Trung Quốc “nói kháy” Mỹ: Mang ôxy, đừng mang chiến tranh tới khu vực

VietTimes -- “Mỹ nói an ninh là khí ôxy, nhưng Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể học từ lịch sử và chỉ cung cấp ôxy chứ không phải chiến tranh cho khu vực”, Quan Hữu Phi mỉa mai về phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter tại Đối thoại Shangri - La.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ luôn thường trực tại các điểm nóng
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ luôn thường trực tại các điểm nóng

Mỹ muốn xây dựng một hệ thống nguyên tắc an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và kêu gọi Trung Quốc giữ vai trò có trách nhiệm trong đó, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh tại Đối thoại Shangri-La hôm 4/6, South China Morning Post đưa tin.

“An ninh cũng như khí ôxy. Khi bạn có đủ dưỡng khí, bạn không chú ý đến nó. Nhưng khi bạn không có đủ, bạn sẽ không thể nghĩ tới bất cứ điều gì khác. Trong những năm sắp tới đây, chúng tôi tiếp tục hiện thực hóa tương lai mang tính nguyên tắc sáng sủa này, cung cấp dưỡng khí ôxy cho khu vực sẽ ngày càng trở nên một nỗ lực mang tính hệ thống”, ông Carter nói.

Ông Carter cũng nói Mỹ muốn thiết lập quan hệ sâu sắc hơn với Trung Quốc, bất chấp những khác biệt và cho biết ông đã có kế hoạch thăm Bắc Kinh hồi cuối năm 2015. Ông nói thêm rằng Mỹ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á sẽ nhóm họp tại Lào vào tháng 11 năm nay, tiếp nối những cam kết đã đạt được giữa Mỹ và ASEAN tại thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Sunnylands hồi tháng 2/2016.

Tuy nhiên, ông Carter cũng nói rằng hệ thống do Mỹ lãnh đạo không có nghĩa là loại trừ Trung Quốc. “Mỹ hoan nghênh một nước Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, ổn định và thịnh vượng, đóng một vai trò có trách nhiệm trong hệ thống nguyên tắc an ninh khu vực”.

Nhưng ông cũng lên án những hành động hung hăng và gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Carter thúc giục Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an ninh chung nếu không sẽ tự dựng lên "Bức trường thành tự cô lập".

Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã khiến phía Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh đã có phản ứng ngay lập tức sau tuyên bố nói trên của ông Carter, qua lời Quan Hữu Phi, đặc trách đối ngoại Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, cho rằng đó là những lời lẽ phản ánh «tâm lý thời Chiến tranh lạnh».

Phát biểu trên kênh truyền hình CCTV, Quan Hữu Phi cho rằng cáo buộc của Mỹ về việc Trung Quốc tự cô lập là một sự bịa đặt và chính Mỹ đang tìm cách cô lập Trung Quốc. Quan còn chỉ ra rằng ông Carter đã 30 lần nhắc tới từ “nguyên tắc” trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La.

“Mỹ nói an ninh là khí ôxy, nhưng Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể học từ lịch sử và chỉ cung cấp ôxy chứ không phải chiến tranh cho khu vực”, Quan Hữu Phi mỉa mai về phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter cùng hai người đồng nhiệm Nhật Bản Gen Nakatani và Hàn Quốc Han Minkoo tại Đối thoại Shanggri-La
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter cùng hai người đồng nhiệm Nhật Bản Gen Nakatani và Hàn Quốc Han Minkoo tại Đối thoại Shangri-La 2016

Wang Yiwei, chuyên gia về Mỹ tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng phát biểu của ông Carter cổ súy cả quan hệ song phương và đa phương với các nước ASEAN là động thái mới nhất của Washington hòng cô lập sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La Tôn Kiến Quốc tuyên bố bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc cũng sẽ thất bại. Trong khi Reuteurs cho biết, lãnh đạo các nước trong khu vực đều bày tỏ lo ngại trước những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông.

Chuyên gia Trung Quốc Giả Khánh Quốc phát biểu sáng 4/6, cáo buộc rằng chính nước Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, đã làm cho căng thẳng leo thang qua việc đưa máy bay quân sự và chiến hạm tiến vào khu vực gần lãnh thổ của các nước khác dưới danh nghĩa “tự do hàng hải.”

Ông Giả cũng nói rằng vụ tranh chấp Biển Đông đã bị thổi phồng quá độ và nêu câu hỏi với ông Carter là “Tại sao lại tập trung chú ý vào Trung Quốc” trong lúc các nước khác cũng có những hoạt động lấp biển lấy đất tại những hòn đảo có tranh chấp? Bộ trưởng Carter đáp rằng Trung Quốc thực hiện những hành động khiêu khích này nhiều hơn bất kỳ nước nào khác cho nên Trung Quốc đã trở thành trọng tâm chú ý.

Nữ thiếu tướng Diêu Vân Trúc của quân đội Trung Quốc ngày 4/6 cũng lên tiếng chỉ trích các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông. Nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Quân sự của Quân đội Trung Quốc nói rằng những hành động đó của Mỹ có thể được diễn giải là “chuẩn bị chiến trường”.

Bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói một phản ứng có thể có của Washington là công khai tuyên bố hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines không có giới hạn địa lý cho nên “nếu các lực lượng hoặc tài sản của  Philippines bị tấn công ở bất cứ nơi nào, Mỹ đều có bổn phận giúp đỡ.”

Cuộc hội thảo an ninh ở Singapore diễn ra trong lúc Toà án Trọng tài Quốc tế chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Đến nay, Bắc Kinh vẫn một mực tuyên bố không bị ràng buộc bởi phán quyết của toà án ở La Haye và xem tiến trình này là bất hợp pháp.

Bộ trưởng Carter quả quyết rằng lập trường của Trung Quốc và kêu gọi Trung Quốc tôn trong luật pháp quốc tế và tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế tại The Hague trong vụ kiện “đường lưỡi bò” của Philippines. Ông nêu rõ hiện nay là cơ hội lớn cho Trung Quốc và phần còn lại của khu vực xem xét lại một tương lai dựa trên nguyên tắc, xây dựng lại đường lối ngoại giao và giảm bớt căng thẳng thay vì leo thang.

Nhật Bản đã lên tiếng ủng hộ chủ trương của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani phát biểu tại hội nghị rằng “Tất cả phán quyết hoặc quyết định của các toà án liên hệ phải được tuân hành đầy đủ bởi tất các các nước có yêu sách chủ quyền, phù hợp với luật pháp quốc tế”.