Trung Quốc và Ấn Độ tranh đoạt đồng minh ở vịnh Bengal

VietTimes -- Hai nước chạy đua tăng cường vai trò ảnh hưởng tại khu vực này và triển khai các chiến lược nhằm kiềm chế đối phương. Các nước trong khu vực thực hiện chính sách cân bằng, tránh lệ thuộc quá mức vào một bên.
Tàu hộ vệ BNS Abu Bakar Hải quân Bangladesh tham gia một cuộc tập trận đa phương ở ngoài khơi Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 23/4/2014. Ảnh: The Diplomat
Tàu hộ vệ BNS Abu Bakar Hải quân Bangladesh tham gia một cuộc tập trận đa phương ở ngoài khơi Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 23/4/2014. Ảnh: The Diplomat

Tờ The Diplomat Nhật Bản ngày 30/12 đăng bài viết "Chạy đua vũ trang hải quân ở vịnh Bengal" của nhà phân tích các vấn đề năng lượng và an ninh Saurav Jha.

Theo bài viết, cuối tháng 11/2016, Bangladesh đã được Trung Quốc bàn giao 2 tàu ngầm sau khi đã được sửa chữa, từ đó giúp cho Hải quân Bangladesh đã trở thành lực lượng có khả năng tác chiến dưới mặt biển thứ hai ở khu vực vịnh Bengal.

Sự kiện này diễn ra đúng vào thời điểm Myanmar sử dụng thiết bị định vị thủy âm tiên tiến do Ấn Độ cung cấp để trang bị cho hạm đội mặt nước.

Việc phân định ranh giới trên biển không chỉ không làm mất đi nhu cầu tăng cường xây dựng năng lực hải quân của các nước xung quanh vịnh Bengal, mà còn hầu như đã tăng cường nhu cầu này ở khu vực có tài nguyên phong phú này.

Cuộc cạnh tranh vai trò ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực vịnh Bengal rõ ràng cũng bao gồm lĩnh vực hải quân, hai bên đều đang tìm cách triển khai hợp tác toàn diện với các nước trong khu vực này để có được các tuyến đường hàng hải ở đây và tăng cường mối quan hệ an ninh.

Tàu hộ vệ F14 do Myanmar tự chế tạo (ảnh tư liệu)
Tàu hộ vệ F14 do Myanmar tự chế tạo (ảnh tư liệu)

Trên thực tế, hồi năm 2013, Bangladesh từng có kế hoạch sở hữu tàu ngầm, nhưng do tình hình chính trị trong nước bất ổn, những nỗ lực này không thể thực hiện được.

Mặc dù lúc ban đầu Bangladesh từng cân nhắc mua sắm tàu ngầm hoàn toàn mới và tiên tiến hơn như lớp Nguyên Type 041, nhưng cuối cùng ngân sách có hạn khiến cho Hải quân Bangladesh buộc phải mua 2 tàu ngầm cấp Minh Type 035G mà Trung Quốc đã từng sử dụng. Bangladesh không xem xét mua sắm tàu ngầm lớp Kilo của Nga, về cơ bản cũng do vấn đề vốn.

Mặc dù Bangladesh đã giải quyết vấn đề biên giới trên biển với Myanmar hồi năm 2012 và với Ấn Độ hồi năm 2014 thông qua phương thức trọng tài quốc tế, nhưng điều này trái lại đã tăng cường nguyện vọng của họ về xây dựng một lực lượng hải quân có khả năng răn đe.

Sau phán quyết của trọng tài, Bangladesh hiện có 111.631 km2 vùng đặc quyền kinh tế, diện tích này hầu như tương đương với diện tích lãnh thổ của họ. Bangladesh cảm nhận sâu sắc cần thiết phải tích cực bảo vệ chủ quyền trên biển này, bởi vì họ hoàn toàn không phải là một quốc gia có tài nguyên phong phú trên đất liền.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Bangdalesh, cũng là nước tích cực thúc đẩy hỗ trợ Bangladesh tăng cường sức mạnh hải quân từ phía sau.

