Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ sau khi Tổng thống Trump ký duyệt đạo luật về Hong Kong

VietTimes -- Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn dự luật giúp Washington thực thi hành động ngoại giao và áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với Hong Kong, Trung Quốc đã lập tức đưa ra phản ứng mạnh mẽ của mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: SCMP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: SCMP)

“Đạo luật nhân quyền và dân chủ Hong Kong tái xác nhận và sửa đổi Đạo luật Chính sách Mỹ-Hong Kong năm 1992, làm rõ chính sách của Mỹ đối với Hong Kong và đưa ra đánh giá về diễn biến chính trị ở Hong Kong” – Nhà Trắng nói trong một tuyên bố.

Từ khi chưa được Tổng thống Trump đặt bút ký thì đạo luật này đã vấp phải chỉ trích kịch liệt từ phía chính phủ Trung Quốc. Hôm đầu tuần này, chính quyền Bắc Kinh đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad để cảnh báo rằng việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về Hong Kong hồi tuần trước là hành động “can thiệp” vào vấn đề nội bộ của họ và sẽ gây ra “nhiều hậu quả”.

Tổng thống Trump ngoài ra còn ký Đạo luật bảo vệ Hong Kong, trong đó cấm bán một số loại đạn dược của Mỹ như đạn hơi cay và đạn cao su cho chính quyền thành phố này.

“Tôi ký duyệt các dự luật trên dựa trên sự tôn trọng đối với Chủ tịch Tập, Trung Quốc và người dân Hong Kong” – ông Trump nói, theo thông cáo của Nhà Trắng – “Chúng được thực thi với hy vọng rằng các lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc, Hong Kong giải quyết sự khác biệt giữa họ một cách thân thiện, hướng tới hòa bình và sự thịnh vượng bền vững”.

Việc ông Branstad được triệu tập bởi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang (Zheng Zeguang) là lần thứ 3 mà Bắc Kinh thể hiện quan điểm phản đối mạnh mẽ trước dự luật trên chỉ trong vòng 1 tuần.

“Mỹ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước tất cả hậu quả bắt nguồn từ dự luật này” – Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố sau cuộc gặp với ông Branstad hôm đầu tuần.

Đạo luật mới sẽ cho phép Washington ngừng áp dụng quy chế thương mại đặc biệt đối với Hong Kong dựa trên đánh giá thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về sự độc lập của thành phố này đối với chính quyền Bắc Kinh. Nó cũng cho phép Bộ Ngoại giao Mỹ áp lệnh trừng phạt những người mà cơ quan này cho là chịu trách nhiệm trước các hành động gây ảnh hưởng tới sự độc lập của Hong Kong với Bắc Kinh, và chỉ đạo các quan chức không cấp thị thực cho các cá nhân thực hiện các vụ bắt giữ “có động cơ chính trị” ở thành phố này.

Người đưa ra dự luật trên, thượng nghị sĩ Marco Rubio, nói rằng bằng việc phê chuẩn dự luật này, Mỹ giờ đã có “những công cụ mới và có ý nghĩa để ngăn chặn tầm ảnh hưởng cùng sự can thiệp của Bắc Kinh đối với vấn đề nội bộ của Hong Kong”.

Theo quy định pháp luật Mỹ, Bộ Thương mại nước này có 180 ngày để đưa ra một bản báo cáo để xem liệu chính phủ Trung Quốc có lợi dụng quy chế thương mại đặc biệt của Hong Kong để nhập khẩu các công nghệ có thể sử dụng cho nhiều mục đích (dual-use), vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ hay không. Được biết, công nghệ được coi là dual-use nếu chúng có thể ứng dụng trong cả thương mại và quân sự.

Đạo luật mới quy định rằng Bộ Thương mại, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ, phải đưa ra báo cáo thường niên về kiểm soát xuất khẩu trong vòng ít nhất là 7 năm.

Việc ông Trump ký phê chuẩn dự luật xuất hiện trong giai đoạn Hong Kong trải qua khủng hoảng chính trị chưa từng thấy, khi mà làn sóng biểu tình kéo dài suốt 6 tháng qua. Động thái trên cũng xuất hiện sau khi các ứng viên dân chủ ở Hong Kong giành chiến thắng lớn trong kỳ bầu cử tổ chức hôm Chủ nhật tuần trước, chiếm 17/18 hội đồng quận.

“Tiếp sau kỳ bầu cử lịch sử hồi cuối tuần trước ở Hong Kong, đạo luật mới được đưa ra không thể đúng thời điểm hơn, nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với sự tự do của người dân Hong Kong” – ông Rubio nói.

Một điều trong Đạo luật Nhân quyền Hong Kong của Mỹ cũng nhắm vào các hãng truyền thông có liên hệ với chính phủ Trung Quốc.

Đạo luật mới quy định Ngoại trưởng Mỹ phải “thông báo rõ ràng cho chính phủ Trung Quốc rằng việc sử dụng các hãng truyền thông để phát tán thông tin sai lệch hay đe dọa những người mà họ coi là kẻ địch ở Hong Kong hay các nước khác là điều không thể chấp nhận”.

Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ lưu ý những hành động như trên “trong lúc cấp thị thực du lịch và làm việc ở nước Mỹ đối với các nhà báo đến từ Trung Quốc, những người có liên quan tới các tổ chức truyền thông nói trên”; theo đạo luật.

(Theo SCMP)