Trung Quốc ứng dụng AI và 5G trong bảo tồn hổ Siberia, báo Amur hoang dã

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để bảo tồn các loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng như hổ Siberia, báo Amur, Trung Quốc đã thiết lập hệ thống giám sát không gian – mặt đất thời gian thực trên cơ sở ứng dụng 5G, đám mây, IoT, Big Data và AI.
Hai con hổ Siberia hoang dã tại Công viên quốc gia Hổ và Báo Đông Bắc tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc ngày 14/4/2021. Ảnh Xinhua
Hai con hổ Siberia hoang dã tại Công viên quốc gia Hổ và Báo Đông Bắc tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc ngày 14/4/2021. Ảnh Xinhua

Vào cuối những năm 1990, không nhiều người nhìn thấy hổ Siberia hay báo Amur trong tự nhiên.

Hai loài động vật ăn thịt có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên hành tinh, trước đây sinh sống chủ yếu ở đông nam nước Nga và đông bắc Trung Quốc, gần như đã tuyệt chủng.

Năm 2015, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh đã phát hiện lại những con mèo lớn ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc. Đây là kết quả khi nhóm nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu hổ và báo, thực hiện gần một thập kỷ nghiên cứu thực địa tìm kiếm những con thú quý hiếm.

Nhóm nghiên cứu đã lắp đặt một mạng lưới 3.000 camera hồng ngoại để theo dõi các loài động vật hoang dã, có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Một gia đình 5 con hổ Siberia hoang dã tại Công viên quốc gia Hổ và Báo Đông Bắc tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc.Video ghi lại từ camera giám sát hồng ngoại./CGTN

Công việc bảo vệ động vật trong sách đỏ có được điều kiện thuận lợi khi ra mắt Nền tảng giám sát tích hợp Không gian-Mặt đất Vườn quốc gia Hổ và Báo trên vùng Đông Bắc Trung Quốc. Là hệ thống giám sát thời gian thực đầu tiên trên thế giới trong không trung và đất liền, hệ thống được hỗ trợ trên cơ sở các công nghệ tiên tiến điện toán đám mây, Internet of Things (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data) và Trí tuệ nhân tạo (AI).

Hệ thống giám sát trên cơ sở công nghệ mang lại hiệu quả thiết thực hơn hẳn các quy trình thủ công được sử dụng trước đó. Dữ liệu thời gian thực được gửi cho các nhà khoa học cách xa hàng ngàn km.

"Ở những địa bàn, được bao phủ bởi những khu rừng rậm rạp và địa hình dốc đứng, gồ ghề, thực sự khó khăn và không hiệu quả khi các nhà khoa học chỉ có thể thực hiện công việc nghiên cứu và bảo tồn động vật bằng phương pháp đi bộ", Wang Jun, nhà nghiên cứu từ Viện Bảo tồn và Phục hồi Sinh thái của Học viện Quy hoạch Môi trường Trung Quốc cho biết.

Ông Wang nói với CGTN: "Giờ đây, chúng tôi có thể thu thập thông tin toàn diện hơn rất nhiều về tình trạng sống và tăng trưởng của động vật và thực vật với sự kết hợp của nhiều công nghệ khác nhau".

Sự kết hợp mà ông Wang đề cập đến là quá trình thu thập, truyền tải và phân tích thông tin. Khi camera giám sát được triển khai dày đặc trong khu vực và kết nối bởi mạng 5G, thông tin thu thập được truyền tải và phân tích nhanh chóng bằng AI và công nghệ dữ liệu lớn. Các nhà khoa học có thể lấy thông tin sinh học trên điện thoại di động hoặc máy tính cá nhân để cập nhật tình trạng hiện tại của quần thể động vật.

Tại tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc đã triển khai hơn 600 camera hồng ngoại và 20 máy quay video, kết nối mạng 5G, thường xuyên giám sát các loài động vật hoang dã. Tỷ lệ nhận biết các loài voi tăng đáng kể, đến 95% so với quan sát của con người nhờ sự trợ giúp của công nghệ AI, ông Wang nói thêm.

Vườn quốc gia hổ và báo hoa mai Đông Bắc Trung Quốc ở đông bắc Trung Quốc. Ảnh Cơ quan Quản lý Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia.

Vườn quốc gia hổ và báo hoa mai Đông Bắc Trung Quốc ở đông bắc Trung Quốc. Ảnh Cơ quan Quản lý Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia.

