Trung Quốc phao tin: “Có gần 60 nước ủng hộ lập trường trong vấn đề Biển Đông“

VietTimes -- Qua nội dung trả lời báo chí của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh tiếp tục xuyên tạc trắng trợn nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông, luôn thích tự khen mình và tìm cách gắp lửa bỏ tay người. 
Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Nguồn ảnh: Sina.
Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Nguồn ảnh: Sina.

Trang thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, ngày 14/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã trả lời phỏng vấn về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Lục Khảng nói, (VietTimes xin trích dẫn nguyên văn để dư luận nắm được giọng điệu tuyên truyền của cơ quan ngoại giao Trung Quốc): “Vấn đề Biển Đông vốn chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với vài nước xung quanh Biển Đông. Chúng tôi (Trung Quốc) chưa từng tán thành quốc tế hóa vấn đề này. 

Bất kể là Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 hay ‘tư duy song song’ giải quyết vấn đề Biển Đông do các nước ASEAN (thực ra là do Trung Quốc) đưa ra gần đây đều chủ trương tranh chấp chủ quyền các đảo đá ở Biển Đông phải do các bên đương sự trực tiếp, trên cơ sở tôn trọng sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế, giải quyết thỏa đáng thông qua đàm phán. 

Trên thực tế, cũng chính vì tuân thủ tư duy này, trong mấy chục năm qua, bất đồng ở khu vực Biển Đông được quản lý, kiểm soát, sự ổn định được bảo vệ, tự do và an toàn hàng hải và hàng không thương mại chưa từng bị bất cứ ảnh hưởng nào. 

Cục diện tốt đẹp này đáng để tất cả các nước trong và ngoài khu vực quý trọng. Các nước ngoài khu vực cần tôn trọng những nỗ lực của các nước trong khu vực. 

Tuy nhiên, mấy năm qua, có quốc gia cá biệt xuất phát từ tư lợi, bất chấp lợi ích của nhân dân các nước trong khu vực, cố tình thổi phồng và gây ra căng thẳng ở khu vực này. 

Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp đảo Phú Lâm - quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.
Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp đảo Phú Lâm - quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.

Đối với vấn đề này, không ngừng xúi giục các nước cá biệt khu vực này vi phạm cam kết, lấy danh nghĩa "bảo vệ quy tắc" để phá hoại quy tắc và pháp trị quốc tế, đồng thời làm đổi trắng thay đen, dựa vào thao túng dư luận, không ngừng bôi đen Trung Quốc. 

Trong tình hình như vậy, một số nước quan tâm và hữu nghị với Trung Quốc cũng đã tìm hiểu tình hình thực tế của Trung Quốc. Sau khi làm rõ phải trái đúng sai của sự việc, không ít quốc gia sẵn sàng bênh vực lẽ phải, chủ trì công bằng, đưa ra những tiếng nói chính nghĩa, trong đó có chính phủ Sierra Leona, Kenya và vài chục nước khác. 

Trung Quốc bày tỏ ca ngợi và cảm ơn đối với vấn đề này. Điều này cũng cho thấy, chính nghĩa được ủng hộ, công bằng tự ở lòng người. 

Tôi nghĩ rằng, trước sự thực như vậy, một số nước luôn tìm cách bôi đen Trung Quốc tốt nhất đừng tiếp tục lấy 'cộng đồng quốc tế' ra để khoe khoang. Dù sao, thao túng dư luận cũng không thể che đậy được chân tướng sự thật, 7 - 8 nước cũng không thể đại diện cho cộng đồng quốc tế.

Hiện nay, có gần 60 nước công khai bày tỏ ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”. 


Trung Quốc tổ chức tập trận tự do đối kháng tàu ngầm ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Trung Quốc tổ chức tập trận tự do đối kháng tàu ngầm ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Như vậy, qua nội dung trả lời báo chí của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh tiếp tục xuyên tạc trắng trợn nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông, luôn thích tự khen mình và tìm cách gắp lửa bỏ tay người. 

