TTCK tuần 29/10 – 2/11: VN-Index tạo đáy ngắn hạn

VietTimes – Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua một tuần giao dịch có nhiều nét tích cực hơn so với tuần trước khi các phiên tăng điểm đã xuất hiện trở lại nhờ đà hồi phục mạnh mẽ của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Điểm sáng đáng chú ý là thanh khoản đã có sự cải thiện rõ rệt trong các phiên tăng điểm.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

TTCK trong nước khởi đầu tuần không mấy thuận lợi với 2 phiên giảm điểm liên tiếp. Trong đó, chỉ số VN-Index đã giảm lần lượt 12 điểm và 0,13 điểm trong ngày 29 và 30/11. Diễn biến tương tự cũng xảy ra với chỉ số VN30-Index khi nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn trong “rổ” cổ phiếu VN30 giảm điểm mạnh.

Các tín hiệu tích cực hơn xuất hiện trở lại trong các phiên giao dịch cuối tuần với thông tin hỗ trợ tích cực đến từ các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn như BID, VHM và GAS.

Cụ thể, cổ phiếu BID (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV) đã chứng kiến 3 phiên tăng điểm liên tiếp.

Nguyên nhân là do, BIDV đã công bố thông tin về việc xin ý kiến cổ đông thông qua phát hành riêng lẻ hơn 603 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là ngân hàng KEB Hana Bank. Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ được nâng lên mức 40.220 tỷ đồng, KEB Hana Bank sẽ nắm giữ 15% vốn sau phát hành.

Đà tăng mạnh của giá cổ phiếu phần nào phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh của BIDV trong thời gian tới khi có sự tham gia của cổ đông ngoại.

Cổ phiếu VHM cũng ghi nhận những phiên tăng điểm tốt khi công bố lợi nhuận sau thuế đạt tới 15.100 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ.

Tâm lý hưng phấn từ các cổ phiếu vốn hóa lớn đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, nâng đỡ chỉ số VN-Index rất tích cực trong những phiên cuối tuần. Tín hiệu tích cực khác đáng ghi nhận là thanh khoản thị trường tại các phiên tăng điểm đều có sự gia tăng đột biến cho thấy sự đồng thuận của dòng tiền. 

Ngoài ra, đà hồi phục cũng diễn ra khi nhiều cổ phiếu đã rơi vào tình trạng “quá bán” và trở nên “rẻ” hơn tương đối so với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư trong ngắn hạn.

Theo thống kê của Công ty Cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chỉ số P/E của Việt Nam giảm nhanh hơn P/E các thị trường trong khu vực. Trong mẫu theo dõi gồm 7 nước của BVSC, chỉ số P/E của Việt Nam là 16,13 lần xếp hạng thứ 4, thấp hơn chỉ số P/E của Ấn Độ (22,35), Indonesia (18,67) và Philippines (18,28).

Bên cạnh đó, TTCK toàn cầu đã đón nhận những tin tức được đánh giá khá tích cực về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Theo đó, sau khi trao đổi trực tiếp qua điện thoại hôm 1/11, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ sự lạc quan sau khi trao đổi trực tiếp qua điện thoại.

Cụ thể, trên Twitter, ông Trump nhấn mạnh về kết quả rất tốt mà hai lãnh đạo đã đạt được sau cuộc điện đàm kéo dài. Về phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình kỳ vọng nước này và Mỹ sẽ có thể thúc đẩy một mối quan hệ ổn định và lành mạnh trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

Dù chỉ là các thông điệp hết sức ngắn gọn nhưng TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam đã có những phản ứng rất tích cực với các tuyên bố trên.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 2/11, chỉ số VN-Index đã tăng tới 16,9 điểm, đóng cửa ở mức 924,96 điểm. Các mã đóng góp tích cực nhất cho mức tăng điểm của VN-Index tiếp tục là những cái tên quen thuộc như: VHM, BID và VCB.

Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index cho thấy mức thanh khoản gia tăng rõ rệt trong những phiên tăng điểm (Nguồn: BVSC)
Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index cho thấy mức thanh khoản gia tăng rõ rệt trong những phiên tăng điểm (Nguồn: BVSC) 

Tuy nhiên, theo thống kê của BVSC, 5 ngành diễn biến tích cực nhất trong tuần qua là: Thiết bị và dịch vụ y tế (+22,02%) với JVC, DNM; Du lịch (+8,34%) với VJC, VNS, VNG, DSN; Dịch vụ dầu khí (+6,95%) với PVD, PVS, PVC; Bán lẻ (+5,51%) với PNJ, TLG, SVC, PET và một số công ty Đầu tư đa ngành như: MSN, KBC, KDH ...

Ngành ngân hàng dù có sự tăng điểm đáng kể của BID, VCB, ACB vẫn chưa thể lọt vào trong top 5 ngành tăng trưởng tích cực trong tuần qua.

Ở chiều hướng ngược lại, ngành Thép có diễn biến tiêu cực nhất trong tuần với mức giảm 12,01% (HSG, POM, NKG) khi các thông tin kết quả kinh doanh không mấy tích cực được công bố.

Đi ngược xu hướng này trong ngành thép chỉ có mã cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát là có sự tăng trưởng tích cực khi có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt./.