TS Bàn Tuấn Năng: Muốn đồng bào thiểu số phát triển, trước hết phải quan tâm đến các nhóm tinh hoa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Nổi lên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nhóm Người Dao Việt Nam – gắn kết từ bản sắc là một điển hình. Dưới đây là những tâm sự của TS Bàn Tuấn Năng – Trưởng Ban liên lạc của nhóm với VietTimes.
TS Bàn Tuấn Năng - Trưởng Ban liên lạc nhóm Người Dao Việt Nam - gắn kết từ bản sắc trên mạng xã hội Facebook.
TS Bàn Tuấn Năng - Trưởng Ban liên lạc nhóm Người Dao Việt Nam - gắn kết từ bản sắc trên mạng xã hội Facebook.

PV: Anh được mọi người biết đến với sự hình thành của cộng đồng Người Dao Việt Nam – gắn kết từ bản sắc trên Facebook. Xin anh cho biết, trong thời gian qua, cộng đồng đã làm được những gì và còn mong muốn những gì?

TS Bàn Tuấn Năng: Kể về câu chuyện thành lập nhóm Người Dao Việt Nam – gắn kết từ bản sắc, để liệt kê tất cả các công việc đã làm được thì chắc cũng mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, ít nhất chúng tôi cũng đã làm được một số việc như quan tâm đến những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của đồng bào mình. Đó là những người cần được hỗ trợ cả không chỉ về tài chính, để khám, chữa bệnh.

Về cơ bản, nhiều người trong cộng đồng của chúng tôi rất yếu về giao tiếp. Khi về xuôi chữa bệnh, nhiều người không giao tiếp được bằng tiếng Kinh. Điển hình như mẹ của bạn Lý Sào Quyên ở Đại học Mở Hà Nội, khi về Hà Nội chữa bệnh thì chúng tôi phải tăng cường một số bạn sinh viên người Dao khác để đưa cơm và kiêm luôn việc “thông ngôn” với bác sĩ, y tá. Như vậy, bà con người Dao xuống Hà Nội khám, chữa bệnh thì chỉ cần đăng tin trên nhóm là sẽ được các bạn sinh đón tiếp, hỗ trợ theo sự phân công của tôi. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp khó khăn về sinh kế cũng được chúng tôi quan tâm, hỗ trợ, quyên góp ủng hộ.

Còn ngay tại Hà Nội thì cộng đồng sinh viên người Dao cũng là những câu chuyện để kể. Nhiều bạn vào dịp Tết Âm lịch đã ở lại để bán hoa chuối rừng cho khách hàng mua về để ngắm. Và mỗi bạn qua vụ việc này cũng thu được 6 – 7 triệu đồng trong vòng 10 ngày. Việc tham gia thương trường với các bạn sinh viên không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn rèn kỹ năng cho chính mình. Lúc đầu, việc lo nguồn hàng để bán là tôi phải lo, nhưng về sau thì chính các bạn sinh viên đã chủ động việc này, tự quyết định lỗ lãi. Có được tư duy tổng thể trong kinh doanh là bài học rất lớn cho chính các bạn sinh viên người Dao và chỉ qua việc này, nhiều bạn đã tự tin hơn trong cuộc sống để chủ động kinh doanh.

Với cộng đồng sinh viên người Dao thì còn có nhiều việc lớn hơn thế nữa. Đó là cuộc thi trực tuyến về văn hoá người Dao vừa được tổ chức mới đây nhân kỷ niệm 2 năm chính thức có cộng đồng Người Dao Việt Nam – gắn kết từ bản sắc trên Facebook. Ngoài ra, hàng năm chúng tôi vẫn có những chương trình trao học bổng, quyên góp máy tính đã qua sử dụng cho sinh viên người Dao.