Tàu hộ vệ BNS Shadhinota F111 Hải quân Bangladesh, mua của Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu hộ vệ BNS Shadhinota F111 Hải quân Bangladesh, mua của Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Đầu năm 2016, 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 lớp 1.350 tấn gồm tàu BNS Shadhinota và BNS Prottoy đã biên chế cho Hải quân Bangladesh. Hai tàu hộ vệ này do Công ty TNHH thương mại quốc tế công nghiệp nặng đóng tàu Trung Quốc chế tạo.

Các tàu hộ vệ này đều được trang bị pháo 76 mm và 30 mm, tên lửa chống hạm C-802A và hệ thống tên lửa hạm đối không FN-3000N. Ngoài ra, Bangladesh cũng đã đặt mua 2 tàu hộ vệ Type 056 khác.

Đến nay, Trung Quốc cũng luôn là đối tác chính trong các nỗ lực phát triển hạm đội của Hải quân Myanmar. Nhưng, điểm này có thể thay đổi trong tương lai.

Mặc dù tàu chiến mặt nước mới của Hải quân Myanmar đều đang chế tạo ở nhà máy đóng tàu Sinmalaik ở Yangon, nhưng những tàu chiến này sẽ trang bị vũ khí và bộ cảm biến được sản xuất từ các nước khác nhau.

Điều đặc biệt đáng chú ý là trong thời điểm Trung Quốc giúp xây dựng lực lượng tàu ngầm của Bangladesh, Hải quân Myanmar đã lựa chọn thiết bị định vị thủy âm của Ấn Độ cho tàu chiến mặt nước chính của họ.

Khi Myanmar tích cực chuyển hướng sang tiếp nhận cung ứng trang bị hải quân của Ấn Độ, cách đây không lâu, Myanmar cũng luôn tìm cách hóa giải sự lo ngại của Ấn Độ đối với tính chất quan hệ quân sự giữa họ với Trung Quốc.

Bangladesh tiếp nhận tàu ngầm diesel-điện Type 035G cũ của Trung Quốc. Ảnh: Sina
Bangladesh tiếp nhận tàu ngầm diesel-điện Type 035G cũ của Trung Quốc. Ảnh: Sina

Năm 2013, tàu chiến của Hải quân Ấn Độ và Hải quân Myanmar đã tổ chức tuần tra liên hợp ở vùng biển giữa quần đảo Coco Myanmar và đảo Landfall Ấn Độ, việc này có lẽ là để xóa bỏ mối nghi ngờ của Ấn Độ về khả năng Trung Quốc coi đảo này là một cơ sở thu thập tình báo tín hiệu chính.

Myanmar còn mời máy bay quân sự Ấn Độ bay qua bầu trời hòn đảo này để kiểm tra tình hình cải thiện công trình của đảo này, chẳng hạn như việc mở rộng đường băng trên đảo.

Sau khi ký kết thỏa thuận tuần tra chung vào đầu năm 2016, có thể nói, Ấn Độ hiện nay lạc quan cho rằng Myanmar không có nhiều khả năng cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ trên lãnh thổ của mình.

Thông qua các biện pháp như làm cho Ấn Độ trở thành một bên trong kế hoạch hiện đại hóa của hải quân, đồng ý hợp tác tuần tra và mở cửa hành lang quá cảnh cho Ấn Độ, Myanmar đã cho thấy "con bài Trung Quốc" của họ về bản chất là để bản thân có được thỏa thuận kỹ thuật và thương mại có lợi nhất, chứ không nhất định là để phát triển nhanh chóng liên minh quân sự với Trung Quốc.

Sri Lanka gần đây hầu như cũng đã phát đi tín hiệu này với Ấn Độ, trở nên không nhiệt tình lắm với yêu cầu sử dụng cảng Trincomalee của Trung Quốc. Cảng Trincomalee nằm ở khu vực vịnh Bengal, cách bờ biển Ấn Độ gần hơn nhiều so với cảng Hambantota (Sri Lanka) - cảng này được Trung Quốc giúp đỡ xây dựng. Hải quân Sri Lanka cũng đang bắt đầu nhận được thiết bị hải quân từ Ấn Độ một cách vững chắc.