Truyền thông Trung Quốc: hệ thống tên lửa chiến lược của Triều Tiên đã hoàn chỉnh!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại cuộc duyệt binh tối 8/2, Triều Tiên đã trình làng loại ICBM mới sử dụng thuốc phóng rắn. Trang Guancha của Trung Quốc cho rằng, đến nay hệ thống tên lửa chiến lược của Triều Tiên đã hoàn chỉnh.
Tên lửa siêu thanh Hwasung-8 đã được Triều Tiên thử nghiệm thành công (Ảnh: KCNA).
Tên lửa siêu thanh Hwasung-8 đã được Triều Tiên thử nghiệm thành công (Ảnh: KCNA).

Về loại tên lửa liên lục địa (ICBM) mới bên ngoài chưa biết tên xuất hiện tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập quân đội tối 8/2, giới nghiên cứu về cơ bản đều đồng ý một số điểm:

Thứ nhất, tiền thân của loại ICBM này là động cơ tên lửa rắn loại 140 tấn đã được thử nghiệm thành công ngày 14/12/2022. Sau khi đột phá công nghệ chế tạo vỏ tên lửa và nhiên liệu rắn, Triều Tiên đã có nền tảng công nghệ để chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn;

Thứ hai, so với Dongfeng-41 của Trung Quốc, loại ICBM này gần giống với RS-24 Yars của Nga. Tuy nhiên, so với tính năng kỹ thuật của Yars, nó chắc không bằng;

Thứ ba, loại ICBM này vẫn chưa được thử nghiệm, nếu mọi việc suôn sẻ, vụ phóng đầu tiên sẽ được thực hiện trong năm nay. Khi đó, người ta sẽ có thể biết rõ hơn về hình dạng cũng như các tính năng kỹ thuật chính của nó, chẳng hạn như tầm bắn và khả năng mang;

Tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn mới xuất hiện tại Lễ duyệt binh tối 8/2 (Ảnh: KCNA).

Tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn mới xuất hiện tại Lễ duyệt binh tối 8/2 (Ảnh: KCNA).

Thứ tư, công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và công nghệ dẫn đường của ICBM của Triều Tiên hiện vẫn còn là một ẩn số; người ta chưa xác định rõ nguồn gốc công nghệ, quá trình đột phá công nghệ và trình độ công nghệ cụ thể thế nào.

Với việc Triều Tiên liên tiếp đột phá công nghệ ICBM nhiên liệu lỏng hạng nặng tiêu biểu là Hwasong-17, giờ đây họ đã trình làng ICBM nhiên liệu rắn có hình dáng tương tự RS-24 Yars, cho thấy hệ thống ICBM của Triều Tiên đã cơ bản hoàn chỉnh.

Xét cho cùng, nhìn vào phả hệ các mẫu ICBM của các cường quốc quân sự, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, về cơ bản chỉ có một (hoặc hai) ICBM nhiên liệu rắn với mức độ thông dụng hóa tương đối cao, cộng với một ICBM nhiên liệu lỏng phóng từ giếng ngầm (silo).

Ví dụ, các ICBM đang hoạt động của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga về cơ bản có một vài mẫu: loại động cơ nhiên liệu rắn chỉ có "Topol-M" và "Yars", còn mẫu động cơ nhiên liệu lỏng chỉ có "Satan" và "Sabar". Về phương thức triển khai, ICBM động cơ rắn trên đất liền của Nga được chia thành hai phương thức: triển khai ở silo kiên cố và xe phóng di động, trong tương lai có thể phát triển cách cơ động trên đường sắt; tất cả các ICBM nhiên liệu lỏng sẽ được triển khai ở các silo.

Tên lửa liên lục địa RS-24 Yars của Nga (Ảnh: Guancha).

Tên lửa liên lục địa RS-24 Yars của Nga (Ảnh: Guancha).

Về việc tại sao Nga lại áp dụng chế độ triển khai hỗn hợp hai loại động cơ lỏng rắn, hai kiểu phóng từ silo và di động đối với ICBM, có lẽ có các yếu tố sau: Thứ nhất, thông qua việc triển khai các mẫu ICBM khác nhau, nâng cao độ tin cậy của toàn bộ lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược, từ đó nâng cao hiệu quả răn đe. Tức là nếu một loại nào đó có vấn đề do yếu tố nào đó thì toàn bộ hệ thống tấn công hạt nhân chiến lược sẽ không thất bại hoàn toàn;

Thứ hai, phát huy hết ưu điểm công nghệ của các loại ICBM. Ví dụ, động cơ nhiên liệu lỏng có xung lực cụ thể lớn và trọng lượng mang lớn, thích hợp để mang đầu đạn lớn và nhiều đầu đạn. ICBM nhiên liệu rắn có thời gian chuẩn bị ngắn và phản ứng nhanh, thích hợp để tấn công lần thứ hai, v.v.,

Thứ ba, triển khai ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng cần nhiều thời gian chuẩn bị, đây cũng là một cách âm thầm tuyên bố về chiến lược hạt nhân của họ. Đó là dấu hiệu cho thấy nước này không từ bỏ chiến lược tấn công phủ đầu; tất nhiên, việc triển khai ICBM động cơ tên lửa lỏng cũng có những yếu tố liên tục nhất định về mặt công nghệ.

