Trung Quốc ngang ngược nói về khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông

Bất chấp sự phản đối của quốc tế, ngày 7/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn tuyên bố sai trái rằng nước này không loại trừ khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển tranh chấp và các đảo ở Biển Đông.
Đá Chữ Thập đã được Trung Quốc ồ ạt cải tạo, mở rộng thành đảo có diện tích lớn nhất tại Trường Sa
Đá Chữ Thập đã được Trung Quốc ồ ạt cải tạo, mở rộng thành đảo có diện tích lớn nhất tại Trường Sa

Đài Bắc Kinh dẫn lời bà này nói "vấn đề thiết lập một ADIZ phụ thuộc vào tình huống xuất hiện nguy cơ đe dọa nào đó cũng như nhiều yếu tố khác cần phải được tính đến."

Trước đó cùng ngày, giới chức quân đội Philippines đã nhắc đến việc Trung Quốc dự định thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear ngày 15/4 cho rằng Trung Quốc đang có những hành vi “hung hăng” tại Biển Đông, với mục tiêu là thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), tương tự như Trung Quốc đã làm trên Biển Hoa Đông.

Trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Đô đốc Locklear đã nêu bật các hoạt động cải tạo đất, xây dựng cơ sở của Trung Quốc tại tám nơi được ông gọi là tiền đồn của Bắc Kinh ở cả hai vùng Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Tại Trường Sa, đó là những công trình bồi đắp quy mô lớn, còn tại Hoàng Sa là việc nâng cấp các cơ sở có sẵn.

Hồi tháng 11/2013, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đơn phương công bố thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông, bao trùm cả không phận trên quần đảo Điếu Ngư (Senkaku), vốn là chủ đề của cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Vừa qua, các báo lớn như Tấm gương (Der Spiegel) của Đức, Le Figaro của Pháp, kênh truyền hình uy tín N-TV của Đức đã đăng bài viết nhấn mạnh việc Trung Quốc xây đường băng trên đảo nhân tạo ở Biển Đông là “cao trào mới” trong tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Dẫn phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, các trang tin châu Âu tỏ ra đặc biệt quan ngại trước việc Trung Quốc tiến hành xây dựng, mở rộng các đảo, bãi đá chiếm đóng phục vụ mục đích quân sự cũng như phá vỡ nguyên trạng, tạo “sự đã rồi” tại Biển Đông.

Kết thúc chuyến thăm 4 ngày đến Việt Nam, Hạ nghị sĩ Mỹ Matt Salmon cho rằng cần có sự phối hợp quốc tế để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông, và rằng Mỹ đang tham vấn các nước trong khu vực để có tiếng nói thống nhất, rõ ràng và mạnh mẽ về vấn đề này.

Ông Matt Salmon, Chủ tịch Tiểu ban châu Á Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cùng hai Hạ nghị sĩ Alan Lowenthal và Tom Emmer có cuộc gặp hẹp với các phóng viên Việt Nam vào sáng 6/5 tại Hà Nội.

Ông Matt Salmon, Chủ tịch Tiểu ban châu Á Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho biết ông là người người bảo trợ cho một nghị quyết về biển Đông của Quốc hội Mỹ. “Tôi dự định tổ chức một phiên điều trần về nghị quyết đó sau khi trở về từ chuyến thăm này”, ông Salmon nói. Hạ nghị sĩ Mỹ cho biết trong cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam hôm 5/5, ông đã bày tỏ “quan quan ngại về các tranh chấp hàng hải và tranh chấp về đánh bắt cá, và sự hung hăng, hiếu chiến như vậy của Trung Quốc là không thể chấp nhận được”.

Trả lời câu hỏi Mỹ sẽ có hành động gì ngoài những tuyên bố và nghị quyết phản đối nếu Trung Quốc tiếp tục các hoạt động cải tạo và xây dựng cơ sở trên khu vực tranh chấp thuộc biển Đông, ông Salmon nói rằng chúng ta cần có một tiếng nói, quan điểm nhất quán trong vấn đề này. Đây không phải vấn đề riêng của Mỹ, nên Washington sẽ tham vấn các nước khác trong khu vực để có tiếng nói chung rõ ràng và mạnh mẽ.

“Sẽ không khôn ngoan nếu tôi nêu ra tất cả sự lựa chọn vào thời điểm này. Hiện nay, Mỹ đang tham vấn vói các nước liên quan. Mỗi nước đều có quan ngại riêng của họ. Nhưng tôi khẳng định đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ không chỉ bàn bạc trong Quốc hội mà sẽ có sức ép lên nhánh hành pháp, tức chính quyền Mỹ, để đưa ra những quan điểm mạnh mẽ và rõ ràng”, ông Salmon nói. 

Máy bay Trung Quốc dọa không quân Philippines

Trung Quốc ít nhất 6 lần cảnh cáo lực lượng không quân và máy bay hải quân Philippines phải rời khỏi khu vực tranh chấp trên biển Đông, Phó Đô đốc Philippines Alexander Lopez phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm qua, nhưng không nêu cụ thể thời gian. “Khi chúng tôi đang tiến hành các hoạt động tuần tra thông thường trên không và trong không phận quốc tế, máy bay không quân của chúng tôi nhận được lời thách thức qua radio. Những người Trung Quốc đó nói rằng máy bay của chúng tôi đang bay trên vùng an ninh quân sự của họ”, ông Lopez nói. Trung Quốc triển khai các tàu hải quân và tàu tuần duyên đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiếm khi đưa máy bay tới vì khoảng cách xa với đất liền. Các chuyên gia cho rằng có thể Trung Quốc đang “kiểm tra” để xem họ có thể áp đặt một vùng nhận dạng phòng không trên quần đảo Trường Sa hay không.

Theo: Vietnam+, QPAN