ra vị trí trao trả. Ảnh: internet

Trong hơn 1 tháng chiến tranh, các lực lượng Trung Quốc đã bị thiệt hại nặng nề, theo số liệu tổng kết của Cục Hậu cần Quân khu Côn Minh được báo chí Trung Quốc dẫn lại (dù con số này kém xa thực tế) thì họ bị chết 8.531 người, bị thương hơn 23.000, bình quân mỗi ngày có 1 trung đoàn bị loại khỏi vòng chiến, bị bắt làm tù binh 239, trong đó có 202 người ra hàng tập thể ở cùng đơn vị Trung đoàn 448, Sư đoàn 150, Quân khu Thành Đô.

“Quân giải phóng nhân dân” sao lại giết hại dân thường?

Trong thời gian mấy tháng ở trại giam tù binh của Việt Nam, các binh lính Trung Quốc bị bắt thường tỏ ra nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, không có hành động quấy phá chống đối gì. Họ chỉ quan tâm nhiều đến bữa ăn. Mỗi khi có phái đoàn Chữ thập đỏ quốc tế đến thăm trại, một số người hay tranh thủ kêu ca cơm ăn không đủ no, thức ăn ít thịt cá dầu mỡ, rau toàn rau muống với rau bí… Có người vặn hỏi cán bộ quản giáo: “Việt Nam nói đầu hàng thì được đối xử tử tế, sao lại cho chúng tôi ăn như vậy?”. Họ đâu biết được hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam vào thời điểm ấy. Trong những ngày tháng khó khăn ấy, khẩu phần ăn mỗi ngày của họ vẫn được ta bảo đảm 700g gạo không độn mì mốc, ngô răng ngựa hay hạt bo bo, lại có chút thịt cá dầu mỡ là ta đã rất cố gắng. Về sau, khi tù binh được cử người cùng đi nhận thực phẩm ở kho chung với cán bộ chiến sĩ của trại, được tận mắt chứng kiến phần thực phẩm giành cho bộ đội Việt Nam còn ít hơn phần của tù binh, được nhìn bàn ăn của cán bộ chiến sĩ ta, họ mới hiểu ra và thừa nhận thực sự họ đã được đối xử tử tế.   

 Tuyệt đại đa số tù binh đều thành thật khai báo, ngoan ngoãn trả lời những câu hỏi của cán bộ quản lý trại. Có người nói giọng địa phương khó nghe, rất sợ bị hiểu nhầm là ngoan cố, khai báo không thành khẩn thì sau này hết chiến tranh có thể sẽ không được trao trả về nước với gia đình, hoặc sẽ bị đối xử tàn tệ như chỉ huy của họ tuyên truyền trước khi đi đánh nhau.

 Nhiều người đều tìm mọi cơ hội thanh minh mình bị lừa đi đánh Việt Nam vì tin theo lời của chỉ huy nói đánh Việt Nam để “chi viện cách mạng Campuchia”, “trừng phạt Việt Nam tiểu bá”. Họ thuộc lòng và ra sức biện bạch cho hành động tội ác gây chiến tranh xâm lược, phá hoại những công trình công cộng, nhà dân ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta.

Đối diện với nhóm người này luôn đòi hỏi những màn đấu trí căng thẳng. Tuy nhiên, họ thường cúi đầu mỗi khi bị hỏi: Trung Quốc lấy tư cách gì mà đòi trừng phạt nước khác? Các anh xưng danh “quân giải phóng nhân dân” sao lại giết hại dân thường, phá hủy những công trình phúc lợi, dân sinh? Các anh nói kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi, sao lại đặt mìn phá hoại di tích hang Pac Bó?

Tù binh Trung Quốc hổ thẹn khi chứng kiến cảnh hoang tàn

 Từ tháng 5 đến tháng 6/1979, hai nước Trung – Việt tiến hành 5 đợt trao trả tù binh tại cửa khẩu Hữu Nghị nằm giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây. Đến ngày 22/6/1979, công tác trao trả đã hoàn thành với 239 tù binh Trung Quốc (thực ra là 238 người và hài cốt 1 tù binh bị chết trong trại do bị thương nặng) đã được Việt Nam trao cho phía Trung Quốc; phía Trung Quốc cũng trao trả cho Việt Nam 1.638 người bị họ bắt, nhưng đại đa số là dân thường mà họ gán cho là “nhân viên vũ trang Việt Nam” với rất nhiều người già và phụ nữ, riêng phụ nữ đã có tới 117 người.

Việc trao trả được tiến hành ngay tại Cây số Không (0) tức là điểm khởi đầu của tuyến quốc lộ số 1 của Việt Nam với sự trung gian của Hội chữ thập đỏ quốc tế. Trước khi hai bên tiến hành trao trả, các đại biểu Hội chữ thập đỏ quốc tế đã được phép tới các trại giam tù binh của hai bên để giám sát việc thực hiện chính sách đối xử đối với tù binh theo Công ước Geneve và giúp hai bên kết nối liên lạc, chuyển thư tín, tin nhắn của các tù binh về với gia đình...

