Trung Quốc quyết 'diệt cỏ tận gốc', tái thanh tra 4 trọng điểm tham nhũng

Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban kiểm tra - kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI), tuyên bố mở đợt thanh tra lần đầu tiên trong năm 2016.
Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban kiểm tra - kỷ luật trung ương Trung Quốc
Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban kiểm tra - kỷ luật trung ương Trung Quốc

Trong bài phát biểu tại cuộc họp ngày 12.1, Bí thư Vương cho biết trọng tâm của đợt thanh tra lần này là “đưa hoạt động thanh tra đi vào chiều sâu để bắt đúng người, đúng việc. Lúc cần thiết ra “đòn hồi mã thương”, tiến hành “xem lại””.

Một tháng sau cuộc họp, tức ngày 23.2, CCDI đã công bố phân công nhân sự và địa điểm thanh tra. Theo đó, đợt thanh tra đầu tiên của năm 2016 sẽ tập trung kiểm tra tại 4 tỉnh Liêu Ninh, An Huy, Sơn Đông, Hồ Nam.

Theo giới phân tích chính trị Trung Quốc, điểm đặc biệt trong đợt thanh tra lần này chính là việc “xem lại”.

Bốn tỉnh nêu trên đều từng là những “ổ tham nhũng”, trọng điểm thanh- kiểm tra trong hai năm trước, và sau khi kết thúc thanh tra thì các tỉnh đều có quan chức cấp cao bị bắt vì tham nhũng.

Do đó, có thể thấy, việc “xem lại” và “ra đòn hồi mã thương” mà Bí thư Vương nói đến chính là phải “nhổ cỏ tận gốc”, tìm ra và xử lý những quan tham “may mắn” không bị bắt trong các đợt thanh tra trước.

Liêu Ninh: mở quỹ đen, mua quan bán chức

Từ ngày 30.3 đến 25.5.2015, đoàn thanh tra số 11 của trung ương đã đến kiểm tra Liêu Ninh.

Sau đó, trưởng đoàn Trần Thanh Lâm thay mặt đoàn thanh tra công bố kết quả điều tra, theo đó tỉnh này còn tồn tại nhiều vấn đề trong đời sống của một bộ phận lãnh đạo, trong chấp hành nguyên tắc dân chủ tập trung và trong tuyển dụng, đề bạt cán bộ.

Về vấn đề đời sống của lãnh đạo, đoàn thanh tra cáo buộc có một bộ phận lãnh đạo tỉnh can thiệp vào việc đấu thầu các công trình xây dựng và khai thác tài nguyên để trục lợi; lợi dụng các dịp lễ cưới để nhận hối lộ; chiếm dụng xe công, nhà đất; biển thủ công quỹ ăn chơi hoang phí.

Về chấp hành nguyên tắc dân chủ tập trung, tỉnh này có tồn tại việc cán bộ nịnh bợ, tạo quan hệ với lãnh đạo để “kiếm phiếu” trong bầu cử.

Về tuyển dụng và đề bạt cán bộ, tỉnh có hiện tượng mua quan bán chức, chạy chỗ làm.

An Huy: lạm quyền trục lợi, tham nhũng lan rộng

Từ ngày 31.10 đến 27.12.2013, đoàn thanh tra số 7 đã đến làm việc tại tỉnh An Huy.

Đầu năm 2014, trưởng đoàn Mã Thiết Sơn thay mặt báo cáo, theo đó có số ít lãnh đạo tỉnh lạm quyền, can thiệp vào dự án nhà đất, khai khoáng, xây dựng để trục lợi; tham nhũng lan rộng trong các cơ quan.

Nghiêm trọng hơn, ông Mã còn kết luận trong cán bộ tỉnh còn tồn tại “4 tác phong xấu” (hình thức, quan liêu, hưởng lạc, lãng phí).

Sơn Đông: “một tay che trời”, tác oai tác quái

Tỉnh Sơn Đông là đối tượng kiểm tra của đoàn thanh tra trung ương số 4 vào giữa năm 2015.

Theo báo cáo kết quả điều tra của trưởng đoàn Trương Văn Nhạc, việc xử lý tham nhũng của tỉnh còn nhiều vấn đề, có trường hợp còn nể nang nên xử nhẹ, có trường hợp truy cứu trách nhiệm không đầy đủ; có số ít cán bộ bắt tay với người nhà can thiệp vào đấu thầu giành các công trình, một số khác còn cấu kết với doanh nghiệp trục lợi hay biển thủ công quỹ.

Về tác phong làm việc, trưởng đoàn Trương phê bình nhiều lãnh đạo trong các ngành giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường nắm quá nhiều quyền trong tay nên “một tay che trời”, tác oai tác quái, tích trữ nhiều tài sản.

Hiện tượng mua quan bán chức, tiêu cực mà vẫn được thăng tiến và tồn tại, trưởng đoàn Trương cho biết.

Hồ Nam: lạm quyền, vòi tiền doanh nghiệp

Trong hai tháng cuối năm 2013, đoàn thanh tra trung ương số 10 đã đến Hồ Nam kiểm tra.

Theo báo cáo của trưởng đoàn Trần Tế Ngõa, có không ít cán bộ tỉnh này lợi dụng chức vụ tham gia làm ăn, loạn thu phí, tự ý nhận phong bì, vòi tiền doanh nghiệp, để người nhà lợi dụng ảnh hưởng của mình trục lợi trong làm ăn.

Những quan tham đã sa lưới

Sau những đợt thanh tra, 4 tỉnh trên đều có quan chức cấp cao bị sa lưới CCDI.

Theo bản tin thời sự phát ngày 27.2.2015 của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, qua 8 đợt thanh tra trong hai năm qua, CCDI đã bắt điều tra được nhiều lãnh đạo cấp cao của nhiều tỉnh, trong đó Tô Vinh, Thân Duy Thần, Châu Minh Quốc, Vạn Khánh Lương, Đỗ Thiện Học, Đàm Lực, Vũ Trường Thuận, Hàn Học Kiến, Tần Ngọc Hải, Lương Bân, Dương Vệ Trạch, Lục Vũ Thành đã bị lập án khởi tố.

Theo trangChinanews, 4 “ổ tham nhũng” kể trên cũng có quan chức bị điều tra, bao gồm Trần Thiết Tân, cựu Phó chủ tịch Chính hiệp Liêu Ninh; Hàn Tiên Thông, cựu Phó chủ tịch Chính hiệp An Huy; Vương Mẫn, cựu Bí thư thành ủy Tế Nam (Sơn Đông); Đồng Danh Kiêm và Dương Bảo Hoa, 2 cựu Phó chủ tịch Chính hiệp Hồ Nam.

Theo trang tin tỉnh An Huy, Một thế giới