Trước cuộc điện đàm Joe Biden-Tập Cận Bình, Mỹ đe dọa Trung Quốc: “Ủng hộ xâm lược sẽ phải trả giá”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo THX, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh thông báo: “Tối thứ Sáu (18/3), hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ sẽ có cuộc điện đàm trao đổi ý kiến về quan hệ Trung-Mỹ và các vấn đề cùng quan tâm”.
Cuộc điện đàm lần trước giữa ông Joe Biden và Tập Cận Bình ngày 10/9/2021 (Ảnh: AP).
Cuộc điện đàm lần trước giữa ông Joe Biden và Tập Cận Bình ngày 10/9/2021 (Ảnh: AP).

Trước khi hai ông Biden và Tập tiến hành cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Mỹ hôm thứ Năm (17/3) đã bày tỏ lo ngại Trung Quốc đang xem xét viện trợ quân sự cho Nga và thẳng thắn đe dọa sẽ trừng phạt.

Trang tin Deutsche Welle ngày 18/3 cho biết, trọng tâm điện đàm của hai ông là thảo luận về sự cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc và cuộc chiến ở Ukraine. Trước cuộc gọi, Ngoại trưởng Antony Blinken nói tại cuộc họp báo hôm thứ Năm (17/3) rằng, ông Biden sẽ nói rõ trong cuộc gọi với ông Tập rằng nếu Trung Quốc ủng hộ sự xâm lược của Nga, họ sẽ phải trả giá.

Ông nói: “Tổng thống Biden sẽ nói chuyện với Chủ tịch Tập vào ngày mai và nói rõ rằng nếu Trung Quốc làm bất cứ điều gì để hỗ trợ sự xâm lược của Nga, thì Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm và chúng tôi sẽ không ngần ngại bắt Trung Quốc phải trả giá”.

Cho đến nay, Ngoại trưởng Blinken là quan chức cấp cao nhất của Mỹ có thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc, cảnh báo không được viện trợ quân sự cho Nga. Nhưng Blinken không nói rõ về giá mà Trung Quốc có thể phải trả là thế nào.

Trước cuộc điện đàm Biden-Tập Cận Bình, ngoại trưởng Mỹ Blinken lên tiếng đe dọa, cảnh báo Trung Quốc không được viện trợ quân sự cho Nga (Ảnh: AP)

Trước cuộc điện đàm Biden-Tập Cận Bình, ngoại trưởng Mỹ Blinken lên tiếng đe dọa, cảnh báo Trung Quốc không được viện trợ quân sự cho Nga (Ảnh: AP)

Tại cuộc họp báo hôm 17/3, ông Blinken cũng nói Mỹ "lo ngại Trung Quốc đang xem xét hỗ trợ trực tiếp Nga và cung cấp các thiết bị quân sự mà họ sử dụng ở Ukraine". Reuters cho biết, đầu tuần này đã có tin có quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc có ý nói Trung Quốc có ý định cung cấp viện trợ liên quan cho Moscow, lần đầu tiên, có quan chức xác nhận mối lo ngại của Mỹ.

Tuy nhiên, phía Washington không cung cấp bằng chứng liên quan cho thấy Trung Quốc muốn hỗ trợ Nga. Đáp lại, Moscow phủ nhận việc họ tìm kiếm hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc, điều mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi là "thông tin giả dối".

Ông Blinken cho biết dựa trên mối quan hệ của họ với Nga, Trung Quốc có trách nhiệm sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Putin để bảo vệ các quy tắc quốc tế, nhưng "Trung Quốc dường như đang đi theo hướng ngược lại, từ chối lên án hành động xâm lược như vậy, đồng thời cố gắng thể hiện mình là một trọng tài trung lập."

Reuters đưa tin, Trung Quốc đã từ chối lên án hành động của Nga ở Ukraine, hay gọi đó là “một cuộc xâm lược” và kiểm duyệt các nội dung trên mạng ở Trung Quốc có nội dung thân phương Tây hoặc bất lợi cho Nga. Trong khi Bắc Kinh nói rằng họ công nhận chủ quyền của Ukraine, họ cũng cho rằng Nga có những lo ngại về an ninh chính đáng cần được giải quyết.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với Reuters trước khi thông tin về cuộc đàm thoại Biden-Tập được công khai: "Chúng tôi thấy Trung Quốc về cơ bản chấp nhận những gì Nga đang làm, từ chối tham gia trừng phạt, chỉ trích phương Tây và Mỹ viện trợ cho Ukraine, tuyên bố họ muốn nhìn thấy một kết quả hòa bình, nhưng thực tế không làm gì vì điều đó."

Cuộc gặp gỡ Dương Khiết Trì -Jake Sullivan tại Rome hôm 14/3 kéo dài 7 giờ mà không đạt kết quả (Ảnh: AP).

Cuộc gặp gỡ Dương Khiết Trì -Jake Sullivan tại Rome hôm 14/3 kéo dài 7 giờ mà không đạt kết quả (Ảnh: AP).

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ một lần nữa điện đàm với nhau vào thứ Sáu (18/3) để thảo luận về sự cạnh tranh Mỹ - Trung và cuộc chiến ở Ukraine. Đây sẽ là cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ cuộc điện đàm đầu tiên hồi giữa tháng 11 năm ngoái.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn hôm thứ Năm (17/3) rằng các cuộc đối thoại là “một phần nỗ lực không ngừng của cả hai bên để duy trì kênh liên lạc thông suốt". Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về "quản lý cuộc cạnh tranh vẫn đang diễn ra giữa các quốc gia, Nga gây chiến tranh với Ukraine và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh sáng 18/3 chỉ cho biết ngắn gọn: hai nhà lãnh đạo sẽ "trao đổi ý kiến về quan hệ Trung – Mỹ và các vấn đề hai bên cùng quan tâm."

