Trung Quốc: Mỹ hành động không xứng với một “siêu cường“

VietTimes -- Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ vị thế của mình tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trung Quốc cho rằng việc Mỹ cố gây tầm ảnh hưởng cho tổ chức này là không xứng với một siêu cường.
Các nhân viên chuẩn bị cho cuộc gặp song phương Mỹ-Trung bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Osaka, Nhật Bản hôm 29/6 (Ảnh: AFP)
Các nhân viên chuẩn bị cho cuộc gặp song phương Mỹ-Trung bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Osaka, Nhật Bản hôm 29/6 (Ảnh: AFP)

Hôm đầu tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ trích việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi đơn tới WTO cáo buộc nhiều nước - trong đó có Trung Quốc - duy trì hiện trạng là một "quốc gia đang phát triển" để "được hưởng nhiều lợi ích đi kèm và tìm kiếm các cam kết yếu hơn các cam kết mà các thành viên WTO khác đưa ra". Phát biểu trước báo giới, bà Hoa Xuân Oánh cho rằng "ý chí chung của tất cả các thành viên nên được tôn trọng", chứ không riêng gì của Washington. Bà cho rằng Mỹ đang cố gắng áp đặt ý chí của họ cho các thành viên khác, không giống như Bắc Kinh.

"Với tư cách quốc gia đang phát triển lớn nhất và khẳng định vị thế một nước đang phát triển, Trung Quốc không có ý định chối bỏ trách nhiệm quốc tế của mình. Trên thực tế, Trung Quốc đang thực hiện quyền căn bản của một nước đang phát triển, đó là một hành động công bằng" - bà Hoa Xuân Oánh nói, cam kết rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng góp hết khả năng và hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển khác, duy trì hệ thống thương mại đa phương và hướng tới cải cách WTO theo đúng hướng.

"Khi các bạn nghe những ngôn từ mà Mỹ đưa ra về hiện trạng của các nước đang phát triển trong WTO, tôi tin rằng các bạn cũng cảm thấy tương tự như tôi" - bà Hoa nói - "Chúng cho thấy họ là một quốc gia ngạo mạn, ích kỷ và thất thường đến thế nào. Đó không phải hành vi của "siêu cường lớn nhất thế giới". Có một câu nói nổi tiếng ở Trung Quốc thế này: Đừng làm giống Mỹ".

Được biết, các quốc gia tuyên bố "hiện trạng là nước đang phát triển" trong WTO nhận được một số lợi ích như "giai đoạn chuyển tiếp dài hơn trước khi họ được yêu cầu thực thi thỏa thuận một cách toàn diện và nhận được "sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật" - theo website chính thức của WTO.

Biên bản ghi nhớ của Tổng thống Trump, công bố hôm thứ Sáu tuần trước, cho rằng: "Khi các nền kinh tế lớn nhất tuyên bố hiện trạng là nước đang phát triển, họ gây tổn hại không chỉ tới cấc nền kinh tế đã phát triển mà còn đối với cả các nền kinh tế đang thực sự cần được ứng xử đặc biệt", và rằng Trung Quốc là một ví dụ điển hình trong vấn đề trên.

"Kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2001, Trung Quốc vẫn khẳng định rằng họ là một quốc gia đang phát triển và bởi vậy né tránh được các quy định mới của WTO" - biên bản ghi nhớ có đoạn - "Mỹ chưa bao giờ công nhận Trung Quốc là một nước đang phát triển".

Trung Quốc hiện là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới với GDP 13,6 nghìn tỷ USD, chỉ sau mức GDP 20,5 nghìn tỷ USD của Mỹ - theo con số mới nhất mà World Bank công bố. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ ở mức 18.200 USD, so với mức 62.600 USD của Mỹ.

Các quốc gia đang phát triển khác mà biên bản ghi nhớ của Nhà Trắng đề cập tới còn bao gồm Brunei, Hong Kong, Kuwait, Macau, Qatar, Singapore và UAE - tất cả đều có GDP bình quân đầu người cao hơn của Mỹ. Danh sách của Nhà Trắng còn có Mexico, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ - các thành viên của cả G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Sau khi có biên bản ghi nhớ này, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cần phải báo cáo với ông Trump trong vòng 60 ngày về tiến trình trong việc thay đổi định nghĩa của EETO về "các quốc gia đang phát triển". Nếu "không đạt được tiến trình cụ thể" trong vòng 90 ngày, Nhà Trắng có thể đơn phương quyết định về các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Theo Newsweek