Trung thực có nguy cơ gục ngã?

VietTimes -- Trung thực góp phần làm nên nhân cách của một con người có đạo đức. Xã hội tốt đẹp cũng vì có nhiều người trung thực, đạo đức chân chính. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, trong điều kiện phát triển và cạnh tranh khốc liệt hiện nay, qua những sự việc xảy ra trong xã hội thời gian gần đây, nhiều người lo ngại trung thực đang bị dối trá lấn lướt và có nguy cơ gục ngã.
Thiếu trung thực vì lợi ích trong ngành y tế là biểu hiện của xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức trong xã hội.
Thiếu trung thực vì lợi ích trong ngành y tế là biểu hiện của xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức trong xã hội.

Những ngày gần đây, dư luận lại một phen thất kinh khi thông tin vụ cắt đôi que kit xét nghiệm viêm gan B và trộn mẫu máu trong xét nghiệm HIV tại Bệnh viện Xanh Pôn vỡ lở. Thế là danh dự của người thầy thuốc làm nhiệm vụ chữa bệnh cứu người với lời thề Hippocrates có lịch sử lâu đời và vốn luôn được nhân dân toàn cầu nể trọng đã bị xâm hại.

Đến nay, những sự việc người hành nghề Y ở các bệnh viện công của TP Hà Nội dối trá để trục lợi đã không còn quá lạ lẫm với dư luận. Hình như do nói nhiều, phản ánh nhiều, phê phán nhiều không mang lại hiệu quả mong muốn nên người dân đành... chấp nhận. Nhiều người dửng dưng, thờ ơ trước những mưu mô và cách hành xử phi nhân tính của những “quan sinh mệnh” đang diễn ra ở một góc nào đó được che chắn kỹ lưỡng trong các căn phòng đậm đặc mùi thuốc tẩy, hóa chất khử trùng.

Không chỉ ở ngành Y mà trong ngành Giáo dục và nhiều ngành khác trong xã hội chúng ta, trung thực cũng đang bị dối trá đẩy đuổi và có nguy cơ lép vế, đi “về mo”. Đáng chú ý và nguy hiểm hơn cả với toàn xã hội chúng ta hiện nay là sự trung thực trong lĩnh vực cán bộ đang bị dối trá xâm hại trầm trọng.

Sự việc Nguyễn Quang Huy trốn truy nã thành công suốt 26 năm trời mới bị bắt là điển hình. Trong thời gian trốn nã, Huy vẫn được xét, bố trí làm cán bộ và giữ tới chức Chánh văn phòng Tòa án huyện Cao Phong (Hòa Bình) mới bị phát hiện. Xã hội chúng ta từng chứng kiến những trường hợp cán bộ không có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (bằng cấp 3) nhưng vẫn có bằng đại học, vẫn được bố trí chức danh, nắm quyền quản lý nhà nước trong hệ thống bộ máy công quyền. Câu hỏi đặt ra, là ai đã tiếp tay cho Huy và những cán bộ kia làm được việc ấy nếu không phải là sự thiếu trung thực bị đồng tiền và lợi ích dắt mũi?

Bàn về lòng trung thực của một con người, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, giảng viên Học viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) dẫn lại lời nhà văn, nhà viết kịch người Anh nổi tiếng là Wiliam Shakespeare sống ở thế kỷ XVI: “Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực”.

Tiến sĩ Năng phân tích, lòng trung thực của một con người là xương sống trong giữ gìn, duy trì các mối quan hệ với người thân trong gia đình và là cơ sở quan trọng để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Lòng trung thực như một hàng rào vô hình ngăn cản, không cho suy nghĩ vượt sang với dối trá. Nếu lòng trung thực bị nhuốm màu lợi ích thì dễ bị dối trá lấn át, rất nguy hại. Lòng trung thực của các cán bộ, nhân viên bộ máy công quyền từ Trung ương tới cơ sở không chỉ là những lời nói trên các diễn đàn, trên phương tiện thông tin đại chúng mà còn qua các hành vi ứng xử, trong các hành động thực thi công vụ, chất lượng thực hiện các công việc hữu hình và vô hình. Quá nhiều bê bối xảy ra ở đội ngũ cán bộ sẽ làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, xấu đi trầm trọng.

Trung thực vốn được hiểu là sự ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật và dám nhận ra cái sai, cái lỗi trước người khác, trước tập thể và xã hội. Trong lịch sử Việt Nam lưu truyền câu chuyện đạo chích Quận Gió được Vua Lê Thánh Tông tặng tấm biển vàng đề 3 chữ: “Trộm quân sử” chỉ vì lòng trung thực.

Chuyện là, nghe danh đạo chích chuyên nghiệp Quận Gió được nhân dân yêu mến vì lấy của nhà giàu, chia cho người nghèo và những người lương thiện khác; tối 30 tết, Vua Lê Thánh Tông đóng giả học sinh đến gặp, than kể không có tiền về quê cúng giỗ tổ tiên và muốn nhờ Quận Gió giúp một ít làm lộ phí.

Quận Gió đã đột nhập vào nhà quan coi kho bạc của vua ở phố cửa Bắc trộm hai nén bạc đưa cho học sinh. Nhà vua ngạc nhiên thấy đáy nén bạc có khắc 4 chữ “Quốc khố chi bảo". Vua không ngờ một viên quan thanh liêm được tin tưởng giao trọng trách giữ ngân khố quốc gia lại là kẻ ăn cắp.

Sáng hôm sau, trong buổi chầu khai triều năm mới, Vua Lê Thánh Tông đem câu chuyện vi hành kể cho các đại quan nghe. Hai nén bạc được truyền tới tay các quan xem tận mắt. Viên quan coi kho tối sầm mặt mũi, không thanh minh được lời nào. Ông ta bị cách chức, tịch thu gia sản và đày đi biên ải. Còn Quận Gió được tặng tấm biển vàng đề 3 chữ: “Trộm quân sử”.

Trong thời kỳ phát triển hiện nay, với chức năng quản lý nhà nước về một lĩnh vực nào đó, nhiều cán bộ, nhân viên cũng giống như vị quan coi ngân khố thời phong kiến đã đánh mất thanh danh vì đồng tiền. Họ đã cố tình bỏ quên lòng trung thực, thật thà được gia đình, nhà trường giáo dục, rèn luyện từ bé; được Đảng chăm lo, nâng đỡ và rèn luyện, đào tạo.

Điều rõ ràng, là nếu không có những biện pháp chấn hưng đủ mạnh trên cơ sở thượng tôn pháp luật một cách toàn diện và công bằng thì trung thực sẽ dần mai một và mất đi.

Đó là cảnh báo không thể xem thường!