TS Trương Văn Phước: "Sẽ không có kịch bản áp lực kép tỷ giá-lãi suất gì đâu!"

Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng dáng điệu biến thiên của tỷ giá trung tâm mà NHNN công bố sẽ là một nghệ thuật tạo tâm lý ổn định thị trường ngoại hối.
TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC)
TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC)

Tỷ giá USD/VND đã có "cú bật" mạnh vào giữa tuần qua, mặc dù đến nay giá đồng bạc xanh này đã có dấu hiệu hạ nhiệt tuy nhiên dự báo của thị trường vẫn cho rằng đồng USD sẽ tăng giá mạnh trở lại so với các đồng tiền chủ chốt khác, đặc biệt sau khi một loạt quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra những tuyên bố nói rằng sớm muộn gì lãi suất cũng sẽ được tăng lên.

Trong khi đó, thị trường lại xuất hiện thêm những suy đoán về về tình trạng khan hiếm USD trong hệ thống ngân hàng, bắt nguồn từ việc một vài NHTM Việt Nam đi vay ngoại tệ ở nước ngoài.

Vậy vì sao có diễn biến trên, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn riêng với TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) để trao đổi rõ hơn về vấn đề này.

PV: Việc tỷ giá bắt đầu tăng trong vài ngày gần đây tạo nên những lo lắng về kịch bản cơn sốt nóng tỷ giá do yếu tố chu kỳ tạo ra. Vậy thưa ông, lo ngại trên có cơ sở không?

TS. Trương Văn Phước: Trước hết nói về những lo lắng cho kịch bản sốt nóng tỷ giá do yếu tố chu kỳ tạo ra, thì nói thật tôi chưa từng nghe thuật ngữ “chu kỳ tỷ giá” bao giờ. Nhưng tôi cũng dám khẳng định không có chu kỳ tỷ giá đâu.

Có thể tỷ giá vận hành dưới những điều kiện tương đồng của thị trường tài chính, thị trường tiền tệ thì người ta dự báo thế này thế kia thôi.

Tôi có đọc một bài phân tích dùng những số liệu khoảng 15 năm trước và việc đồng USD tăng/giảm vài ba mươi đồng mấy ngày qua mà suy đoán tỷ giá sắp tới sẽ sốt nóng là không chính xác vì bối cảnh kinh tế Việt Nam trong những thời điểm của quá khứ thì rất khác so với hiện nay. Tỷ giá thường vận động dưới hai nhóm nhân tố chính, đó là nhóm nhân tố nền tảng của kinh tế vĩ mô và nhóm nhân tố cung cầu thị trường. Quý I/2016 đang xuất siêu trên 1 tỷ USD, các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ ngoài vào vẫn tăng lên khoảng gần 4 tỷ USD.Kiều hối vào Việt Nam cũng trên mấy tỷ USD trong quý I vừa qua.

Trên thị trường ngoại hối, các nhà xuất khẩu vẫn bán ngoại tệ cho NHTM bình thường, trong khi nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu cũng không lớn và đều được các ngân hàng đáp ứng. Điều đáng quan tâm hơn là đã có sự thay đổi cơ bản về cơ chế điều hành tỷ giá. Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố thay đổi từng ngày đã tạo ra sự chủ động hơn trước những biến đổi của thị trường trong nước và quốc tế. Trong gần 90 ngày qua của quý I, tỷ giá trung tâm không tăng mà lại giảm đi khoảng 10 đồng/USD. Đó là những thực tế khá dễ nhận biết để suy đoán rằng tỷ giá sẽ không rơi vào những cơn sốt nóng.

Giá USD tăng vọt còn phản ánh những tin đồn của thị trường về tình trạng khan hiếm USD trong hệ thống ngân hàng. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi không nghĩ là tỷ giá USD tăng vọt. Xét trên góc độ tỷ giá trung tâm mà NHNN công bố như đã nói đã giảm 10 đồng từ đầu năm đến nay. Chỉ tính riêng 10 ngày qua từ 15/03 đến 25/03/2016 thì tỷ giá trung tâm chỉ tăng 7 đồng, tỷ giá liên ngân hàng tăng 15 đồng và tỷ giá mua bán của ngân hàng thương mại với khách hàng tăng 20 đồng. Nói chung tỷ giá dao động trong khoảng 22.300 đến 22.350 VND/USD, với mức tăng chưa tới 0,1% trong 10 ngày sao lại nói tăng vọt được. Đối với những tin đồn của thị trường về tình trạng khan hiếm đô la trong hệ thống ngân hàng, tôi nghĩ là sai lầm. Có lẽ bắt nguồn từ việc một vài NHTM Việt Nam đi vay ngoại tệ ở nước ngoài rồi suy đoán sự khan hiếm này chăng?

