Trung Quốc xuất hiện nhiều ca viêm phổi không rõ nguyên nhân, dân chúng hoang mang lo ngại dịch bệnh SARS quay lại

VietTimes -- Đã có nhiều ca viêm phổi không rõ nguyên nhân xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Chính phủ đã ra công văn yêu cầu các bệnh viện kịp thời thống kê số ca mắc bệnh đồng thời kịp thời công bố sự thật; trong khi công chúng hoang mang lo ngại rằng dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) sẽ quay trở lại.  
Việc xuất hiện nhiều ca viêm phổi không rõ nguyên nhân ở Vũ Hán và những tin đồn đại trên mạng khiến người dân thành phố hoang mang, lo ngại dịch SARC năm 2002 tái diễn. (Ảnh: internet)
Việc xuất hiện nhiều ca viêm phổi không rõ nguyên nhân ở Vũ Hán và những tin đồn đại trên mạng khiến người dân thành phố hoang mang, lo ngại dịch SARC năm 2002 tái diễn. (Ảnh: internet)

Vào tối ngày 30/12, một bản “Thông báo khẩn cấp về việc làm tốt công tác cứu chữa các ca viêm phổi không rõ nguyên nhân” được đóng dấu chính thức của Phòng quản lý y tế, Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Vũ Hán, được lưu truyền trên mạng Internet, gây lo ngại trong đông đảo dân chúng.

Tờ Tân Kinh báo của Trung Quốc đại lục ngày 31/12 đưa tin, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố Vũ Hán đã xác nhận rằng bản tài liệu lan truyền trên mạng này là thật; số lượng các trường hợp mắc bệnh vẫn còn đang thống kê và Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã cử các chuyên gia đến Vũ Hán.

Người dân lo ngại dịch SARC kinh hoàng năm 2002 quay trở lại.(Ảnh: Đa Chiều)
Người dân lo ngại dịch SARC kinh hoàng năm 2002 quay trở lại.(Ảnh: Đa Chiều)

Chiều ngày 31/12, Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Vũ Hán đã thông báo về tình hình liên quan: đã có 27 trường hợp được phát hiện, đó là bệnh viêm phổi do virus. Cho đến nay, chưa phát hiện thấy hiện tượng lây truyền từ người sang người rõ ràng và chưa có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh. Hiện nay việc điều tra nhằm phát hiện mầm bệnh và nguyên nhân nhiễm bệnh đang được tiến hành.

Tờ Tin tức kinh tế hàng ngày dẫn lời một nhân viên của Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia Vũ Hán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc nói rằng các mẫu liên quan đã được gửi đi và các nhà khoa học vẫn đang kiểm nghiệm, kết quả chưa có, đề nghị cần theo dõi và tin tưởng vào thông tin do chính quyền công bố.

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 31/12 cũng đã đưa tin, hầu hết các trường hợp viêm phổi do virus được phát hiện ở Vũ Hán là những người kinh doanh ở chợ hải sản thành phố. Hiện các ca mắc bệnh đã được xét nghiệm phân loại virus, cách ly điều trị và đang tiến hành khử trùng.

Thông báo của chính quyền thành phố Vũ Hán về việc đóng cửa chợ hải sản. (Ảnh: Đông Phương)
Thông báo của chính quyền thành phố Vũ Hán về việc đóng cửa chợ hải sản. (Ảnh: Đông Phương)

Tài khoản weibo chính thức của chương trình Tin tức CCTV đưa tin, theo các ban ngành liên quan của tỉnh Hồ Bắc, kể từ tháng 12, thành phố Vũ Hán đã liên tục thực hiện giám sát tình hình bệnh cúm và các bệnh liên quan, đã phát hiện 27 trường hợp viêm phổi do virus. Tất cả đều được chẩn đoán là viêm phổi do virus/nhiễm trùng phổi. 7 người trong số họ bị bệnh nặng và các trường hợp còn lại đều có thể kiểm soát được. 2 người bệnh tình đã được cải thiện và dự kiến sẽ có thể sớm được xuất viện.

