Trung ương “đang nợ” Đà Nẵng gần 1.400 tỉ đồng

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết thành phố không muốn tăng nợ, không đầu tư dàn trải. Tuy nhiên TP đề nghị Trung ương (TƯ) giải ngân gần 1400 tỉ đồng nợ đầu tư xây dựng cơ bản các công trình phê duyệt trước đó.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh: "TP Đà Nẵng rất cần các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi và nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Trung ương  giao!” (Ảnh: HC)
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh: "TP Đà Nẵng rất cần các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi và nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Trung ương giao!” (Ảnh: HC)

Đề nghị ổn định tỉ lệ điều tiết các khoản thu

Ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh; Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh về công tác quản lý tài chính ngân sách  và chống buôn lậu trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Anh cho hay, nền tài chính Đà Nẵng ngày càng tích cực; thu từ thuế, phí ngày càng tăng và chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu thu ngân sách của TP. Năm 2015, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khoảng 15.000 tỉ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 12.200 tỉ đồng và Đà Nẵng vào tốp 10 tỉnh, thành có số thu nội địa trên 10.000 tỉ. TP phấn đấu đến năm 2020 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 20.000 tỉ đồng. 

“TP Đà Nẵng đang hướng đến nền kinh tế động lực của miền Trung theo tinh thần Nghị quyết 33 và Kết luận 75 của Bộ Chính trị về phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ CNH – HĐH nên rất cần các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi và nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ TƯ  giao!” – ông Nguyễn Xuân Anh nói.

Theo UBND TP Đà Nẵng, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) thuộc địa phương quản lý được tích lũy, hình thành từ nhiều năm, trong đó phần lớn do ngân sách địa phương đầu tư. Tuy nhiên khi cổ phần hóa, toàn bộ vốn nhà nước được bán phải nộp về TƯ nên địa phương không có nguồn để thực hiện đầu tư hỗ trợ cho các DN còn lại phát triển.

Vì vậy, đối với tiền thu từ cổ phần hóa các DN công ích, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép TP được quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa để có nguồn vốn bổ sung, tham gia góp vốn thực hiện tăng vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu phát triển của các DN. Đồng thời, đảm bảo việc nắm giữ cổ phần chi phối của Nhà nước và kiểm soát, quản lý tốt hoạt động của DN công ích sau khi cổ phần hóa.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng cho hay, đến nay tổng nguồn thu để thực hiện cải cách tiền lương của TP Đà Nẵng là 1.770 tỉ đồng (trong đó nguồn tập trung tại ngân sách là 1.420 tỉ đồng). Trong khi đó tổng nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình (tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng từ ngày 1/5/2016) và nhu cầu thực hiện chính sách tinh giản biên chế, chi phụ cấp, trợ cấp và các khoản thanh toán theo lương tăng thêm khi thực hiện lộ trình cải cách tiền lương trong năm 2016 là 100 tỉ đồng.

“Như vậy, tổng nguồn thực hiện lộ trình cải cách tiền lương của TP sau khi thực hiện chính sách tiền lương năm 2016 còn lại là 1.670 tỉ đồng. Kính đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép Đà Nẵng được sử dụng 50% nguồn cải cách tiền lương còn lại này để đáp ứng nhu cầu chi đầu tư xây dựng cơ bản của TP trong năm 2016” - ông Hồ Kỳ Minh đề xuất.

Trung ương “đang nợ” Đà Nẵng gần 1.400 tỉ đồng ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng sáng 15/3 (Ảnh: HC)

Tại buổi làm việc, UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Tài chính trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định ổn định tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách TƯ và ngân sách địa phương như hiện nay là 85% trong thời kỳ ổn định ngân sách mới 2017 – 2020 để TP Đà Nẵng đảm bảo nguồn thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH theo Nghị quyết 33 và Kết luận 75 của Bộ Chính trị.

Đề nghị TƯ giải ngân các khoản nợ đầu tư xây dựng cơ bản

Đối với việc xử lý vốn ứng trước cho các dự án, UBND TP Đà Nẵng cho hay, hiện nay nguồn vốn TƯ ứng trước cho các dự án đã được chuyển qua nhiều năm chưa được xử lý đã ảnh hưởng đến việc thanh quyết toán và hoàn trả tạm ứng cho ngân sách TƯ. Vì vậy UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành bố trí vốn để xử lý dứt điểm trong niên độ ngân sách năm 2016.

Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành ưu tiên bố trí đủ số vốn 1.381,588 tỉ đồng trong kế hoạch trung hạn 2016 – 2020 để thanh toán cho các dự án đã triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng theo các cam kết hỗ trợ của TƯ. Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH-ĐT và các Bộ, ngành sớm cân đối bố trí vốn thanh toán cho các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng và bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án theo Kết luận 75 của Bộ Chính trị, các Thông báo 186 và 242/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, nhất là đối với các công trình, dự án chưa hoặc chậm triển khai.

