TS Nguyễn Chí Công: Việt Nam nên đi vào nhu cầu về vi điều khiển cho các ngành công nghiệp

VietTimes – Như đã phản ánh, tại Việt Nam từng có 2 đề án nghiên cứu chế tạo máy vi tính Vt8x tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) và "Bác Tô" tại Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên cả 2 đề án này đã không trở thành hiện thực. VietTimes đã có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Chí Công - người đã trực tiếp tham gia đề án chế tạo máy vi tính VT8x.
TS Nguyễn Chí Công (bên phải) người đã tham gia nghiên cứu chế tạo máy vi tính VT8x (ảnh: NVCC)
TS Nguyễn Chí Công (bên phải) người đã tham gia nghiên cứu chế tạo máy vi tính VT8x (ảnh: NVCC)

Trước hết, xin ông cho biết vì sao chúng ta đã nghiên cứu chế tạo được máy vi tính song việc sản xuất hàng loạt không thành hiện thực?

Là người đã trực tiếp tham gia nghiên cứu chế tạo máy tính VT8x những năm cuối của thập niên 1970, tôi biết có nhiều lý do khiến việc sản xuất không thành hiện thực. Sau khi nghiên cứu chế tạo thành công, chúng tôi đã đặt vấn đề với Liên hiệp các xí nghiệp điện tử Việt Nam (nay là Tổng công ty Điện tử Tin học Việt Nam) để đối tác này nghiên cứu, sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên lúc đó Việt Nam còn đang bị Mỹ cấm vận nên việc nhập khẩu với số lượng lớn các chi tiết quan trọng nhất như chip vi xử lý, ổ đĩa cứng là không dễ dàng. Nguồn vốn để đầu tư cho công nghiệp sản xuất máy tính cũng là cả vấn đề lớn. Mặt khác, Việt Nam cũng không thuyết phục được khối SEV (Hội đồng Tương trợ Kinh tế) vì nhiệm vụ sản xuất máy tính đã được phân công cho Liên Xô và CHDC Đức.

Nói chung, để sản xuất được máy vi tính ở quy mô công nghiệp là không đơn giản vì phải có được một thị trường đủ lớn và trong đó có những thứ vẫn phải nhập như bộ vi xử lý. Sản phẩm làm ra phải bán được với giá cả cạnh tranh. Thị trường là yếu tố rất quan trọng và cho dù sản phẩm làm ra có thể chưa tốt nhưng nếu bán được thì mới có tiền đầu tư nâng cấp. Chúng ta đã không tranh thủ được cơ hội trước thời điểm Mỹ bỏ cấm vận cũng là điều đáng tiếc và cũng cần phải nói rằng dù có làm được thì về sau cũng khó cạnh tranh với các nước Đông Nam Á, Đài Loan, Trung Quốc.

Các nước có đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ rất có tiềm năng thị trường không chỉ với riêng máy vi tính. Họ chỉ cần làm được với thị trường nội địa là đã có thể phát triển rất tốt công nghiệp sản xuất máy tính. Sau đó, với giá cả đã rất cạnh tranh rồi thì họ hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thị trường nhiều quốc gia khác.

TS Nguyễn Chí Công: Việt Nam nên đi vào nhu cầu về vi điều khiển cho các ngành công nghiệp ảnh 1 TS Nguyễn Chí Công (thứ hai từ bên phải) tại một sự kiện của Hội Hữu Nghị Việt - Séc năm 2017 (ảnh FB nhân vật)

Cái mà Việt Nam đã làm cách đây cỡ 20-30 năm là máy tính thương hiệu Việt Nam. Song ai cũng thấy trong các máy tính đó, chúng ta không tự làm được một linh kiện nào, kể cả chiếc ốc vít không gỉ. Có chăng, chỉ là bao bì bằng bìa các tông.

Nhân đây, tôi cũng xin có câu hỏi đã đặt ra với nhiều người là chúng ta phải làm gì một khi đang sử dụng vệ tinh của Mỹ, chip vi xử lý của Mỹ và hệ điều hành cũng của Mỹ?

Đành rằng, chúng ta đang sử dụng những công nghệ nói trên của Mỹ nhưng theo ông, Việt Nam vẫn có thể làm gì?

Trên thực tế, nhu cầu công nghiệp phần cứng của Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… tuy không sản xuất chip vi xử lý cao cấp cho máy vi tính nhưng họ đã sản xuất bo mạch máy tính (mainboard), bộ nhớ và các mạch vi điều khiển cho máy thu hình, nồi cơm điện, máy giặt, đàn piano điện tử… và cho các nhu cầu sản xuất công nghiệp. Đó là điều mà Việt Nam nên học tập vì với thị trường trên 90 triệu dân thì hoàn toàn có thể đáp ứng với giá thành rẻ hơn nhập ngoại. Tuy nhiên, với thị trường điện tử, điện máy dân dụng thì chúng ta khó lòng cạnh tranh được với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc do sản phẩm của họ đã quá chiếm lĩnh niềm tin của các nhà buôn. Việt Nam nên đầu tư vào công nghệ vi điều khiển cho nhu cầu của các ngành công nghiệp như giao thông vận tải, chế tạo máy, dây chuyền sản xuất xi măng, điện lực, hóa chất... Theo tôi được biết, hiện tại với các dây chuyền sản xuất công nghiệp nếu phải thay thế chip vi điều khiển của nước ngoài thì giá thành là rất đắt. Vì thế, chúng ta cần đầu tư nghiên cứu về công nghệ nguồn cho nhu cầu này và chắc chắn sẽ có giá thành rẻ hơn.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến nhu cầu về an ninh thông tin cho các thiết bị kết nối Internet với các lĩnh vực an ninh, quốc phòng cùng nhu cầu của các cơ quan Chính phủ. Để đảm bảo tính bảo mật, yêu cầu đặt ra là phải có cả giải pháp phần mềm và phần cứng. Đây là việc dù muốn hay không muốn thì chúng ta cũng phải tự làm.

Ông nghĩ gì về việc các tỷ phú công nghệ như Elon Musk sẽ phủ sóng Internet qua vệ tinh?

Đó là một thực tế đang và sẽ đến trong tương lai gần. Một khi Internet có mặt ở khắp mọi nơi qua vệ tinh thì chắc rằng các doanh nghiệp làm viễn thông và Internet sẽ rất khó còn đất sống. Có thể hôm nay họ tuyên bố rằng đang có lãi nhưng thực chất cái lãi đó không phải là từ viễn thông và Internet mà là từ buôn bán điện thoại thông minh. Sử dụng điện thoại thông minh đang là một nhu cầu lớn ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Giá thành xuất xưởng của các loại điện thoại này và giá bán thực tế hiện có độ vênh rất cao. Vì thế, đi buôn điện thoại thông minh rất có lãi.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm: