Truyền thông Australia lật tẩy các thành viên Nhóm chuyên gia WHO có quan hệ mờ ám với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kênh truyền hình Sky News của Australia bày tỏ nghi ngờ tính trung thực của kết quả điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 do Nhóm chuyên gia WHO đưa ra khi cáo buộc có ít nhất 3 thành viên có quan hệ mờ ám với Bắc Kinh.
Ba thành viên nhóm chuyên gia WHO bị Sky News cáo buộc có quan hệ mờ ám với Trung Quốc: (trái qua) Peter Daszak, Peter Ben Embarek và Marion Koopmans (Ảnh: Đông Phương).
Ba thành viên nhóm chuyên gia WHO bị Sky News cáo buộc có quan hệ mờ ám với Trung Quốc: (trái qua) Peter Daszak, Peter Ben Embarek và Marion Koopmans (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang Zaobao.com (Liên hợp Buổi sáng) của Singapore ngày 16/2, Sharri Markson, người dẫn chương trình đài truyền hình Sky News của Australia, cho biết trong một chương trình ngày 14/2 rằng báo cáo của nhóm chuyên gia WHO về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19 đang bị nghi ngờ vì tính công minh do có ít nhất ba thành viên nhóm chuyên gia này từng có các mối quan hệ làm ăn mờ ám với các cơ quan chính thức của Trung Quốc.

Trong bản tin, ba vị chuyên gia mà Sharri Markson nghi ngờ là: Trưởng nhóm điều tra người Đan Mạch, chuyên gia về an toàn thực phẩm và bệnh động vật của WHO Peter Ben Embarek; chuyên gia người Anh Peter Daszak, cố vấn về mầm bệnh của WHO, Chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận Eco Health Alliance của Mỹ và chuyên gia virus học người Hà Lan, bà Marion Koopmans.

Sharri Markson, người dẫn chương trình đài truyền hình Sky News của Australia (Ảnh: Zaobao).

Sharri Markson, người dẫn chương trình đài truyền hình Sky News của Australia (Ảnh: Zaobao).

Trong bản tin của mình, Markson đã đưa ra một số "bằng chứng thân Trung Quốc" mà cô thu thập được về ba vị chuyên gia này, bao gồm việc ông Peter Ben Embarek đã nhận được "Giải thưởng Khoa học Tinh thần" do Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Trung Quốc và Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Quốc tế trao vào năm 2017; bà Marion Koopmans là Cố vấn khoa học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông. Lý lịch vắn tắt của bà hiện vẫn còn trên trang web chính thức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông. Vào năm 2018, Peter Daszak cho biết trên tài khoản mạng xã hội cá nhân rằng ông đã có mối quan hệ với nhà nghiên cứu Thạch Chính Lệ của Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán thuộc Viện Khoa học Trung Quốc trong việc quan hệ hợp tác lâu dài trong nghiên cứu về dơi.

Markson nói rằng khi một số "điều tra viên" của WHO bị "điều tra" ra có mối liên hệ với Trung Quốc, niềm tin của công chúng đối với bản báo cáo điều tra của WHO đương nhiên sẽ bị tổn hại.

Sau đó, Markson tiếp tục đề cập rằng coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) "có thể đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ... vì vậy chúng ta cần có các nhà điều tra độc lập tìm kiếm câu trả lời với tinh thần cởi mở, chứ không phải những nhà khoa học được chính phủ Trung Quốc coi là không có vấn đề gì".

Các chứng cứ về quan hệ của ba chuyên gia nhóm điều tra WHO với phía Trung Quốc được Sky News đưa ra (Ảnh: Zaobao).

Các chứng cứ về quan hệ của ba chuyên gia nhóm điều tra WHO với phía Trung Quốc được Sky News đưa ra (Ảnh: Zaobao).

Trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 16/2 cũng đưa tin: Chương trình tin tức truyền hình Australia trước đó cho biết ít nhất ba trong số các thành viên của Nhóm chuyên gia chung của Tổ chức Y tế Thế giới về Truy xuất nguồn gốc của SARS-CoV-2 có mối quan hệ mờ ám với các cơ quan chính thức của Trung Quốc, và đặt câu hỏi về tính công minh trong báo cáo của WHO về nguồn gốc SARS-CoV-2.