Đại diện Hội chữ thập đỏ hai bên trao đổi trước khi bàn giao người bị bắt. Ảnh tư liệu
Đại diện Hội chữ thập đỏ hai bên trao đổi trước khi bàn giao người bị bắt. Ảnh tư liệu

Để lên được Cây số Không, các tù binh, nhân viên công tác của Việt Nam, các đại diện Hội chữ thấp đỏ quốc tế, các nhà báo trong, ngoài nước thường tập kết tại thị xã Lạng Sơn, sau đó di chuyển bằng ô tô lên Đồng Đăng. Những cán bộ phía ta làm nhiệm vụ trao trả khi tới đây đều vô cùng đau lòng và phẫn nộ khi thấy một đô thị chết chìm trong cảnh đổ nát. Quân Trung Quốc khi rút lui đã dùng thuốc nổ phá hết nhà cửa, tiêu hủy tất cả những gì có thể ích lợi với cư dân: các toa tàu hỏa, đường ray, thiết bị trong nhà máy, cầu cống, cột điện. Nhiều tù binh cúi gằm mặt xuống, chắc là vì hổ thẹn...

Khi không còn đường cho xe đi, mọi người phải xuống xe và tiếp tục đi bộ mấy cây số cho đến biên giới; có lúc đó là những đoạn đường mòn hẹp tới mức mọi người phải đi theo hàng một. Lối đi là khu vực đã được rà mìn, xung quanh đâu đâu cũng có dòng chữ “Có mìn” viết trên đá và những tấm biển nhỏ, cảnh báo những nơi chưa được rà mìn. Có lần, một tù binh, dù đã bị cấm, nhưng ngại tiểu tiện trước mặt những người khác, đã đi thêm vài bước vào rừng, đến khu vực cấm. Anh ta dẫm phải một trái mìn, mìn nổ khiến anh ta cụt bàn chân.  

Việc trao đổi tù binh diễn ra theo một nghi thức nghiêm ngặt

Việc trao đổi tù binh diễn ra theo một nghi thức nghiêm ngặt do hai bên ấn định. Tại đây đường biên giới được biểu tượng bởi một vạch vôi màu trắng, có bề rộng chừng gang tay, được quét lên mặt đường rộng. Các sĩ quan biên phòng thường luôn nhắc nhở mọi người đừng bước qua vạch vôi, vì sẽ có cớ để bên kia coi đó là hành động khiêu khích.

Mỗi cuộc trao trả thường có khá đông nhà báo trong, ngoài nước tham dự. Phía Việt Nam thường là các phóng viên các báo, hãng thông tấn của các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô, báo Akahata của Nhật và hãng tin AFP của Pháp. Bên phía Trung Quốc thì số nhà báo đông hơn, chủ yếu là các hãng phương Tây. Qua tìm hiểu thì hầu như không có mặt các phóng viên Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa khác.

Một cuộc họp trao đổi giữa đại diện Hội chữ thập đỏ hai nước được diễn ra tại chỗ để khớp lại danh sách, tình trạng những người được trao trả... Khi cuộc trao trả bắt đầu, tại biên giới phía bên Việt Nam, một sĩ quan biên phòng đứng đọc một văn bản thông báo về việc trao trả được viết sẵn, được dịch sang tiếng Trung Quốc; phía bên kia là một người Trung Quốc cầm danh sách đối chiếu. Sau đó, các tù binh Trung Quốc, từng người một, bước qua vạch đi sang phía bên kia biên giới. Tất cả họ đều mặc bộ quần áo giản dị và sạch sẽ màu xanh, mỗi người cầm một túi nhỏ, bên trong là những món quà đặc sản của Việt Nam và những đồ vật cá nhân của họ bị thu khi bị bắt nay được trả lại.

 Phía Trung Quốc thường biến các cuộc trao trả thành những màn kịch kệch cỡm. Các tù binh Trung Quốc, khi vừa bước qua biên giới, đã nghe tiếng quát yêu cầu họ quẳng ngay túi quà đi. Cứ mỗi người bước sang lại có hai người mặc áo choàng y tế màu trắng tiến đến, ôm lấy, dìu đi như thể họ bị ốm nặng – mặc dù họ hoàn toàn khỏe mạnh, được ăn uống đầy đủ. Việc này xảy ra trước sự lắc đầu, nhún vai của các nhà báo quốc tế.

Sau đó đến lượt những người bị bắt bị gọi là “tù binh” Việt Nam được phía Trung Quốc trao trả. Họ cũng mặc đồng phục sạch sẽ, tay cầm túi quà. Khi họ bước qua biên giới sang phía Việt Nam, một sĩ quan trong Ủy ban đón tiếp ôm chầm lấy từng người, nói “Chào mừng các đồng chí đã trở về Tổ quốc”, rồi từng người bước về phía sau để nhường chỗ cho người khác trong niềm vui được trở về.

Một số tù binh Trung Quốc bị bắt khi xưa, sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ đã trở lại Việt Nam với tư cách nhà kinh doanh hoặc khách du lịch. Chính sự đối xử nhân đạo của quân đội và nhân dân ta đã khiến họ nhận rõ sự thật của cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” mà họ bị đẩy đi tham gia, nhận ra đâu là lẽ phải, để rồi trở thành nhịp cầu nối lại tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.