TS Bàn Tuấn Năng trao máy tính đã qua sử dụng cho sinh viên người Dao

TS Bàn Tuấn Năng trao máy tính đã qua sử dụng cho sinh viên người Dao

Cũng phải kể đến một việc lớn hơn là kết nối nông sản và doanh nghiệp mà tôi đang làm đầu cầu với thương hiệu “thịt lợn tiến sĩ”. Việc này giúp đồng bào ở quê bán được hàng là thực phẩm, lâm sản… và cũng đem lại thu nhập cho chính các bạn sinh viên tham gia phân phối, bán hàng. Mục tiêu đầu tiên ở đây không phải đầu tiên là tài chính. Vấn đề là dạy các em sinh viên biết bán hàng, biết sử dụng thương mại điện tử… Và như thế, chính các biết là thứ mà Hà Nội bỏ đi là máy tính cũ thì chính các em sinh viên thèm khát, còn những nông sản mà người Dao ăn vào hàng ngày thì người Hà Nội cũng rất muốn được ăn. Vậy tại sao không đảo lại hai chiều cho thực tế này?

Thương trường cũng là một nơi học tập rất tốt chính sinh viên. Với tôi, ít nhất các em phải đạt điểm trên trung bình để tôi có thể tiếp tục kèm cặp, hỗ trợ. Còn nếu không đạt điểm trung bình thì tôi không thể hỗ trợ được. Và nếu các em vượt qua được chính mình thì phần thưởng không chỉ là có thêm thu nhập, mà chính là sự tự tin để bước vào đời.

Về cơ bản, những việc có thể làm là rất nhiều nhưng vì Covid-19 nên cũng đành không tổ chức được nhiều sự kiện. Đến đây, tôi muốn nhắc lại lời của cố giáo sư Văn Như Cương: “Các em sau này có thể trở thành bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân… nhưng trước phải phải là người tử tế”. Tôi luôn nhắc các em phải phấn đấu làm người tử tế vì người Dao là một dân tộc biết yêu thương, biết chia sẻ, thật thà, giỏi nghề thuốc và sống chan hoà. Mọi việc mà chúng tôi đã làm được và mong muốn tốt hơn chỉ có 2 sứ mệnh là bảo tồn văn hoá và phát triển kinh tế.

PV: Là một chuyên gia văn hoá, anh nghĩ gì về việc các dân tộc vừa phải giữ gìn bản sắc văn hoá, vừa hội nhập vào một xã hội phát triển trong thời đại ngày nay?

TS Bàn Tuấn Năng: Người dân tộc thiểu số hiện chiếm khoảng 14% dân số Việt Nam. Họ cư trú tại 70 – 80% của các vùng xung yếu trên đất nước, tức là miền núi và biên giới. Chính môi trường địa lý đã mặc định một việc rất quan trọng định hình nên môi trường xã hội. Và chính môi trường đó đã làm nên những nét văn hoá đặc thù của người dân tộc thiểu số. Đó là sự co cụm về dân cư, khép cửa về văn hoá. Nhiều dân tộc có những lễ hội cộng đồng với đặc trưng văn hoá riêng nhưng có những dân tộc lại chưa có lễ hội như vậy mà chỉ có lễ hội mang tính chất nghi lễ.

Chính những nét văn hoá khép kín đó lâu dần đã hình thành ra sự tự ty dân tộc. Và chính sự tự ty đó đã làm nhiều người không dám vượt qua ngưỡng, quen với chủ nghĩa kinh nghiệm, không quen với sự thay đổi. Ở một góc độ nào đó trong khái niệm bảo tồn văn hoá, đó cũng là điều tốt. Nhưng nếu nói đến câu chuyện phát triển thì lại là câu chuyện rất khó. Chính điều đó làm cho sự phát triển kinh tế của đồng bào bị chậm hơn so với vùng thấp và miền xuôi. Đồng bào thiểu số không dễ dàng thích ứng với cái mới.

Thay đổi thì có hai cách. Cách thứ nhất là thay đổi tự nguyện. Cách thứ hai đôi khi là phải “cưỡng bức văn hoá”. Để thay đổi được phải là cả một quá trình, nỗ lực của chính đồng bào, chính sách của Nhà nước…

PV: Như vậy, phát triển kinh tế là câu chuyện tất yếu phải làm với các dân tộc thiểu số. Theo anh, bên cạnh những tồn tại chưa dễ khắc phục thì ưu điểm của đồng bao thiểu số là gì trong phát triển kinh tế?