Hôm thứ Hai (14/3), Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, người phụ trách các vấn đề đối ngoại của Trung Quốc, đã có cuộc họp kéo dài 7 giờ tại Rome.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Emily Horne cho biết hai quan chức và nhóm của họ đã thảo luận về việc quản lý cạnh tranh giữa hai nước và tác động của cuộc chiến của Nga ở Ukraine đối với an ninh khu vực và toàn cầu.

Hôm 4/2, ông Putin tới Bắc Kinh và hội đàm với ông Tập Cận Bình (Ảnh: Xinhua).

Hôm 4/2, ông Putin tới Bắc Kinh và hội đàm với ông Tập Cận Bình (Ảnh: Xinhua).

Theo hãng tin AP, ông Sullivan muốn Bắc Kinh thể hiện sự minh bạch hơn về quan điểm của mình đối với Nga và nhắc lại rằng bất kỳ ý đồ nào nhằm giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt đều sẽ khiến chính phủ Trung Quốc phải trả giá.

Bản tin của Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết cuộc gặp giữa Sullivan và Dương Khiết Trì là "căng thẳng", phản ánh "tính nghiêm trọng của thời điểm này". Người này nói, cuộc trao đổi diễn ra "thẳng thắn" nhưng không có kết quả cụ thể.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc dẫn lời ông Dương Khiết Trì nói rằng trong tình hình quốc tế hiện nay, Trung Quốc và Mỹ nên "tăng cường hợp tác đối thoại, quản lý ổn thỏa những khác biệt, tránh xung đột và đối đầu". Ông Dương Khiết Trì bày tỏ Bắc Kinh cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc xung đột Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh “Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi lời nói và việc làm tung tin thất thiệt, xuyên tạc và bôi nhọ lập trường của Trung Quốc”.

Trước đó có thông tin cho rằng Nga đã tìm kiếm sự trợ giúp quân sự từ Trung Quốc sau khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu. Cả Trung Quốc và Nga đều phủ nhận điều này.

Trang Dwnews nhận xét, đây là cuộc điện đàm thứ ba giữa hai ông Joe Biden-Tập Cận Bình.

Ngày 11/2/2021, hai ông có cuộc điện đàm đầu tiên sau khi chính quyền Biden nhậm chức. Tiêu đề bản tin chính thức của Tân Hoa Xã khi đó là "Tập Cận Bình nói chuyện điện thoại với Tổng thống Mỹ Biden". Ngày 10/9/2021, tiêu đề bản tin chính thức của cuộc điện đàm cấp cao thứ hai giữa hai ông sau khi ông Biden nhậm chức cũng là “Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Mỹ Biden”. Ngoài hai cuộc điện đàm, ngày 16/11/2021, hai nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức cuộc gặp gỡ online đầu tiên, và tiêu đề chính thức lúc đó là "Cuộc họp trực tuyến đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Biden".

Nhìn lại, chúng ta có thể thấy rằng hai cuộc gọi đầu đã tổng kết và định nghĩa quan hệ Trung-Mỹ ở cấp chiến lược, đồng thời vạch ra định hướng cho hướng đi trong tương lai của quan hệ song phương.

Ngược lại, tiêu đề tin tức của cuộc gọi thứ ba lần này dài và đã nêu rõ những gì hai bên muốn nói đến: "Quan hệ Trung-Mỹ và các vấn đề cùng quan tâm."

Xét từ tiêu đề có thể thấy “quan hệ Trung - Mỹ” vẫn là hàng đầu, làm thế nào để ổn định quan hệ Trung - Mỹ, là “mỏ neo” của sự ổn định thế giới trong lúc đầy biến động, ngăn chặn sự chia rẽ và tranh cãi quốc tế do cuộc chiến tác động sâu hơn đến mối quan hệ Trung- Mỹ, và việc tìm ra lối thoát cho mối quan hệ Trung-Mỹ trong cuộc xung đột là chủ đề được quan tâm nhất trong cuộc đối thoại giữa hai bên.

Cuộc điện đàm Joe Biden - Tập Cận Bình diễn ra vào tối nay đang thu hút sự quan tâm của dư luận (Ảnh: Dwnews).

Cuộc điện đàm Joe Biden - Tập Cận Bình diễn ra vào tối nay đang thu hút sự quan tâm của dư luận (Ảnh: Dwnews).

Thứ hai là những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Rõ ràng, cuộc tranh chấp chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ là trọng tâm của cuộc đối thoại giữa hai bên.

Tuy nhiên, "các vấn đề hai bên cùng quan tâm" sẽ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực này, sẽ có nhiều lĩnh vực khác nhưng sẽ được lược bỏ. Hẳn rằng hai ông Dương Khiết Trì và Sullivan đã chốt cụ thể trong cuộc nói chuyện của họ ở Rome.

Mấu chốt ở đây là "trao đổi ý kiến", không phải "nói chuyện", không dùng "đối thoại", không dùng "gặp gỡ", mà là dùng "trao đổi ý kiến". Ngoài ý nghĩa vốn có của thuật ngữ ngoại giao này, lúc này, bốn chữ này còn tính đến tâm trạng của nước Nga.

Xét từ tình hình chiến sự hiện nay, Nga chắc chắn hết sức quan tâm về cuộc đối thoại Trung – Mỹ được tổ chức vào thời điểm quan trọng này…