Tên lửa liên lục địa Dongfeng-41 của Trung Quốc (Ảnh: Guancha).

Tên lửa liên lục địa Dongfeng-41 của Trung Quốc (Ảnh: Guancha).

Hệ thống ICBM của Triều Tiên

Từ Nga, nhìn lại Triều Tiên, có thể thấy 2 loại ICBM của Triều Tiên có cùng lộ trình công nghệ với ICBM của Trung Quốc và Nga.

ICBM Hwasong-17 sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng, có trọng lượng cất cánh lớn và trọng lượng mang lớn. Nó phù hợp để sử dụng loại đầu đạn lớn để thực hiện các đòn đánh hủy diệt vào mục tiêu bề mặt, thậm chí về mặt lý thuyết còn có khả năng tấn công phủ đầu để loại bỏ trước vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường của đối thủ.

Loại mới là phiên bản của tên lửa RS-24 Yars sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, trọng lượng cất cánh cũng không nhỏ, lại có thể mang đầu đạn cỡ lớn hoặc nhiều đầu đạn cùng lúc tấn công nhiều mục tiêu (Multiple Guided Warheads, MIRV). Loại này phù hợp cho các cuộc tấn công các thành phố trải dài hoặc các khu vực đô thị lớn, tốc độ phản ứng nhanh, khả năng sống sót trên chiến trường cao và khả năng phản công hạt nhân thứ cấp mạnh mẽ. Sự kết hợp của hai loại ICBM này chắc chắn sẽ trở thành nền tảng trong lực lượng chiến lược của quân đội Triều Tiên để thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân hoặc phản công hạt nhân.

Tên lửa liên lục địa Hwasung-17 trong tư thế sẵn sàng phóng (Ảnh: KCNA).

Tên lửa liên lục địa Hwasung-17 trong tư thế sẵn sàng phóng (Ảnh: KCNA).

Tất nhiên, để Triều Tiên có được năng lực phản công hạt nhân chiến lược thực sự và đáng tin cậy, vẫn cần thực hiện các việc sau:

Một là tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân, đặc biệt là các vụ thử đầu đạn hạt nhân đủ công suất, đáng tin cậy hơn các vụ thử thiết bị hạt nhân trước đây;

Thứ hai là tiến hành xây dựng căn cứ lực lượng tên lửa chiến lược, tức là xây dựng các trận địa cơ bản, trận địa kỹ thuật, hầm ngầm của Lực lượng Pháo binh chiến lược, đặc biệt là xây dựng giếng phóng hoặc hầm triển khai kiên cố;

Thứ ba là xây dựng hệ thống thông tin liên lạc cấp chiến lược phục vụ lực lượng tên lửa chiến lược, bao gồm thông tin hữu tuyến, thông tin vô tuyến, thậm chí cả hệ thống thông tin vệ tinh.

Cuối cùng, nếu cần thiết, Triều Tiên có thể đàm phán với Trung Quốc và Nga, chia sẻ hệ thống thông tin cảnh báo sớm chiến lược với Trung Quốc và Nga, thậm chí cho phép triển khai các radar cảnh báo sớm chiến lược của Nga trên lãnh thổ của mình. Sau khi đáp ứng các điều kiện này, có thể nói Triều Tiên có khả năng tấn công/phản công hạt nhân chiến lược hoàn chỉnh và đáng tin cậy, đây là một chặng đường dài đối với Triều Tiên.

Tên lửa chiến lược Hwasung-12 (Ảnh: KCNA).

Tên lửa chiến lược Hwasung-12 (Ảnh: KCNA).

Triều Tiên phát triển các tên lửa đạn đạo khác

Bên cạnh việc xây dựng loại hình ICBM (không phải xây dựng năng lực tấn công hạt nhân chiến lược, hai nội dung này khác nhau) đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, lực lượng chiến lược của quân đội Triều Tiên cũng đã đạt được những kết quả bước đầu trong xây dựng các tên lửa đạn đạo khác. Về cơ bản, đã hình thành một hệ thống cả tên lửa hạt nhân và thông thường, kết nối các tầm bắn. Trước tiên về nhiệm vụ chiến lược/chiến thuật do Lực lượng Chiến lược quân đội Triều Tiên đảm nhận. Nhiệm vụ này có thể chia thành hai cấp độ:

Nhiệm vụ ở cấp độ chiến lược là thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân/phản công hạt nhân chiến lược chống lại Mỹ và các nước đồng minh. Điều này đòi hỏi quân đội Triều Tiên phải được trang bị ICBM/tên lửa tầm trung có thể vươn tới lục địa Mỹ, các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam.

