Việc chi 400 tỷ đồng vốn vay World Bank để làm bộ SGK mới:

TS. Tô Văn Trường: Bộ GD&ĐT phải “vắt chân lên cổ” tìm người viết bộ SGK mới

VietTimes – Việc biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) của Bộ phải bắt đầu muộn nhất là 6 tháng trước khi công bố Chương trình giáo dục phổ thông. Bây giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải “vắt chân lên cổ” tìm người viết SGK chỉ gấp rút trong vòng 5 tháng. 
TS. Tô Văn Trường. Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường.
TS. Tô Văn Trường. Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nếu sản phẩm này không dạy được hoặc không đạt chất lượng, hiệu quả bằng các bộ SGK làm bằng vốn xã hội hóa thì lúc ấy, không chỉ Bộ GD&ĐT mà ngay cả Quốc hội cũng sẽ bị cử tri nghiêm khắc phê bình.

Đó là quan điểm của TS. Tô Văn Trường trong thông tin trao đổi với VietTimes liên quan đến việc thực hiện bộ SGK 400 tỷ đồng từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

“Tiền mất - tật mang”

Như VietTimes đã thông tin, thực hiện Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo 3 nhà xuất bản (NXB) thuộc ngành Giáo dục, gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, biên soạn, xuất bản 5 bộ SGK các môn học bắt buộc ở lớp 1 và 7 quyển SGK Làm quen với tiếng Anh lớp 1 (môn học tự chọn) để triển khai từ năm học 2020 - 2021. Tất cả số SGK này đều được biên soạn, xuất bản bằng nguồn vốn xã hội.

Việc này được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đã có 5 bộ SGK và không đủ nhóm tác giả tham gia thầu thực hiện SGK – như nội dung Chính phủ nhiều lần đề cập trong báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện triển khai đổi mới chương trình SGK, giáo dục phổ thông - đã bước đầu vấp phải sự phản đối, chỉ trích của các chuyên gia tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và phát triển đất nước.

Dự kiến, Bộ GD&ĐT sử dụng 400 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới.

TS. Tô Văn Trường cho rằng, Quốc hội đã từng sáng suốt lắng nghe ý kiến của người dân cả nước để hủy bỏ việc thông qua dự án 3 đặc khu kinh tế, thì lần này Quốc hội không nên tiếp tục yêu cầu Bộ GD&ĐT phải thực hiện theo Nghị định 88, nhất là khi đã thấy trước “tiền mất, tật mang”!

“Mất tiền thuế của dân trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn phải gồng mình chống COVID-19 là mất mát rất đáng trách, mất uy tín còn lớn hơn rất nhiều nhưng mất lòng tin là mất tất cả”, TS. Tô Văn Trường bày tỏ.

Thiếu tính bình đẳng trong việc cạnh tranh giữa các bộ sách

Thuyết phục Quốc hội và Chính phủ dừng việc vay tiền Ngân hàng Thế giới để viết SGK, TS. Tô Văn Trường đưa ra nhiều điểm bất hợp lý:

Trước tiên, ông khẳng định sức hấp dẫn của việc làm SGK đủ lôi kéo các nguồn lực xã hội vào cuộc và không phải lo rằng không có SGK nếu không có sự tham gia của nhà nước. Nhà nước chỉ cần nắm chắc khâu thẩm định chất lượng là đủ!

Giáo viên và phụ huynh học sinh xem bản mẫu sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Minh Thúy.
Giáo viên và phụ huynh học sinh xem bản mẫu sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Minh Thúy.

Cùng với đó, ông cho rằng giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn SGK về mặt chiến lược là lùi từ chủ trương “phi tập trung” vừa mới hé mở về lại “tập trung”, không chỉ về mặt biên soạn mà cả về mặt sử dụng sách, bởi nhiều khả năng các Sở GD&ĐT sẽ không dám không ưu tiên chọn SGK của Bộ.

Đánh giá trong tình hình hiện nay, Bộ GD&ĐT không có khả năng tổ chức biên soạn SGK đúng thời hạn vì quá gấp và có chất lượng vì đội ngũ biên soạn tốt đã được thu hút gần hết vào các nhà xuất bản, các công ty, TS. Tô Văn Trường cho rằng: “Nếu cứ buộc Bộ GD&ĐT phải biên soạn cho bằng được một bộ SGK và bộ sách đó do một phép thần kỳ nào đó mà được Hội đồng thẩm định thông qua thì hệ quả là sẽ lãng phí tiền của của xã hội. Và quan trọng hơn, việc này sẽ gây tác hại không nhỏ đến chất lượng giáo dục vì không có cạnh tranh bình đẳng giữa bộ sách của Bộ GD&ĐT và các bộ sách thực hiện bằng vốn xã hội”.

TS. Tô Văn Trường nhận định, Nghị quyết 88 của Quốc hội có quy định Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK phải chăng là vì không dám dốc hết niềm tin vào xã hội(?). Ông đặt vấn đề nếu đến hạn mà không có bộ sách nào đáp ứng được yêu cầu về chất lượng thì biết làm thế nào và giải thích: “Để chắc ăn, phải buộc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách; nếu tình huống ấy xảy ra thì vẫn có một bộ cho học sinh học”.

Tuy vậy, ông phân tích thực tế cho thấy điều ngược lại: Vừa mở ra chủ trương xã hội hóa đã có 5 bộ sách đạt yêu cầu. Lý do của quy định Bộ GD&ĐT phải biên soạn một bộ SGK đã bị thực tế chứng minh là không còn đứng vững nữa.

Cùng với các lập luận này, TS. Tô Văn Trường nhắc lại việc trước năm 1975, ở miền Nam, Bộ Giáo dục chỉ ban hành chương trình, thậm chí không cần tổ chức thẩm định chất lượng và xã hội hóa việc viết SGK cho xã hội, nhưng giáo dục vẫn ổn. Ông cho rằng đây có thể coi như một ví dụ cụ thể đáng tham khảo trong giai đoạn hiện nay.

Trong bức thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 24/4/2020, TS. Tô Văn Trường thẳng thắn nêu quan điểm: “Bộ GD&ĐT không đủ khả năng thực hiện như thực tế chứng minh đã đành, mà nếu thực hiện được càng không ổn”. Cùng với đó, TS. Tô Văn Trường cũng gợi ý rằng chỉ trừ các sách về lịch sử, địa lý, văn học bắt buộc phải soạn trong nước, còn hầu hết các sách về khoa học, toán nếu biết kế thừa các sách tiên tiến trên thế giới thì chỉ cần vài năm là xong, lại không tốn kém.

VietTimes sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về sự việc này.