Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ: 'Độc quyền sách giáo khoa đẻ ra nhiều hệ lụy cho xã hội'

Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng cho rằng, độc quyền sách giáo khoa của NXB Giáo dục là một vấn đề đẻ ra nhiều hệ lụy cho xã hội, nên cần phải xem xét lại việc độc quyền in sách giáo khoa.

Tình trạng độc quyền sách giáo khoa gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Ảnh minh họa: Internet.

Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng với Bộ TT&TT vào sáng ngày 8/9/2018, ông Võ Văn Thưởng đã đưa ra vấn đề độc quyền sách giáo khoa của NXB Giáo dục là một vấn đề đẻ ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Và nếu sắp tới khi thực hiện cổ phần hóa NXB Giáo dục mà tiếp tục giao hết việc in sách giáo khoa cho công ty cổ phần này sẽ dẫn đến độc quyền doanh nghiệp, vi phạm các quy định về quản lý cạnh tranh, nên cần phải xem xét lại việc độc quyền in sách giáo khoa.

Ông Võ Văn Thưởng cũng đề cập tới việc cần có một chiến lược sách quốc gia, đồng thời phải khẩn trương thực hiện sắp xếp nhà xuất bản bởi vì hiện nay chỉ có 5 trong số 59 nhà xuất bản là sống được, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng.

Tình trạng độc quyền sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam đã gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm của người dân. Theo số liệu của Bộ TT&TT, hiện cả nước có 59 nhà xuất bản, doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng mỗi năm. Thì riêng NXB Giáo dục - cơ quan độc quyền về sách giáo khoa - phát hành hơn 150 triệu bản, với doanh thu trên 1.100 tỷ đồng mỗi năm. Điều khiến dư luận bất bình phần lớn sách giáo khoa chỉ dùng một lần, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng của người dân. Việc một nhà xuất bản chiếm tới gần 1 nửa doanh thu của toàn ngành khiến bức tranh của ngành xuất bản trở lên méo mó một cách bất thường.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2015, cả nước có gần 15,4 triệu học sinh, tức cần 154 triệu cuốn sách. Năm 2016, 15,5 triệu học sinh phổ thông cần 155 triệu cuốn. Con số này đối với năm 2017 (15,6 triệu học sinh), 2018 (16,5 triệu học sinh) lần lượt là 156 triệu và 165 triệu cuốn.

Trong khi đó, theo báo cáo công bố thông tin năm 2017 của NXB Giáo dục Việt Nam, số lượng sách giáo khoa in ấn hàng năm lên đến hơn 100 triệu bản. Nếu theo giả thiết trên, điều này đồng nghĩa việc khoảng 36% sách giáo khóa được sử dụng lại. 64% còn lại bị vứt đi hoặc bán giấy vụn, là sự lãng phí rất lớn.

Đặc biệt, 2018-2019 là năm cuối cùng áp dụng chương trình và sách giáo khoa hiện tại. Số lượng bản in lên đến 104 triệu bản. Sau năm nay, số sách này cùng với lượng sách được tái sử dụng ở các vùng khó khăn đều không còn giá trị.

Doanh thu của NXB Giáo dục hàng năm lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ SGK và thiết bị giáo dục. Nguồn Zing.vn

Ngoài ra, phụ huynh còn phải chi thêm số tiền không nhỏ cho hàng loạt sách bài tập, tài liệu tham khảo. Số lượng sách cần mua đầu năm học không dừng lại ở sách giáo khoa mà gấp đôi, thậm chí gấp 3. Sách bài tập được dùng để thay thế vở, học sinh làm bài trực tiếp lên đó nên không thể dùng lại nữa.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là không chỉ sách bài tập, sách giáo khoa cũng chỉ dùng một lần. Rất nhiều cuốn, đặc biệt môn Toán và Tiếng Anh ở cấp tiểu học có phần bài tập. Học sinh ghi câu trả lời lên sách dẫn đến khóa sau không thể dùng lại nữa.

Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải một lần nữa đề cập tình trạng lãng phí này.

“Trung bình mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa. Việc sử dụng một lần chỉ do viết bài tập vào sách mà không phải lý do gì khác”, bà Hải nêu.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề lãng phí cả nghìn tỷ đồng vì sách giáo khoa chỉ dùng một lần được nhắc đến. Đáng tiếc, nỗi băn khoăn chung này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Hàng năm, hơn 100 triệu bản sách giáo khoa thành giấy vụn, đồng nghĩa hơn 1.000 tỷ đồng của người dân bị lãng phí.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/thoi-su/truong-ban-tuyen-giao-tu-doc-quyen-sach-giao-khoa-de-ra-nhieu-he-luy-cho-xa-hoi-172540.ict