Đông Phương nói, chỉ có nhà virus học người Hà Lan Marion Koopmans, người bị nghi ngờ, lên tiếng nói bản tin của Sky News là thuyết âm mưu. Ông Trưởng nhóm chuyên gia của WHO Peter Ben Embarek cho biết hôm thứ Hai (15/2) rằng nhóm chuyên gia đã đạt được thống nhất về một báo cáo tóm tắt về truy xuất nguồn gốc virus và bản báo cáo sẽ được hoàn thành trong vài ngày tới.

Bà Marion Koopmans sau đó đã viết trên Twitter, nói thông tin cho rằng bà là cố vấn khoa học cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông nên đã trở thành "người làm việc cho chính phủ Trung Quốc", là một "thuyết âm mưu mới", và nhạo báng rằng, ngoài Trung Quốc, bà còn làm việc cho cả các cơ quan của EU và Mỹ nữa.

Ông Peter Ben Embarek và bà Marion Koopmans tại cuộc họp báo chung Trung Quốc - WHO ở Vũ Hán hôm 9/2 (Ảnh: AP).

Ông Peter Ben Embarek và bà Marion Koopmans tại cuộc họp báo chung Trung Quốc - WHO ở Vũ Hán hôm 9/2 (Ảnh: AP).

Theo Đông Phương, trước đó, truyền thông Mỹ cũng đã dẫn lời các chuyên gia của WHO nói rằng Trung Quốc đã từ chối cung cấp cho tổ chức này dữ liệu gốc về các trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên, ông Daszak sau đó đã chỉ trích thông tin này là “tầm chương trích cú”. Ông nói rằng các chuyên gia của WHO đã có được 500 mẫu phân tích từ Chợ Thủy sản Hoa Nam của các nhà khoa học Trung Quốc ở Vũ Hán. “Các chuyên gia Trung Quốc đã cố gắng bắt dơi trong hệ thống thông gió của chợ, đồng thời bắt mèo, chuột, chồn và rắn để lấy mẫu”. Ông cho biết, khu chợ có 10 gian hàng bán động vật hoang dã từ Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây, bao gồm cả dơi và tê tê. Ở những loài động vật này, người ta đã tìm thấy những virus gần giống với coronavirus chủng mới. Các chuyên gia của WHO cho rằng coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) có lẽ bắt nguồn từ loài dơi ở Đông Nam Á hoặc miền nam Trung Quốc, sau đó được lan truyền vào các trang trại nuôi động vật hoang dã ở bên trong Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề này, trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 16/2 viết, Sau khi Nhà Trắng đưa ra tuyên bố nghi ngờ về hoạt động liên quan của nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc, các quan chức Anh cũng bày tỏ “quan ngại” về việc liệu nhóm chuyên gia của WHO có thể có được tất cả dữ liệu mà họ cần hay không.

Bà Marion Koopmans và ông Lương Vạn Niên, Trưởng đoàn điều tra Trung Quốc đập tay nhau trước buổi họp báp chung hôm 9/2 (Ảnh: AP).

Bà Marion Koopmans và ông Lương Vạn Niên, Trưởng đoàn điều tra Trung Quốc đập tay nhau trước buổi họp báp chung hôm 9/2 (Ảnh: AP).

Theo tin hãng Reuters của Anh ngày 15/2, khi được giới truyền thông hỏi về phát biểu của các quan chức cấp cao Nhà Trắng, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: "Chúng tôi lo lắng về việc liệu họ (nhóm chuyên gia WHO) có nhận được sự hợp tác đầy đủ và những đáp án mà họ cần hay không".

Ông Raab chỉ rõ, "Vì vậy, chúng tôi sẽ thúc đẩy họ có toàn quyền truy cập và nhận được tất cả dữ liệu cần thiết để có thể trả lời những gì tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người muốn nghe về tình hình dịch COVID-19".

Trước đó, ông Jake Sullivan, Trợ lý về An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 13/2, bày tỏ nghi ngờ về công việc của nhóm chuyên gia WHO tại Trung Quốc và kêu gọi Trung Quốc công bố dữ liệu về dịch bệnh thời kỳ ban đầu.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã phản bác lại ông Jake Sullivan, nói rằng: “WHO là cơ quan đa phương quyền uy trong lĩnh vực y tế quốc tế; không phải là nơi chốn giải trí muốn đến thì đến, muốn đi thì đi. Các hành động của Mỹ trong những năm gần đây đã làm tổn hại rất nhiều đến các cơ chế đa phương bao gồm cả WHO và cản trở lớn đến sự hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống dịch. Bây giờ Mỹ lại làm như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí còn chỉ trích các quốc gia khác luôn ủng hộ WHO và chính WHO. Hành vi như thế làm sao có thể được thế giới tin tưởng?”.