TS Bàn Tuấn Năng: Trong chương trình quyên góp máy tính cũ cho sinh viên người Dao, tôi có nói với các em rằng, cái thứ mà chính mình bỏ đi ở quê thì lại là thứ mà người Kinh thèm khát. Ví dụ như rau rừng, cá suối, những bài thuốc dân gian…Thế còn những thứ ở đô thị vứt đi như máy tính cũ thì sinh viên người Dao lại rất cần.

Vậy thì thế mạnh của đồng bào thiểu số chính là thuốc nam, thảo dược, thực phẩm, không gian văn hoá. Có một thực tế rất buồn cười là nhiều người cứ nói đến đồng bào thiểu số đồng nghĩa với sự lạc hậu. Và tôi hỏi lại là tại sao vùng dân tộc thiểu số mới có nhiều đặc sản? Như vậy, đồng bào thiểu số muốn cải thiện về kinh tế thì phải phát triển tài nguyên bản địa. Tài sản đang trong tay họ nhưng bản thân lại chưa mấy ai biết cách quảng bá, tiếp thị.

Sinh viên người Dao tham gia bán hàng tại Hội chợ Xuân Văn Miếu 2021

Sinh viên người Dao tham gia bán hàng tại Hội chợ Xuân Văn Miếu 2021

Đó là thực tế mà nhiều đồng bào đã biết thì họ lại quên không biết giới thiệu rộng rãi. Như tôi đã nói về chuyện bán hoa chuối rừng ở Hà Nội thì lúc đầu nhiều bạn sinh viên tưởng rằng đem bán làm nộm hay nấu canh chứ không nghĩ được rằng người ta lại chơi hoa với giá cả đắt hơn nhiều.

Rừng không chỉ là câu chuyện khai thác tài nguyên mà là một hệ sinh thái. Tài nguyên bản địa liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế và văn hoá của đồng bào. Đi săn cũng là một sinh hoạt văn hoá chứ không đơn thuần là bắn được con gì. Đi săn là ngày hội của làng bản, là sự dũng mãnh của các chàng trai để khẳng định cương vị của mình. Thậm chí, những người đàn ông còn hơn nhau ở tài huấn luyện chó…

Khi mà hệ sinh thái tự nhiên bị co hẹp lại thì câu chuyện giữ được sản phẩm bản địa cũng là cả vấn đề. Câu chuyện các không gian sống của đồng bào thiểu số cũng là điều rất tốt để phát triển kinh tế. Nông nghiệp bản địa lên ngôi bằng những cây trồng đặc sản, bằng thế mạnh nông nghiệp của chính đồng bào. Khi những không gian sinh thái này gắn với du lịch thì nguồn lợi cũng là không nhỏ. Đó là những mô hình cần thiết phải học tập lẫn nhau cho chính đồng bào thiểu số.

Một chuyên gia người Úc từng nói: Nếu trong quá khứ, người H’ Mông là những kỹ sư bậc thầy về chuyên môn cao thì người Dao đã từng là thầy thuốc của nhân loại. Người Dao có rất nhiều bài thuốc quý để chữa được nhiều bệnh mà Tây y bó tay. Ví dụ như tôi đã trực tiếp cho những đứa bé bị động kinh mà Tây y không làm được. Từ vườn thuốc đến hệ thống sản phẩm thuốc Nam của người Dao hoàn toàn có thể phát triển một thị trường không chỉ ở trong nước mà cả để xuất khẩu. Hoặc là câu chuyện cưỡi voi, đua voi ở Tây Nguyên hoàn toàn có thể thu hút khách du lịch.

