Trung Quốc sẽ sở hữu 500 tàu chiến trước 2030, ông Trump đứng trước cục diện cấp bách

VietTimes -- Hải quân Mỹ cần nhiều tàu chiến hơn, cần khả năng răn đe tin cậy hơn để đối phó với các thách thức của Trung Quốc trong trật tự quốc tế ở trên biển.
Hạm đội Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Hạm đội Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)

Tờ Nhật báo phố Wall Mỹ ngày 19 tháng 1 có bài viết cho rằng chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng trước cục diện cấp bách, cần quyết định quy mô và tốc độ phát triển của Hải quân Mỹ.

Quy hoạch đóng tàu 30 năm của Hải quân Mỹ kêu gọi nâng "lực lượng chiến đấu" 273 tàu chiến hiện nay lên 308 tàu chiến. Tháng 11 năm 2016, cố vấn của ông Donald Trump đề nghị đổi mục tiêu này thành 350 tàu chiến.

Con số này khớp với đánh giá cơ cấu quân đội năm 2016 được Hải quân Mỹ hoàn thành vào tháng 12 năm 2016. Đánh giá này kêu gọi Hải quân Mỹ ít nhất cần có 355 tàu chiến.

Những đánh giá này cho thấy Mỹ thừa nhận Hải quân Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh ngang ngửa thực sự ở khu vực Ấn Độ Dương - châu Á Thái Bình Dương. Nhưng, họ không đề cập đầy đủ đến kế hoạch phát triển tương lai của Trung Quốc.

Nhìn vào tình hình đóng tàu hiện nay của Hải quân Trung Quốc, dự đoán, đến trước năm 2030, Hải quân Trung Quốc sẽ có trên 430 tàu chiến mặt nước cỡ lớn và gần 100 tàu ngầm.

Điều này có nghĩa là trong 15 năm hạm đội Trung Quốc sẽ vượt xa Hải quân Mỹ về quy mô và sức chiến đấu trong khu vực tác chiến của họ.

Trong việc đề ra kế hoạch xây dựng hạm đội Mỹ mà đánh giá thấp khả năng đóng tàu của Trung Quốc sẽ gây ra bất ổn cho khu vực này.

Tàu tấn công đổ bộ USS Essex, Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Tàu tấn công đổ bộ USS Essex, Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)

15 năm qua, Hải quân Trung Quốc được tăng cường chưa từng có, vượt xa việc xây dựng của hải quân bất cứ nước nào sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Một số người cho rằng sự tăng trưởng này đã đạt đến đỉnh điểm, nhưng trên thực tế, trong 15 năm tới, tốc độ đóng tàu của Hải quân Trung Quốc vẫn sẽ giữ ổn định.

Lịch sử đóng tàu Trung Quốc đã chứng minh cho dự đoán này. Hiện nay và trong tương lai, Hải quân Trung Quốc đều nỗ lực phát triển thành công các hệ thống vũ khí trang bị ngày càng tiên tiến, từ đó mở rộng các hành động hải quân.

Ngoài ra, phát biểu của các quan chức Trung Quốc đã xác nhận họ muốn xây dựng và sử dụng được một lực lượng hải quân hiện đại cấp độ thế giới.

Ngành đóng tàu Trung Quốc đã có được công nghệ và năng lực chế tạo tàu chiến hải quân cao cấp, bao gồm khả năng thiết kế phức tạp và kết hợp hệ thống.

Hải quân Trung Quốc có thể huy động đông đảo các cơ sở công nghiệp sản xuất tàu chiến có quy mô lớn, đồng thời có đủ dự trữ lực lượng lao động lành nghề, có thể nhanh chóng phát triển và cải thiện thiết kế tàu.

So với 10 năm trước, tốc độ chế tạo tàu chiến mặt nước cỡ lớn trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014 đã tăng hơn gấp đôi.

Tàu khu trục USS Zumwallt DDG-1000 của Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Tàu khu trục USS Zumwallt DDG-1000 của Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)

Trong thời gian đó, sự mở rộng của hạm đội Trung Quốc không thực sự nổi bật, bởi vì, cùng với việc sử dụng các tàu chiến mới, rất nhiều tàu chiến cũ của Hải quân Trung Quốc sẽ nghỉ hưu. Từ hạm đội hiện nay sẽ mở rộng đến hơn 500 tàu chiến và tàu ngầm.

Có thể dự kiến, Hải quân Trung Quốc năm 2030 không thể đánh đồng với Hải quân Trung Quốc hiện nay. Nhìn vào tốc tộ tăng sức chiến đấu 15 năm qua, chẳng hạn hoạt động tấn công cướp biển ở nước ngoài, hoạt động của tàu sân bay và hoạt động tuần tra của tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Trong tương lai, Hải quân Trung Quốc hiện diện trên toàn cầu với một số đặc điểm sau: Nhiều cụm tấn công tàu sân bay, khả năng phóng tên lửa đạn đạo tin cậy từ tàu ngầm và mạng lưới tàu chiến mặt nước.

Lực lượng bảo vệ bờ biển (cảnh sát biển) ở biển gần của Trung Quốc cũng sẽ được tăng cường, có quy mô lớn hơn, năng lực tốt hơn lực lượng bảo vệ bờ biển của phần lớn hải quân các nước, tổ chức dân quân trên biển cũng được mở rộng.

Vài tháng tới, hoạt động nghiên cứu cơ cấu hạm đội do Quốc hội Mỹ ủy thác tiến hành sẽ tiếp tục phân tích về quy mô và cơ cấu tương lai của Hải quân Mỹ. Những nghiên cứu này sẽ phân tích khả năng tăng cường nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc, đề xuất quan điểm có thể thực hiện, hình thành khả năng răn đe tin cậy.

Tàu tuần duyên USS Coronado LCS-4 Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Tàu tuần duyên USS Coronado LCS-4 Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)

Theo báo Mỹ, điều không thể nghi ngờ là, Hải quân Mỹ cần nhiều tàu chiến hơn, cần khả năng răn đe tin cậy hơn để đối phó với các thách thức của Trung Quốc trong trật tự quốc tế ở trên biển.

Chương trình mở rộng đóng tàu do chính quyền Donald Trump đề xuất cần được hai đảng (Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ) ủng hộ để bảo đảm cho Hải quân Mỹ đủ khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ trên toàn cầu.