Tính đến tháng 4/2022, các nhà sinh vật học Trung Quốc đã thu thập hơn 30.000 bức ảnh về hổ Siberia và báo Amur, hơn 10 triệu bức ảnh về những loài động vật hoang dã khác, được cung cấp từ 20,000 camera hồng ngoại, bao phủ một diện tích 14.000 km2.

Theo dõi động vật hoang dã và giám sát những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng là một hoạt động mang tính quyết định trong nỗ lực bảo tồn chúng. Đến tháng 12/2022, đã có được 50 con hổ Siberia và 60 con báo Amur, tăng hơn so với 27 và 42 con vào năm 2015.

Tỷ lệ sống sót của đàn con tăng từ 33% trước năm 2016 lên 50% hiện nay, theo văn phòng quản lý của công viên. Thông thường, khoảng 25 đến 50 % các con con chết trước khi đạt được một tuổi.

Vườn quốc gia hổ và báo hoa mai Đông Bắc Trung Quốc là một trong 5 công viên quốc gia đầu tiên mà Trung Quốc thành lập năm 2021 nhằm bảo tồn hệ sinh thái đa dạng.

Theo Viện Nghiên cứu Công viên Quốc gia, 5 công viên quốc gia có tổng diện tích hơn 230.000 km2, bảo tồn gần 30% những loài động vật hoang dã quan trọng có nguy cơ tuyệt chủng.

Tang Xiaoping, giám đốc Viện Nghiên cứu Công viên Quốc gia trong một cuộc phỏng vấn với Oriental Outlook cho biết "Năm 2022, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư xây dựng các công viên quốc gia với tổng số tiền là 4,2 tỉ nhân dân tệ (600 triệu USD), tăng gấp đôi so với năm 2021, phần lớn chi tiêu là cho hoạt động bảo tồn sinh thái với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến.

Một con linh dương Tây Tạng được phát hiện tại khu vực Hol Xil thuộc Vườn quốc gia Tam Giang Viên, phía tây bắc tỉnh Thanh Hải Trung Quốc, ngày 28/9/ 2021. /Xinhua

Một con linh dương Tây Tạng được phát hiện tại khu vực Hol Xil thuộc Vườn quốc gia Tam Giang Viên, phía tây bắc tỉnh Thanh Hải Trung Quốc, ngày 28/9/ 2021. /Xinhua

Năm 2007, chính phủ Trung Quốc đề xuất khái niệm văn minh sinh thái và quyết định xây dựng hệ thống công viên quốc gia năm 2013.

"Hệ thống công viên quốc gia Trung Quốc sẽ lớn nhất thế giới. Diện tích đất trung bình của 5 công viên quốc gia đầu tiên là 46.000 km2. Trong khi đó, diện tích đất trung bình của 62 công viên quốc gia Mỹ dưới 3.400 km vuông, theo ông Yang Rui, viện trưởng Viện Công viên Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, phát biểu trong một cuộc thảo luận nhóm do National Science Review tổ chức tháng 8/2022.

Để đạt được sự cân bằng giữa bảo vệ sinh thái và cải thiện sinh kế của người dân, Trung Quốc thông qua các quy định pháp lý, cho phép người dân địa phương điều hành các doanh nghiệp thân thiện với môi trường và ưu tiên trong công tác tuyển dụng kiểm lâm viên cũng như các công việc liên quan đến bảo tồn, bảo tàng và bảo vệ khu sinh thái.

Theo Bộ Sinh thái và Môi trường, tại Vườn quốc gia Tam Giang Viên, phía tây bắc tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc, hơn 17.200 người chăn nuôi gia súc địa phương được mời làm kiểm lâm viên, thu nhập các hộ gia đình của người dân hàng năm tăng trung bình 21.500 nhân dân tệ (3.082,8 USD),.

Ông Wang nói: "Việc quản lý tài nguyên thiên nhiên thông minh mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế địa phương, do công nghệ tạo ra nền tảng và duy trì du lịch thông minh. "

Những người không thể thực hiện các chuyến du lịch đến những danh lam thắng cảnh có thể bắt đầu chuyến thăm trực tuyến đến các khu vực tham quan du lịch, được bao phủ bởi các camera sử dụng tín hiệu 5G, xem những buổi phát trực tiếp về các loài động vật phổ biến và giao tiếp với nhân viên trông coi, chăm sóc các loại động vật hoang dã.

Theo CGTN