Rõ ràng, người dân tộc thiểu số có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, mà điển hình là du lịch. Mà du lịch luôn gắn với sự đa dạng về tự nhiên, gắn với tài nguyên văn hoá của các dân tộc thiểu số. Thế nhưng, thực tế của du lịch ở Việt Nam đang phát triển một cách chưa gắn với văn hoá bản địa lắm. Đâu đâu cũng đầu tư cáp treo và thung lũng tình yêu… Và khi đi du lịch mà ăn ở cũng giống như ở nhà mình thì không mấy thú vị. Đi du lịch vùng cao là phải ở nhà sàn, ăn các món đặc sản địa phương thì mới thú vị. Nói tóm lại, tài nguyên văn hoá của các dân tộc thiểu số mới chính là cái mới lạ cho phát triển du lịch. Cùng với tài nguyên văn hoá, duy trì được hệ sinh thái bản địa chính là những điều kiện rất tốt để phát triển kinh tế cho đồng bào.

PV: Được biết, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam đã mời anh tham gia vào công việc phát triển tri thức cho các dân tộc thiểu số. Xin anh cho biết khi tham gia Hội, anh và những người cộng sự có kế hoạch gì trong ngắn hạn và dài hạn?

TS Bàn Tuấn Năng: Câu chuyện lớn nhất mà tôi muốn nói ở đây là người dân tộc thiểu số thường tự ti về mình. Vì thế, muốn phát triển được thì phải vượt qua điều đó. Trước hết, việc mà tôi dự định nhắm vào là đội ngũ tinh hoa của dân tộc thiểu số. Khi chưa tham gia Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam, chúng tôi đã từng tổ chức hội nghị người Dao toàn quốc. Và mục tiêu của hoạt động này là hướng đến bảo tồn văn hoá và phát triển kinh tế.

Hãy nhớ một điều rất quan trọng là “học thầy không tầy học bạn”. Trong hội nghị người Dao toàn quốc, chúng tôi đã toạ đàm về sinh kế của đồng bào người Dao. Những người ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch. Và người Dao ở Sa Pa (Lào Cai) khi đó đã ghen tỵ là quyết phải làm được du lịch cho địa phương của mình. Sau hội nghị, họ đã làm ngay và cũng thành công không kém. Vấn đề là phải kích cầu văn hoá và kinh tế. Hàng trăm nghị quyết, hàng nghìn cuộc họp chưa chắc bằng được việc nhìn vào những mô hình thành công nào đó trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Tiếp đó, để vượt qua sự tự ti thì phải nhìn vào đội ngũ tinh hoa. Một nguyên tắc làm việc của tôi với cộng đồng người Dao là tôi hay chú ý đến các nhóm trí thức và doanh nhân. Nếu chúng ta có được một tinh hoa, thì tinh hoa đó sẽ kéo được thêm ít nhất 200 người. Còn nếu anh chỉ chăm chăm giúp 200 người nghèo thì muôn đời anh khổ. Và thực tế, chỉ nên giúp những trường hợp đặc biệt. Còn lại, chính cộng đồng phải vận động, tự phát triển trên định hướng tốt của mình.

Ngắn hạn nhất, tôi mong muốn làm được một toạ đàm của cộng đồng trí thức người dân tộc thiểu số đã từng được đào tạo ở nước ngoài để xem họ đã làm được gì và chưa làm được gì. Để biết mong muốn của họ về những cái chưa làm được là gì. Có như thế, chúng ta mới có những bước tiếp theo cho cộng đồng. Cùng với việc đó, sẽ phải bàn cùng các cơ quan hữu quan và các địa phương để giải quyết những vấn đề tồn tại.

Xa hơn nữa, cần phải hình thành được những đội nhóm ở những mảng việc nhất định. Tài nguyên bản địa của các dân tộc thiểu số là rất nhiều. Tri thức của người dân tộc thiểu số cũng cực kỳ đa dạng và phong phú, hữu ích với cuộc sống hiện đại. Từ đó, sẽ tổ chức các hoạt động cụ thể cho đồng bào dân tộc thiểu số theo từng nhóm trí thức của chính họ. Hãy nhớ rằng trong cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam thì cộng đồng thiểu số là 53. Nghĩa là có 53 nền văn hoá, 53 nền kinh tế bản địa, 53 hệ thống tri thức bản địa. Muốn khai thác được thì cần phải tập hợp được đội ngũ trí thức của chính các dân tộc thiểu số.

PV: Xin cám ơn anh!