Từ 2016, cá nhân kinh doanh phải đóng thuế nhiều hơn

Các cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế, từ 1/2016 sẽ phải đóng thuế cao hơn hiện tại.
Cá nhân kinh doanh, không lập doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế nhiều hơn từ đầu năm sau. Trong ảnh: một chủ vựa kinh doanh hành tỏi tại chợ Nông sản Thủ Đức
Cá nhân kinh doanh, không lập doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế nhiều hơn từ đầu năm sau. Trong ảnh: một chủ vựa kinh doanh hành tỏi tại chợ Nông sản Thủ Đức

Theo quy định tại tiết a1, điểm a, khoản 2, điều 2 của Thông tư 92/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành thì doanh thu tính thuế của cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (cơ quan thuế thu dựa trên một mức doanh thu cố định hàng tháng) có sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hoá đơn.

Trong công văn gửi các cơ quan thuế trực thuộc, Tổng cục Thuế cho biết, quy định trên được hiểu rằng, từ ngày 1-1-2016, trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ vào doanh thu khoán và doanh thu trên hoá đơn, không phân biệt hoá đơn sử dụng theo quyển hay hoá đơn sử dụng lẻ theo từng số. Nghĩa là cá nhân kinh doanh phải đóng thêm thuế riêng cho các hóa đơn mua thêm, ngoài khoản thuế đóng dựa trên doanh thu khoán.

So với quy định hiện hành (Thông tư số 111/2013/TT-BTC) thì đây là một điểm mới. Bởi lẽ, theo hướng dẫn tại tiết a.1.2 điểm a khoản 1 điều 8 của thông tư trên thì có hai trường hợp cần phân biệt là sử dụng hóa đơn theo quyển và hóa đơn lẻ.

Trong đó, trường hợp cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán sử dụng hoá đơn quyển, nếu doanh thu trên hoá đơn thấp hơn hoặc bằng doanh thu khoán thì cá nhân chỉ phải nộp thuế khoán; nếu doanh thu trên hoá đơn cao hơn doanh thu khoán thì ngoài việc nộp thuế khoán cá nhân phải nộp bổ sung thuế đối với phần doanh thu trên hoá đơn cao hơn doanh thu khoán.

Còn nếu cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán sử dụng hoá đơn do cơ quan thuế bán lẻ theo từng số thì nộp thuế khoán đồng thời khai và nộp thuế đối với toàn bộ doanh thu trên hoá đơn theo từng lần phát sinh.

Trao đổi với TBKTSG Online, một cán bộ thuế thuộc Cục Thuế TPHCM cho biết, nói một cách dễ hiểu thì số thuế phải đóng của cá nhân kinh doanh theo phương pháp khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế từ đầu năm sau sẽ cao hơn so với hiện tại.

Bên cạnh đó, cũng theo Thông tư 92 và công văn hướng dẫn, các cá nhân kinh doanh còn chịu thêm một số nội dung quản lý.

Cụ thể, cá nhân kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp; trường hợp chưa thành lập doanh nghiệp, cơ quan thuế ấn định nộp thuế theo phương pháp khoán, đồng thời lập danh sách những cá nhân kinh doanh này báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh.

Đặc biệt, đây cũng là đối tượng có rủi ro khi cơ quan thuế áp dụng quản lý thuế theo phương pháp rủi ro.

Bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử

Theo đề xuất của Bộ Tài chính trong Dự thảo sửa đổi một số điều của các luật về Thuế chuẩn bị trình Quốc hội thì từ 1-1-2016, "người nộp thuế phải thực hiện khai, nộp thuế điện tử; sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế trong giao dịch bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và định kỳ có trách nhiệm chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế".

Điều đó có nghĩa, không chỉ các doanh nghiệp mà các cá nhân kinh doanh có đăng ký thuế đều phải khai, nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử...

Theo Bộ Tài chính, ngay từ năm 2011, cơ quan thuế đã bắt đầu cho sử dụng hình thức hóa đơn điện tử và từ đó đến nay trên cả nước có 300 doanh nghiệp sử dụng loại hóa đơn này với nhiều thuận lợi như: làm giảm chi phí tài chính và thời gian  trong việc in ấn, phát hành, gửi và lưu trữ hóa đơn giấy; giảm chi phí hành chính; hạn chế làm giả hóa đơn.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy: xu hướng chung các nước là khuyến khích tiến tới bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy trong giao dịch mua bán hàng hóa. Đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh không có điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử thì cơ quan thuế hỗ trợ để sử dụng hóa đơn in ra giấy có gắn mã của cơ quan thuế.

Vì vậy, đề xuất bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử nhằm phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử, hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Quy định này cũng sẽ giúp giảm chi phí tài chính và thời gian cho doanh nghiệp trong việc in ấn, phát hành, gửi và lưu trữ hóa đơn giấy; giảm chi phí hành chính; giảm thiểu tình trạng thất lạc hóa đơn; đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ kiểm soát chặt chẽ quá trình tạo, lập và phát hành hoá đơn của người nộp thuế; hỗ trợ hiệu quả cho công tác đối chiếu, xác minh hoá đơn để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sử dụng hoá đơn bất hợp pháp; hạn chế làm giả, sửa chữa hóa đơn; xây dựng kho dữ liệu tập trung về hóa đơn phục vụ kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế.

Theo TBKTSG