Chúng ta nhớ lại giữa tháng 8/2015 khi Trung Quốc bất ngờ làm mất giá Nhân dân tệ khoảng 3% và trong bối cảnh ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) xem xét tăng lãi suất đồng đô la đã tạo nên một tâm lý kỳ vọng đồng đô la sẽ tăng giá rất mạnh. Cho nên dù NHNN quy định lãi suất tiền gửi USD bằng 0%, lượng ngoại tệ mà dân chúng chuyển vào gửi ngân hàng tăng đột biến trên 14%. Còn việc NHTM đi vay ngoại tệ ở nước ngoài thì đây là hiện tượng bình thường, họ phải cơ cấu nguồn vốn trung dài hạn tăng lên trong nguồn vốn huy động ngoại tệ.

Về sử dụng vốn thì ngoại tệ huy động trong hệ thống NHTM được dùng để cho vay nhưng đối tượng cũng rất hạn chế, chỉ đối với những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ. Trong năm 2015, dư nợ cho vay ngoại tệ giảm 3,4%, quý I/2016 cho vay ngoại tệ lại tiếp tục giảm. Do đó cân đối huy động và cho vay ngoại tệ càng có sự thặng dư lớn. Về cân đối giữa mua và bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại thì tình hình cũng khả quan hơn. Đó là do lãi suất USD bằng 0% và tỷ giá ổn định nên người dân đã bán khá lớn lượng tiền gửi USD để nhận VND có lãi suất cao hơn rất nhiều.

Những yếu tố trên khẳng định không có tình trạng khan hiếm USD trong hệ thống ngân hàng dù dưới góc độ là ngoại tệ cho vay hay ngoại tệ bán cho nhu cầu thanh toán quốc tế.

Thực tế cho thấy các vấn đề tỷ giá luôn đi kèm với sự sốt nóng của lãi suất. Và điều này đang diễn ra, trong 2 ngày gần đây không chỉ thị trường ngoại hối nóng lên mà các NHTM cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi VND. Liệu rằng kịch bản áp lực kép tỷ giá-lãi suất đang dần lộ ra không thưa ông?

Trước hết, chỉ nói riêng về quan hệ lãi suất trong 2 đồng tiền của cặp tỷ giá USD/VND. Quy luật chung là nếu lãi suất đồng tiền nào tăng lên thì mang lại lợi thế (tăng giá) trong quan hệ tỷ giá của 2 đồng tiền đó. Nếu lãi suất VND tăng lên thì xu hướng VND sẽ tăng giá so với USD, chứ không phải là mất giá. Đương nhiên thị trường còn phản ứng về tỷ giá trước một biến số kinh tế vĩ mô khác rất quan trọng đó là lạm phát. Nếu lạm phát tăng cao thì kéo theo đồng tiền mất giá. Dự báo lạm phát ở Việt Nam năm nay khoảng 3% đến 3,5% thì không tác động nhiều tỷ giá.

Trong năm 2015, sở dĩ đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới là do kỳ vọng lãi suất đồng USD tăng lên. Nhưng khi lãi suất trong 6 tháng qua chỉ tăng 0,25% thì đồng USD từ đầu năm đến nay đã không tăng giá nữa mà quay sang giảm giá từ 1% đến 5%, tùy theo từng ngoại tệ. Các dự báo về kinh tế Mỹ nay đã chuyển sang ít lạc quan hơn. Cho nên kỳ vọng về FED tăng lãi suất thì vẫn còn nhưng số lần tăng sẽ giảm đi rất nhiều và mức tăng rất bé. Điều này giúp ta có thể dự báo đồng USD tuy vẫn tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt nhưng mức tăng sẽ không lớn. Quý I vừa rồi có thể thấy đồng Nhân dân tệ chỉ mất giá 0,2% so với USD.

Về việc lãi suất VND tăng lên trong thời gian qua có thể bắt nguồn từ một số lý do chính như sau: thứ nhất, tốc độ tăng tín dụng năm 2015 khá cao trên 19% trong khi huy động vốn chỉ tăng 16%; thứ hai, tín dụng trung dài hạn tăng rất nhanh trên 31%, nhất là tín dụng bất động sản tăng trên 28% đặt ra nhu cầu cần cơ cấu lại nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng thương mại. Trước thực trạng đó NHNN đang xem xét việc điều chỉnh một số chính sách nhằm đảm bảo cơ cấu tín dụng hợp lý không để tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng dư nợ, các ngân hàng thương mại cần tăng tỷ trọng huy động vốn trung dài hạn nhiều hơn.

Có thể đó là những nguyên nhân khiến các NHTM tăng lãi suất huy động VND nhưng chủ yếu ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng. Cũng cần lưu ý về mức tăng CPI 0,57% của tháng 3/2016 là khá cao so với các tháng trước. Tuy nhiên mức tăng này không phải do chi phí đẩy mà do sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục.

Nhìn chung, năm nay dự báo lãi suất VND có tăng nhưng cũng ở quanh mức 1-2%. Cá nhân tôi nghĩ rằng tỷ giá USD tăng so với VND từ 3-4% trong năm nay là chấp nhận được. Dĩ nhiên dáng điệu biến thiên của tỷ giá trung tâm mà NHNN công bố sẽ là một nghệ thuật tạo tâm lý ổn định thị trường ngoại hối. Tôi cũng không nghĩ có kịch bản áp lực kép tỷ giá-lãi suất gì đâu!

Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Trí thức trẻ