Đáng chú ý, để kịp thời triển khai các công trình phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài chính quan tâm cân đối bố trí kế hoạch vốn ngân sách TƯ cho TP với tổng vốn dự kiến 341,064 tỉ đồng. 

UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Tài chính giải quyết cho ngân sách TP tạm ứng vốn tồn ngân Kho bạc Nhà nước năm 2016 là 1.000 tỉ đồng, thời hạn cho vay 5 năm, mỗi năm hoàn trả 200 tỉ đồng. TP Đà Nẵng cam kết bố trí vốn trả nợ đúng hạn.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nêu rõ, TP Đà Nẵng không muốn tăng nợ, không đầu tư dàn trải. Tuy nhiên TP đề nghị TƯ giải ngân các khoản nợ đầu tư xây dựng cơ bản thuộc các công trình phê duyệt trước đó với khoảng gần 1.400 tỷ đồng. Đề nghị Bộ Tài chính cho phép tăng mức tạm ứng vốn Kho bạc Nhà Nước hàng năm để TP tiếp tục thực hiện  kế hoạch trung hạn về xây dựng cơ bản, từng bước hoàn thiện hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, đặc biệt là gói 341 tỉ đồng phục vụ cho hội nghị APEC 2017, thể hiện hình ảnh quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả trong công tác quản lý thu chi ngân sách. Bộ Tài chính ghi nhận các kiến nghị của TP Đà Nẵng và sẽ đề xuất TƯ xem xét, giải quyết. Trong phạm vi quyền hạn, Bộ Tài chính ủng hộ gói tài chính phục vụ hội nghị APEC 2017; ủng hộ  để TP Đà Nẵng tạm ứng vốn tồn dư kho bạc để thực hiện các dự án cấp thiết cho nền kinh tế.

Tại buổi làm việc, UBND TP Đà Nẵng cho hay, TP đã có công văn 1539 ngày 7/3/2016 xin ý kiến về chính sách thuế đối với việc thực hiện thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP (được Thủ tướng chấp thuận tại Công văn 31/TTg-KTN ngày 8/1/2015). Theo đó, TP có báo cáo Tổng cục Thuế xem xét trình Bộ Tài chính cho phép không thu thuế giá trị gia tăng với mức thu thuế suất 5% và thuế thu nhập DN 10% để giảm giá thành cho các hộ thu nhập thấp khi mua nhà sở hữu nhà nước.

Cũng theo UBND TP Đà Nẵng, hiện số lượng các hộ giải tỏa còn nợ đất tái định cư quá 5 năm trên địa bàn TP rất nhiều. Phần lớn các hộ này có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng thanh toán. Kể từ ngày 1/3/2016, các hộ đã nợ quá 5 năm thì phải trả nợ theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Giá đất tại thời điểm trả nợ thường cao hơn giá đất đái định cư nên càng làm cho các hộ dân thêm khó khăn, không có cơ hội thanh toán nợ. Do đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài chính xem xét có chính sách để hỗ trợ cho các đối tượng này.

“TP Đà Nẵng thực hiện chính sách các hộ dân bị thu hồi đất, đền bù và bố trí tái định cư theo giá nhà nước chứ không giống như Hà Nội, TP.HCM là đền bù theo giá thị trường. Vì vậy, buộc các hộ này phải trả nợ theo giá thị trường tại thời điểm trả nợ thì họ không kham nổi. Do từ đầu TP áp dụng chính sách khác so với các nơi khác nên đề nghị Bộ Tài chính xem xét để có điều chỉnh phù hợp cho người dân TP” - ông Huỳnh Đức Thơ giải thích thêm.

Ghi nhận đề xuất của UBND TP Đà Nẵng về xử lý nợ đất tái định cư, tuy nhiên trong thời gian chờ ý kiến của Chính phủ, Bộ Tài chính yêu cầu TP cần có cơ chế hỗ trợ riêng. Ngoài ra, Bộ Tài chính không đồng ý kiến nghị ngừng thu thuế 5%VAT và 10% thuế thu nhập doanh nghiệp để giảm giá căn hộ nhà ở xã hội  từ vốn ngân sách..Yêu cầu Đà Nẵng nghiên cứu giải pháp  đáo hạn đúng tiến độ gói trái phiếu địa phương 1.500 tỷ đồng phát hành trước đó; và đề nghị TP chi tiêu tiết kiệm, ưu tiên nguồn tài chính cho các nội dung chi mới như biến đổi khí  hậu.

Theo Infonet