Trường ĐH lâu đời nhất Bồ Đào Nha cấm thịt bò để chống biến đổi khí hậu

VietTimes -- Coimbra, trường ĐH lâu đời nhất của Bồ Đào Nha, vừa tuyên bố sẽ ngừng sử dụng thịt bò để chế biến suất ăn lần đầu tiên trong suốt lịch sử 729 năm hoạt động, nhằm góp phần chống tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Coimbra, ngôi trường ĐH lâu đời nhất ở Bồ Đào Nha (Ảnh: Newsweek)
Coimbra, ngôi trường ĐH lâu đời nhất ở Bồ Đào Nha (Ảnh: Newsweek)

Quy trình sản xuất và chế biến thịt bò từ lâu đã được xem là một nguồn phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bởi vậy, Hiệu trưởng trường, ông Amilcar Falcao, nói rằng quyết định trên là một bước đi quan trọng giúp Coimbra trở thành tổ chức đào tạo phi carbon đầu tiên của Bồ Đào Nha vào cuối thập kỷ tới.

“Chúng ta đang chứng kiến một tình trạng khí hậu khẩn cấp, và chúng ta cần phải ngăn chặn thảm họa về môi trường được dự báo trước này” – ông Falcao nói trong một bài phát biểu trước hàng trăm sinh viên, theo Portugal News.

Thay thế thịt bò bằng các nguồn dinh dưỡng khác “sẽ là một biện pháp hữu hiệu giảm nguồn phát thải CO2 lớn nhất vốn tồn tại trong quy trình chế biến mỡ động vật” – ông Falcao nói.

Tháng trước, Goldsmith – một trường ĐH ở London, Anh – cũng tuyên bố sẽ loại bỏ thịt bò khỏi danh sách các món ăn của trường. Động thái này sau đó trở thành niềm cảm hứng để các sinh viên trường ĐH California (Mỹ) gửi thỉnh cầu thư đề nghị Hiệu trưởng trường họ áp dụng biện pháp tương tự. Tính đến ngày 25/9, thỉnh cầu thư này đã nhận được 50.000 chữ ký.

Tuy nhiên, quyết định của trường ĐH Coimbra cũng vấp phải một số ý kiến phản đối. Hiệp hội Các nhà sản xuất Sữa của Bồ Đào Nha đã đưa ra một tuyên bố nói rằng, việc trường ĐH này từ chối phục vụ loại thực phẩm “được cho là đã đóng góp cho sự phát triển não bộ của tổ tiên chúng ta” là điều “không thể hiểu nổi”.

Hiệp hội trên nhấn mạnh rằng Bồ Đào Nha phải nhập khẩu tới 50% lượng thịt bò mà nước này sử dụng, tranh luận rằng cách tốt hơn để chống biến đổi khí hậu là chuyển sang sử dụng sản phẩm thịt trong nước.

Quy trình sản xuất và chế biến thịt bò từ lâu đã được xem là một nguồn phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính (Ảnh: Getty)
Quy trình sản xuất và chế biến thịt bò từ lâu đã được xem là một nguồn phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính (Ảnh: Getty)

Nhưng lệnh cấm thịt bò lại của Coimbra lại phù hợp với một báo cáo đặc biệt mà Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ công bố ngày 8/8. IPCC cảnh báo rằng các nỗ lực nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính – từ đó giúp hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu – sẽ bị chặn đứng nếu như loài người không thay đổi thứ mà họ tiêu thụ và cách sử dụng đất đai hiện nay; theo tạp chí khoa học Nature.

Loại thịt bò khỏi khẩu phần ăn đương nhiên không phải biện pháp chống phát thải duy nhất mà trường ĐH Coimbra áp dụng. Ngôi trường này cũng có kế hoạch cấm sử dụng các sản phẩm nhựa trong bộ đồ dùng mà họ trao cho tân sinh viên – theo Portugal News. Ngôi trường có khoảng 23.000 sinh viên này hiện đang tiêu thụ 20 tấn thịt bò mỗi năm.

Theo Newsweek