Theo “Thông báo khẩn cấp về việc làm tốt công tác cứu chữa các ca viêm phổi không rõ nguyên nhân” do Phòng quản lý y tế, Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Vũ Hán ban hành, tại một số cơ sở y tế ở Vũ Hán đã liên tiếp xuất hiện các bệnh nhân viêm phổi không rõ nguyên nhân. Thông báo yêu cầu các cơ sở y tế phải kịp thời theo dõi, cập nhật các số liệu thống kê và tình hình điều trị và báo cáo kịp thời lên trên theo yêu cầu.

Một số nhân viên các bệnh viện ở Vũ Hán nói rằng nguyên nhân bệnh hiện vẫn chưa được biết rõ và không thể kết luận rằng đó là virus SARS như được đồn đại trên Internet; có nhiều khả năng đây là viêm phổi thể nặng. Và ngay cả nếu là virus SARS, trước đây cũng đã có một hệ thống phòng ngừa và điều trị thành thục, dân chúng không cần phải hoảng sợ.

Chợ hải sản Vũ Hán đóng cửa kinh doanh từ ngày 1/1/2020 (Ảnh: Đông Phương)
Chợ hải sản Vũ Hán đóng cửa kinh doanh từ ngày 1/1/2020 (Ảnh: Đông Phương)

Theo trang tin Đông Phương, từ ngày thứ Tư (1/1/2020) chợ hải sản ở Vũ Hán đã bị thành phố đóng cửa để chỉnh đốn cho đến khi có thông báo mới. Tại chợ có dán các bản thông báo với nội dung: căn cứ “Điều lệ ứng phó khẩn cấp với sự kiện vệ sinh công cộng đột phát” của Quốc Vụ viện và Thông báo về tình hình dịch bệnh viêm phổi của Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Vũ Hán, nay quyết định thực hiện đóng cửa chợ và tiến hành chỉnh đốn vệ sinh môi trường, đề nghị các hộ kinh doanh tích cực phối hợp.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở Vũ Hán đã tiến hành điều tra, ngăn chặn những kẻ tung tin đồn bệnh SARS tái diễn gây hoang mang sợ hãi trong dân chúng. Cục Công an Vũ Hán chiều ngày 1/1 đã ra thông báo bác bỏ các tin đồn và cho biết đã bắt giữ 8 người sử dụng mạng liên quan đến việc tung tin bịa đặt về bệnh SARS.

Năm 2002, virus bệnh SARS đã bùng phát ở Thuận Đức, Quảng Đông rồi lan rộng thành một bệnh dịch truyền nhiễm ra toàn cầu. Mãi đến ngày 16/7/2003, dịch bệnh mới dần được loại bỏ đến ngày 2/9 cùng năm thì được hoàn toàn dập tắt.

Cảnh sát canh gác, phong tỏa khu chợ hải sản Vũ Hán. (Ảnh: Đông Phương)
Cảnh sát canh gác, phong tỏa khu chợ hải sản Vũ Hán. (Ảnh: Đông Phương)

Vào thời điểm đó, tỉnh Quảng Đông cũng đã ban hành một bản “Báo cáo điều tra về bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân”. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh một loạt các sự kiện đã xảy ra: toàn xã hội hoang mang, nhiều bệnh nhân bao gồm nhân viên y tế bị tử vong, công tác điều trị bệnh ở các nước trên thế giới, việc đặt tên bệnh, phát hiện và đặt tên vi sinh vật gây bệnh, các vấn đề được Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới và giới truyền thông quan tâm....

Theo thống kê chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến ngày 11/7/2003, dịch bệnh SARC đã từ Trung Quốc lan ra 31 quốc gia và khu vực trên thế giới với 8.096 người nhiễm bệnh, 774 người bị chết; trong đó riêng Trung Quốc đại lục có 5.327 ca nhiễm bệnh, chết 348 người; Hồng Kông có 1.755 ca mắc bệnh, chết 299 người; Đài Loan 307 ca nhiễm bệnh, chết 47 người. Việt Nam khi đó cũng có 63 trường hợp bị lây nhiễm và chết 5 người.