Nhiệm vụ ở cấp chiến thuật là thực hiện các cuộc tấn công thông thường vào các căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài và Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này đòi hỏi các loại tên lửa chiến thuật hay tên lửa đạn đạo tầm trung Triều Tiên phải có khả năng tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng ở Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả đảo Guam của Mỹ bằng các biện pháp thông thường.

Tên lửa chiến thuật Hwasung-11 (Ảnh: KCNA).

Tên lửa chiến thuật Hwasung-11 (Ảnh: KCNA).

Vì vậy, việc xây dựng mô hình lực lượng pháo binh chiến lược quân đội Triều Tiên chủ yếu phục vụ hai nhiệm vụ tác chiến này và tính năng của mô hình phải đáp ứng yêu cầu của các nhiệm vụ chiến lược, chiến thuật nêu trên:

Ở cấp độ nhiệm vụ chiến lược, ICBM Triều Tiên hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu tấn công các mục tiêu ở Mỹ và các căn cứ quân sự quan trọng ở nước ngoài. Xét về tính năng tên lửa đạn đạo Hwasong-17, khi được phóng từ phía bắc Triều Tiên, chỉ cần tầm bắn 12.000 km là có thể bắn tới Florida ở cực nam của Mỹ. Để tấn công các mục tiêu châu Âu, tầm bắn cho ICBM thậm chí còn ngắn hơn, có thể hoàn thành ở khoảng 10.000 km, hoàn toàn không phải là vấn đề đối với ICBM Hwasong-17.

Ngay cả tên lửa mới phiên bản của RS-24 Yars dù chưa được thử nghiệm, chỉ cần khả năng của nó có thể đạt đến cấp độ của RS-24 Yars, khi được phóng từ phía bắc Triều Tiên, phạm vi của nó đủ để bao phủ một nửa nước Mỹ, có đầy đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ chiến lược.

Ở cấp độ nhiệm vụ chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 hiện tại của Triều Tiên hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu tấn công căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam, đồng thời cũng có thể tấn công lục địa Nhật Bản. Hơn nữa, tên lửa hành trình đối đất có hình dáng tương tự Kh-555 của Nga do Triều Tiên phát triển và đã được thử nghiệm cũng có thể đảm nhận sứ mệnh tấn công lục địa Nhật Bản.

Nhiệm vụ tấn công toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, có thể được giao cho tên lửa chiến thuật Hwasong-11. Ngoài ra, các pháo phản lực tầm xa cỡ 600mm được chuyển giao cho Lực lượng Pháo binh chiến dịch của quân đội Triều Tiên vào cuối năm ngoái, theo thông báo chính thức của Triều Tiên có khả năng tấn công toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc. Triều Tiên đã làm rất nhiều quanh vấn đề tấn công toàn bộ lãnh thổ của Hàn Quốc và có đầy đủ các loại vũ khí để thực hiện.

Các loại dàn phóng hỏa tiễn đa nòng đủ các cỡ của Triều Tiên (Ảnh: KCNA).

Các loại dàn phóng hỏa tiễn đa nòng đủ các cỡ của Triều Tiên (Ảnh: KCNA).

Vấn đề duy nhất là Triều Tiên vẫn thiếu một vũ khí tương đối hiệu quả về mặt giá thành để tấn công toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản. Sử dụng tên lửa chiến thuật Hwasong-12 để tấn công toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản thì tầm bắn quá dư thừa. Là tên lửa đạn đạo tầm trung, chắc chắn Hwasong-12 khó có thể được sản xuất hàng loạt. Đánh giá từ kinh nghiệm xung đột quân sự Nga-Ukraine, để đảm bảo hiệu quả tấn công của tên lửa đạn đạo, cần đảm bảo số lượng và quy mô của các cuộc tấn công để thực hiện chế áp lâu dài. Do đó, cần thiết phải có một loại tên lửa chiến thuật hữu ích. Tin rằng trong tương lai, Triều Tiên cần được trang bị một loại tên lửa chiến thuật tương đối rẻ với tầm bắn khoảng 1.500 km để bao phủ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản.

Tên lửa siêu thanh Hwasong-8 Triều Tiên hiện đang thử nghiệm đáp ứng được yêu cầu này theo một nghĩa nào đó, nhưng Hwasong-8 dường như sử dụng thân tên lửa Hwasong-12, có nghĩa là nó phải được coi là một loại ICBM. Tuy nhiên, tác dụng mở rộng của thiết bị lượn có độ nâng cao về tầm bắn cũng có thể cho phép Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn tầm ngắn với tầm bắn khoảng 1.500 km trên cơ sở loại tên lửa nhiên liệu rắn tầm ngắn ban đầu có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản.