TT Trump cảnh báo sắc lạnh về dự luật an ninh Hong Kong của Trung Quốc

VietTimes – Bộ Ngoại giao Mỹ tố Trung Quốc đi ngược lại các cam kết duy trì quyền bán tự trị của Hong Kong, sau khi Bắc Kinh tuyên bố rằng họ đang đề xuất một dự luật an ninh quốc gia có thể hạn chế các hoạt động đối lập ở đặc khu này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ phản ứng "mạnh mẽ" nếu Trung Quốc thực thi dự luật an ninh Hong Kong (Ảnh: EPA)
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ phản ứng "mạnh mẽ" nếu Trung Quốc thực thi dự luật an ninh Hong Kong (Ảnh: EPA)

"Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng cam kết và nghĩa vụ của họ trong Tuyên bố chung Trung Quốc-Anh" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố, nhắc tới hiệp ước song phương ký năm 1984 trong đó đảm bảo "sự tự trị mức cao" đối với Hong Kong cho tới ít nhất là năm 2047.

Các cam kết này, theo bà Ortagus, "là chìa khóa để đảm bảo hiện trạng đặc biệt của Hong Kong trong các vấn đề quốc tế và phù hợp với luật pháp Mỹ, cách ứng xử hiện tại của Mỹ đối với Hong Kong".

Dự luật của Trung Quốc - nếu được thực thi sẽ bỏ qua tiến trình làm luật của Hong Kong - dự kiến sẽ cấm tất cả các hoạt động được cho là nổi loại ở thành phố này; theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP). Dự luật sẽ chính thức được trình trước kỳ họp Quốc hội thường niên đang được tổ chức ở Bắc Kinh.

Bà Ortagus nói rằng động thái trên của Bắc Kinh "làm xói mòn các cam kết (của Trung Quốc) trong Tuyên bố chung Trung Quốc-Anh". Giới chức chính phủ ở châu Âu và Anh cũng đưa ra các tuyên bố ủng hộ Hong Kong.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu như Trung Quốc thông qua dự luật an ninh trên.

"Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề đó một cách mạnh mẽ" - ông Trump nói trước báo giới trước khi rời Nhà Trắng tới bang Michigan - "Tôi không biết nó là gì, bởi chưa ai biết về nó cả".

Sự phẫn nộ trước dự luật an ninh của Bắc Kinh cũng thể hiện rõ trên Đồi Capitol, nơi mà các nhà lập pháp của cả hai đảng nước Mỹ hồi năm ngoái đã nhất trí thông qua một dự luật giúp Mỹ tăng cường đánh giá các vấn đề về Hong Kong.

Được ký thành luật vào tháng 11 năm ngoái, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ trong vòng 6 tháng phải đánh giá về việc thực thi đạo luật, đánh giá xem liệu Hong Kong có duy trì đủ quyền tự trị để được Washington tiếp tục ứng xử với hiện trạng đặc biệt về thương mại hay không.

Nghị sĩ Mỹ kêu gọi trừng phạt

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gọi động thái mới của Trung Quốc là
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gọi động thái mới của Trung Quốc là "đáng báo động" (Ảnh: Newsweek)

Nghị sĩ Jim McGovern, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Quốc hội về Trung Quốc, đã kêu gọi chính quyền Trump phản ứng trước dự luật an ninh Hong Kong bằng cách sử dụng quyền lực theo Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, và nói rằng Mỹ nên "dẫn dắt một liên minh toàn cầu để ủng hộ người dân Hong Kong".

Động thái mới của Bắc Kinh đã tấn công "vào trái tim" của "Hệ thống một quốc gia, hai chế độ"; ông McGovern nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi viết trên Twitter rằng tuyên bố của Bắc Kinh là "đáng báo động".

Một số nhà lập pháp khác còn đi xa hơn khi nhanh chóng đưa ra một số nghị quyết nhằm lên án dự luật an ninh Hong Kong, cùng một số dự luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc.

Một nghị quyết trong số đó, được công bố bởi thượng nghị sĩ Josh Hawley - và được 9 nghị sĩ khác ủng hộ - sẽ giúp Quốc hội Mỹ đưa ra quản điểm chính thức là dự luật Hong Kong vi phạm Tuyên bố chung Trung Quốc-Anh, và kêu gọi chính quyền Trump sử dụng mọi biện pháp ngoại giao sẵn có, bao gồm cả lệnh trừng phạt, để ngăn chặn Bắc Kinh thông qua dự luật.

Phản ứng của châu Âu

Chris Patten - Thống đốc cuối cùng của Hong Kong (Ảnh: SCMP)
Chris Patten - Thống đốc cuối cùng của Hong Kong (Ảnh: SCMP)

Trong khi đó, ở châu Âu, nhiều chính trị gia có tiếng nói đã đồng loạt thể hiện rõ quan ngại về khả năng Bắc Kinh thông qua dự luật Hong Kong trong tương lai.

Virginie Battu-Henriksson - phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) về quan hệ đối ngoại - viết trên Twitter rằng khối này đánh giá mô hình hệ thống "Một quốc gia, hai chế độ" là cực kỳ quan trọng, thêm rằng "tranh luận dân chủ ở Hong Kong và tôn trọng quyền và sự tự do là cách tốt nhất để duy trì nó".

Chris Patten - Thống đốc cuối cùng của Hong Kong - đã gọi dự luật của Trung Quốc là "đòn tấn công toàn diện" nhằm vào quyền tự trị của Hong Kong, thượng tôn pháp luật và quyền dự do cơ bản; theo SCMP.

Một phát ngôn viên của Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung của Anh nói rằng họ đang "theo dõi sát sao tình hình" và mong rằng Trung Quốc "tôn trọng quyền và sự tự do của Hong Kong".

"Như một phần của Tuyên bố chung, Anh cam kết giữ vững quyền tự trị của Hong Kong" - phát ngôn viên nọ cho hay.

Tom Tugendhat - Chủ tịch Ủy ban chuyên trách ngoại vụ Anh - tỏ ý nghi ngờ rằng Bắc Kinh sẽ thực sự tuân thủ Tuyên bố chung Trung Quốc-Anh.

"Những thay đổi đơn phương có thể làm xói mòn quyền tự trị của Hong Kong và đặt ra câu hỏi về sự thượng tôn pháp luật đã giúp tạo dựng nên sự thịnh vượng của vùng lãnh thổ này" - ông Tugendhat nói.

Theo SCMP