Truyền thông Đức: Phương Tây cần phải thống nhất lập trường đối với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nửa năm sau khi lên cầm quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nỗ lực sửa chữa quan hệ với các đồng minh châu Âu, nhưng trong chính sách Trung Quốc, về cơ bản ông vẫn tiếp tục đường lối cứng rắn của Donald Trump.
Truyền thông Đức kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây phải thống nhất lập trường đối với Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).
Truyền thông Đức kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây phải thống nhất lập trường đối với Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo trang Deutsche Welle ( Tiếng nói nước Đức) ngày 3/8, tờ nhật báo lớn của Đức Die Welt (Thế giới) cùng ngày đã đăng một bình luận dài, nói rằng Washington rõ ràng đã hạ quyết tâm kiềm chế tham vọng toàn cầu của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Bài bình luận có tựa đề "Phương Tây phải thống nhất lập trường của mình đối với Trung Quốc" viết:

"Các bài báo về cuộc chiến Mỹ - Trung đã nhiều lần xuất hiện trên các ấn phẩm ở Mỹ. Lần gần đây nhất là bài báo "Nếu bắt đầu nổ ra, tại sao quân đội Mỹ không thể dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc" trên tờ National Interest (Lợi ích quốc gia). Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các hacker (tin tặc) tấn công mạng. Các tin tặc thực hiện các hợp đồng của chính phủ và tham gia hoạt động tội phạm mạng vì lợi ích cá nhân.

Tổng thống Joe Biden đã phản ứng trước kết quả điều tra do các cơ quan tình báo của Mỹ thực hiện về một cuộc tấn công quy mô lớn vào hệ thống e-mail của Microsoft, đặc biệt với những lời cảnh báo chiến tranh khiến nhiều người bị sốc: “Tôi cho rằng nếu chúng ta kết thúc trong một cuộc chiến tranh nóng với một nước lớn, rất có thể đó sẽ là hậu quả của một cuộc tấn công mạng quy mô lớn”.

Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phuong Tây hiện đang ở trong tình trạng rất xấu (Ảnh: Deutsche Welle).

Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phuong Tây hiện đang ở trong tình trạng rất xấu (Ảnh: Deutsche Welle).

Tổng thống Joe Biden cũng có thể nghĩ đến Nga trong đầu, nhưng nhận xét của ông ấy chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Ý tưởng cho rằng Chiến tranh Lạnh kỹ thuật số có thể phát triển thành chiến tranh nóng trên mạng cũng đã thu hút sự chú ý ở Liên minh châu Âu và NATO.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên đối đầu, người châu Âu nên đi về đâu? Bài bình luận của Die Welt tiếp tục viết:

"Tuy nhiên, bên cạnh đó, phương Tây cần khẩn trương làm rõ lập trường của mình đối với Trung Quốc. Liệu nó đã đủ để buộc đối tác kinh tế và thương mại hành động công bằng trên cơ sở bình đẳng hay chưa? Người châu Âu làm thế nào có thể chống lại sự can dự của Trung Quốc ở Balkan và can thiệp vào chính trị của EU? Liên minh NATO liệu có thể thực sự đóng một vai trò nào đó trong khu vực xuyên Thái Bình Dương? Nó liệu có tương thích với khuôn khổ tách rời và đối đầu theo chủ nghĩa Biden (Bidenist), tức là: các nền dân chủ hợp lực chống lại chế độ chuyên chế Trung Quốc - trong thế giới này, các lợi ích về chính sách an ninh, chính trị và kinh tế đan xen, hơn thế nữa, những cân nhắc về quyền con người và sự hợp tác không thể thiếu về khí hậu lại đối lập với nhau. Đó có thực sự là một lựa chọn chính trị thực tế?”.

Tàu hộ vệ Bayern của Đức hôm 2/8 rời cảng bắt đầu tới châu Á - Thái Bình Dương hoạt động trong 7 tháng (Ảnh: Deutsche Welle).

Tàu hộ vệ Bayern của Đức hôm 2/8 rời cảng bắt đầu tới châu Á - Thái Bình Dương hoạt động trong 7 tháng (Ảnh: Deutsche Welle).

Hôm thứ Hai (2/8), tàu hộ vệ “Bayern” của Đức rời cảng Wilhelmshaven và bắt đầu sứ mệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương kéo dài 7 tháng. Khi chiếc tàu chiến quay trở lại bến cảng ở Đức vào tháng 2 năm sau, nước Đức đã có chính phủ mới, và chính phủ mới sẽ đánh giá như thế nào về sứ mệnh chuyến đi này? Tờ nhật báo Süddeutsche Zeitung (Nam Đức) đã bình luận về điều này và viết:

"Khi tàu hộ vệ Bayern quay trở về, hiện người ta vẫn chưa thể biết chắc chắn môi trường chính trị ở Đức sẽ thay đổi như thế nào. Tuy nhiên, điều có thể thấy trước rằng chính sách đối với Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa thể được tiếp tục hoàn toàn. Các đảng đối lập như Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do đã vạch ra một ranh giới rõ ràng với chính phủ “đỏ - đen” (tức liên minh cầm quyền của Đảng Dân chủ Xã hội và Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo) về chính sách Trung Quốc. Hai đảng Xanh và Dân chủ Tự do yêu cầu Đức phải bày tỏ quan điểm rõ ràng về các vấn đề nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và Hong Kong cũng như về vấn đề Trung Quốc diễu võ dương oai ở Đông Á. Trong hai đảng này, ít nhất một đảng nếu cầm quyền sẽ sớm phải đối mặt với thử thách trong việc thực hiện những lời hứa của mình. Đồng thời cũng có thể thấy trước rằng nếu Armin Laschet (lãnh tụ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo) được bầu làm thủ tướng, ông ta sẽ gắng sức để duy trì đường lối vu hồi Trung Quốc của bà Angela Merkel.

Chính phủ Đức của Thủ tướng Merkel theo đuổi chính sách không muốn mất lòng Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Chính phủ Đức của Thủ tướng Merkel theo đuổi chính sách không muốn mất lòng Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Süddeutsche Zeitung viết: “Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong chính sách Trung Quốc sẽ chỉ là những mâu thuẫn nhỏ hơn trong nhiều vấn đề mà chính phủ mới phải đối mặt. Trong mấy năm qua, chính quyền Trung Quốc không chỉ sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tăng cường kiểm soát nội bộ, mà bất kỳ quốc gia nào dám chỉ trích tham vọng quyền lực của Bắc Kinh đều cảm thấy áp lực nặng nề. Không giống như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh không quan tâm đến việc xuất khẩu lý tưởng của họ ra thế giới. Mục đích của Bắc Kinh là bằng mọi giá để đạt được lợi ích của họ. Con dường đầu tiên được họ lựa chọn để thực hiện mục đích là tận dụng sự phụ thuộc của các quốc gia vào Bắc Kinh. Phương án cuối cùng bất đắc dĩ được sử dụng là đe dọa vũ lực”.

Bài báo kết luận: “Tương lai của nền dân chủ phương Tây, bao gồm cả Liên minh châu Âu, phụ thuộc vào việc phương Tây có thể vạch ra ranh giới rõ ràng với các tham vọng quyền lực của Trung Quốc hay không".