Trung Quốc: Mỹ triển khai hơn 300.000 quân ở 150 quốc gia trên thế giới

VietTimes -- Báo cáo đánh giá sức mạnh quân sự Mỹ năm 2016 của Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc cho rằng Mỹ là quốc gia triển khai binh lực ở nước ngoài nhiều nhất, phạm vi triển khai rộng nhất trên phạm vi toàn cầu.
Mỹ đã triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35 ở khu vực Đông Bắc Á. Ảnh: Sina
Mỹ đã triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35 ở khu vực Đông Bắc Á. Ảnh: Sina

Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 25/8 dẫn Báo cáo đánh giá sức mạnh quân sự Mỹ năm 2016 cho rằng theo thống kê không đầy đủ, hiện nay, tổng binh lực quân đội Mỹ triển khai ở 150 nước trên 5 châu lục vượt 300.000 quân.

Những lực lượng này dùng để bảo vệ lãnh sự quán Mỹ ở nước ngoài, răn đe các đối thủ an ninh chủ yếu, bảo vệ lợi ích của Mỹ ở các khu vực, tiến hành các nhiệm vụ như chống khủng bố, gìn giữ hòa bình, chống ma túy.

Báo cáo còn làm rõ chi tiết tình hình triển khai của quân đội Mỹ ở nước ngoài. Lục quân Mỹ có gần 180.000 quân đóng ở nước ngoài. Trong đó, lực lượng lục quân trực thuộc Bộ Tư lệnh miền Bắc (phụ trách Bắc Mỹ và Bắc Cực) có 26.000 quân, chủ yếu đóng ở biên giới Mỹ - Mexico và Mỹ - Canada, cùng quân đội Canada thực hiện hành động liên hợp, đồng thời là lực lượng dự bị tác chiến ở nước ngoài của Mỹ.

Lực lượng lục quân thuộc Bộ Tư lệnh miền Nam (chủ yếu phụ trách Mỹ Latinh) có 4.000 quân, chủ yếu đóng ở căn cứ không quân Soto Cano ở Honduras và căn cứ hải quân Guantanamo ở Cuba, duy trì khả năng can dự của Mỹ đối với các vấn đề của Mỹ Latinh và là điểm tựa chiến lược khu vực của Mỹ.

Binh sĩ Lục quân Mỹ. Ảnh: Sohu
Binh sĩ Lục quân Mỹ. Ảnh: Sohu

Ngoài ra Mỹ còn điều lực lượng tham gia các chiến dịch chống ma túy của các nước như Mexico, Colombia, Peru. Mỹ điều quân đến các nước này theo phương thức đóng quân luân phiên, huấn luyện quân sự, tập trận định kỳ.

Lực lượng lục quân của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương có 75.000 quân, chủ yếu đóng ở các căn cứ Yongsan, Daegu, Busan của Hàn Quốc và các căn cứ Yokota, Okinawa và Zama của Nhật Bản. Ngoài ra, Mỹ còn đóng quân ở Thái Lan, Singapore và Australia.

Lục quân của Bộ Tư lệnh Trung tâm có 40.000 quân, chủ yếu đóng ở các nước như Afghanistan, Iraq, Syria, tấn công các tổ chức khủng bố tại đó như Taliban, Al Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS), huấn luyện cho quân đội chính phủ Afghanistan, Iraq.

Lục quân của Bộ Tư lệnh châu Âu có 34.000 quân, chủ yếu đóng ở Đức và Italia. Lục quân của Bộ Tư lệnh châu Phi có 8.000 quân, phân tán ở gần 60 "điểm hợp tác an ninh" của 34 quốc gia châu Phi.

Hải quân Mỹ duy trì 1/3 tàu tuần tra ở các tuyến đường hàng hải quốc tế. Trong đó, ở Thái Bình Dương có 54 tàu (bao gồm 2 tàu sân bay và 1 lực lượng tác chiến đổ bộ), ở Đại Tây Dương có 13 tàu, ở Ấn Độ Dương và biển Ả rập có 24 tàu (bao gồm 1 tàu sân bay và 1 lực lượng tác chiến đổ bộ).

Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer Mỹ triển khai ở Guam. Ảnh: People.
Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer Mỹ triển khai ở Guam. Ảnh: People.

Không quân Mỹ có 20.000 quân đóng lâu dài ở nước ngoài, ngoài ra còn có 80.000 quân đóng luân phiên ở nước ngoài, chiếm 1/3 tổng binh lực. Mỹ có các căn cứ không quân quy mô tương đối lớn ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Afghanistan, Bahrain.

Ngoài ra, Mỹ còn thực hiện "hành động quân sự ở nước ngoài" tại các nước như Djibouti, Bulgaria, Estonia, Ba Lan, Romania, Lithuania, trong đó Djibouti trở thành căn cứ chủ yếu để quân đội Mỹ phát động không kích bằng máy bay không người lái ở Trung Đông.

Báo cáo của Trung Quốc cho rằng, Mỹ thông qua các chiến lược như chống khủng bố, quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương, tiếp tục gia tăng hiện diện quân sự ở nước ngoài đã "phần nào đã làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng quốc tế".

Hải quân Mỹ đã biên chế tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald Ford. Ảnh: The Financial Express.
Hải quân Mỹ đã biên chế tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald Ford. Ảnh: The Financial Express.