Trung Quốc tăng quy mô "thùng thuốc súng" ở cửa nhà các nước ven Biển Đông

VietTimes -- Theo báo Phượng Hoàng, trong tương lai, một khi xây dựng xong sân bay trên đá Vành Khăn, Trung Quốc sẽ sở hữu (phi pháp) 4 sân bay ở Biển Đông, hoàn toàn có thể triển khai bất hợp pháp 100 máy bay chiến đấu J-11B hoặc JH-7A.
Hình ảnh Trung Quốc ra sức tiến hành quân sự hóa phi pháp trên các đảo, đá ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Đài truyền hình Phượng Hoàng, Hồng Kông ngày 3/6/2016.
Hình ảnh Trung Quốc ra sức tiến hành quân sự hóa phi pháp trên các đảo, đá ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Đài truyền hình Phượng Hoàng, Hồng Kông ngày 3/6/2016.

Tờ Phượng Hoàng Hồng Kông ngày 3/6 cho hay, những hình ảnh vệ tinh được cộng đồng mạng đăng tải gần đây cho thấy, Trung Quốc đã triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu J-11B ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam), đồng thời đã xây dựng bất hợp pháp 22 nhà chứa máy bay đồng bộ, có điều hòa. 

Một số hình ảnh khác cho thấy, Trung Quốc cũng đã bố trí bất hợp pháp máy bay vận tải Y-7G và máy bay trực thăng Z-8S trên đảo, dùng để phối hợp với việc tìm kiếm cứu nạn trên biển và vận chuyển nhân viên ở Biển Đông.

Theo nhà quan sát quân sự được báo Phượng Hoàng trích dẫn cho biết Bắc Kinh tăng quy mô “thùng thuốc súng” ở cửa nhà các nước ven Biển Đông.

Cùng với việc Trung Quốc xây dựng đầy đủ (bất hợp pháp) các loại công trình ở đảo Phú Lâm, đảo này đã có tất cả các chức năng của tàu sân bay trên biển, thậm chí được gọi là "tàu sân bay không chìm".

“Tàu sân bay” này sẽ được Bắc Kinh sử dụng để áp đặt yêu sách bành trướng "đường lưỡi bò" vô lý, phi pháp (bài báo gọi là "lợi ích quốc gia" của Trung Quốc) ở Biển Đông.

Hình ảnh Trung Quốc ra sức tiến hành quân sự hóa phi pháp trên các đảo, đá ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Đài truyền hình Phượng Hoàng, Hồng Kông ngày 3/6/2016
Máy bay trính sát, cảnh báo sớm TQ bố trí hoạt động trên Biển Đông.

Không lâu trước, các hình ảnh được tiết lộ cho thấy, Trung Quốc đã bố trí bất hợp pháp máy bay do thám không người lái tầm xa BZK-005 ở đảo Phú Lâm. 

Do máy bay BZK-005 có thể hoạt động "siêu lâu" ở trên không và có bán kính bay "siêu dài", chuyên gia quân sự cho rằng, BZK-005 chủ yếu được dùng để do thám các tuyến đường hàng hải quan trọng và các đảo đá trên Biển Đông. 

Trước đó, báo chí nhà nước Trung Quốc công bố hình ảnh video cho thấy, Trung Quốc cũng đã bố trí bất hợp pháp tên lửa phòng không HQ-9, HQ-6 và tên lửa chống hạm YJ-62 ở đảo Phú Lâm, đã tăng mạnh khả năng "phòng không" và chống hạm ở đảo này.

Nhìn vào các loại vũ khí Bắc Kinh bố trí bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm, J-11B có thể đóng vai trò "máy bay trên tàu chiến", BZK-005 có thể đóng vai trò máy bay cảnh báo sớm, các hệ thống phòng không HQ-9, HQ-6 tương tự hệ thống phòng thủ gần của tàu sân bay. 

Trong khi đó, máy bay vận tải Y-7G và máy bay trực thăng Z-8S đóng vai trò "bảo đảm chi viện".

Kết hợp với tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa tuần tra (bất hợp pháp) ở khu vực xung quanh, có thể nói, Trung Quốc đã biến đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa (chủ quyền của Việt Nam) đã trở thành "tàu sân bay không chìm" đầu tiên do Trung Quốc xây dựng một cách bất hợp pháp ở Biển Đông.

Hình ảnh Trung Quốc ra sức tiến hành quân sự hóa phi pháp trên các đảo, đá ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Đài truyền hình Phượng Hoàng, Hồng Kông ngày 3/6/2016.
Hình ảnh Trung Quốc ra sức tiến hành quân sự hóa phi pháp trên các đảo, đá ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Đài truyền hình Phượng Hoàng, Hồng Kông ngày 3/6/2016.

Tương tự công năng của đảo Phú Lâm, Trung Quốc cũng có ý đồ biến 3 đá ngầm khác ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) thành "tàu sân bay không chìm", lần lượt là: đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu Bi. 

Thông tin công khai cho thấy, Trung Quốc đã xây dựng phi pháp nhà chứa máy bay điều hòa và đường băng sân bay ở cả đá Xu Bi và đá Chữ Thập. Trong tương lai, một khi xây dựng xong sân bay trên đá Vành Khăn, Trung Quốc sẽ sở hữu (phi pháp) 4 sân bay ở Biển Đông, hoàn toàn có thể triển khai bất hợp pháp 100 máy bay chiến đấu J-11B hoặc JH-7A.

Biển Đông đang bị Bắc Kinh ra sức tiến hành quân sự hóa, bố trí bất hợp pháp các loại vũ khí không quân với quy mô lớn trên lãnh thổ đảo đá thuộc chủ quyền của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền, an ninh của Việt Nam, đe dọa nghiêm trong hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế - PV.