Bắc Kinh đang thực sự lo sợ quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, tiếp tục chủ trương “đàm phán song phương” để giải quyết tranh chấp chủ quyền. Vụ kiện Biển Đông của Philippines không thuộc loại tranh chấp này, nhưng Bắc Kinh lại cố tình gán ghép để không thực hiện nghĩa vụ thực thi luật pháp quốc tế. 

Bắc Kinh nói “tôn trọng sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế” chỉ là “bề ngoài thơn thớt nói cười”, còn sự thực lịch sử là Trung Quốc vẽ bậy ra “đường lưỡi bò” (đường chín đoạn) ở Biển Đông, dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhảy vào tranh chấp, trở thành nhân tố chủ yếu gây ra tranh chấp Biển Đông hiện nay. 

a
Trung Quốc tổ chức tập trận tự do đối kháng tàu ngầm ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Trung Quốc tuyên bố tuân thủ DOC, nhưng các hoạt động xây đảo nhân tạo, quân sự hóa quy mô lớn Biển Đông do Bắc Kinh tiến hành đã phá nát DOC, cản trở tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, gây quan ngại cho cả thế giới. 

Trong khi cộng đồng ASEAN kêu gọi nhanh chóng xây dựng COC, nhưng Bắc Kinh lại tìm cách trì hoãn. 

Trung Quốc thường tuyên bố các hoạt động xây dựng và quân sự hóa của họ ở Biển Đông không ảnh hưởng gì tới tự do và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, nhưng sự thực lại trái ngược và bị cộng đồng quốc tế vạch trần.

Trong đó, đáng lưu ý là, Bắc Kinh đang cản trở ngư dân các nước xung quanh Biển Đông đến ngư trường truyền thống của họ, đe dọa các tàu thuyền, máy bay các nước ở Biển Đông, dùng thủ đoạn chính trị để cản trở thương mại hợp pháp (đất hiếm, chuối) với các nước láng giềng…

Chẳng nước nào xung quanh Biển Đông thổi phồng căng thẳng, cậy bé mà bắt nạt lớn như Trung Quốc tuyên truyền xuyên tạc. Chủ quyền và các quyền lợi chủ quyền của các nước xung quanh Biển Đông không thể để cho Trung Quốc tùy ý xâm phạm, thích xâu xé kiểu gì cũng được. 

Tàu khu trục Hợp Phì Type 052D Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành săn ngầm ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Chinatimes.
Tàu khu trục Hợp Phì Type 052D Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành săn ngầm ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Chinatimes.

Xuất phát từ ý đồ độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà, Bắc Kinh mới là người tìm cách thao túng dư luận, ra sức tuyên truyền xuyên tạc, đánh tráo khái niệm, đổi trắng thay đen. Bắc Kinh tuyên bố có gần 60 ủng hộ, nhưng sự thực không phải như vậy, một số nước đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố sai trái của Bắc Kinh. 

Trung Quốc cần từ bỏ yêu sách bành trướng “đường lưỡi bò” vô lý, phi pháp ở Biển Đông, chấm dứt quân sự hóa Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, quay đầu là bờ, tránh gây căng thẳng, xung đột, chiến tranh, tự bảo vệ lấy mình và bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. 

Điều trước tiên là Bắc Kinh cần phải thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines, để thấy rằng, họ xứng đáng là nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

 Cuối cùng cần nhắc lại với cơ quan ngoại giao, dư luận Trung Quốc rằng, ngày 11/6, báo Tin Tức của TTXVN đã trích dẫn báo cáo của trang The Diplomat của Nhật Bản cho biết, tính cho đến nay, chỉ có rất ít các quốc gia trên thế giới công khai ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ gây tranh cãi ở Biển Đông trong số này gồm: Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Sudan, Belarus và Afghanistan.

Báo của Nhật Bản đã đưa thông tin nhằm phản bác tuyên bố của bà Hoa Xuân Oánh - Người phát ngôn của cơ quan ngoại giao Trung Quốc đưa ra hồi tháng 5 vừa qua khi đó nói rằng "hơn 40 quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông". - PV