Trung Quốc một tháng nhận 3 thất bại lớn về hàng không vũ trụ, vì sao?

VietTimes -- Từ xưa đến nay ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc luôn nổi tiếng bởi sự ổn định, nhưng từ khi bước vào năm 2020, đã phải chịu 3 thất bại lớn liên tiếp chỉ trong vòng chưa đầy 30 ngày, điều này đã gây nên sự chú ý của quốc tế.
Trong vòng chưa đầy 1 tháng, Trung Quốc phải chịu 3 sự cố về hàng không vũ trụ khiến dư luận đặt câu hỏi về nguyên nhân các vụ việc.Trong ảnh: vụ phóng tên lửa CZ-7A bị thất bại hôm 16/3 (Ảnh: Tân Hoa xã)
Trong vòng chưa đầy 1 tháng, Trung Quốc phải chịu 3 sự cố về hàng không vũ trụ khiến dư luận đặt câu hỏi về nguyên nhân các vụ việc.Trong ảnh: vụ phóng tên lửa CZ-7A bị thất bại hôm 16/3 (Ảnh: Tân Hoa xã)

Vào ngày 16/3, tên lửa mang tên Trường Chinh - 7A (CZ-7A) được cải tiến từ loại CZ-7 của Trung Quốc đã phóng thất bại tại bãi phóng Văn Xương ngay trong lần phóng đầu tiên. Sau đó 24 ngày, tối 9/4, tên lửa mang Trường Chinh - 3B (CZ-3B) chở theo vệ tinh thông tin PALAPA-N1 của Indonesia cũng đã không thể bay vào quỹ đạo thành công, nó đã bị nổ chỉ 50 giây sau khi rời bệ phóng ở bãi phóng Tây Xương, cả tên lửa lẫn vệ tinh đều bị phá hủy và rơi xuống đất, trở thành vụ phóng vệ tinh thất bại thứ hai trong năm nay.

Ngoài ra, vào ngày 24/3, vệ tinh Venesat - 1 của Venezuela bất ngờ thất bại, bị vô hiệu trong không gian. Vệ tinh này được Trung Quốc phát triển và được tên lửa mang CZ-3B đưa vào quỹ đạo hồi năm 2008 với tuổi thọ dự kiến là 15 năm. Tuy nhiên nó đã bị chệch khỏi quỹ đạo và ngừng hoạt động 3 năm trước khi đáo hạn vào năm 2023.

Hai lần phóng vệ tinh không thành công và một vệ tinh không đạt được tuổi thọ như dự kiến chỉ trong vòng 1 tháng, khiến ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc đột nhiên bị mây đen bao phủ.

CZ-7 là thế hệ mới nhất của loại tên lửa mang sử dụng nhiên liệu lỏng được phát triển bởi Dự án phóng tàu vũ trụ có người lái của Trung Quốc; tiền thân của nó là tên lửa mang CZ-2F. Dự án chế tạo CZ-7 được khởi động vào tháng 1/2011, đã thực hiện cuộc phóng đầu tiên vào ngày 25/6/2016 và lần này là lần thứ hai.

Tên lửa CZ-3B bị nổ cùng vệ tinh PALAPA-N1 của Indonesia hôm 9/4 (Ảnh Đa Chiều).
Tên lửa CZ-3B bị nổ cùng vệ tinh PALAPA-N1 của Indonesia hôm 9/4 (Ảnh Đa Chiều).

Loại tên lửa này sử dụng cấu hình “hai tầng rưỡi”. Tổng chiều dài của phần thân tên lửa là 53,1 mét, đường kính tầng lõi là 3,35 mét với bốn ống phóng trợ lực có đường kính 2,25 mét được bó lại. Khả năng mang tải lên quỹ đạo gần Trái đất của nó không dưới 14 tấn, khả năng mang lên quỹ đạo đồng bộ mặt trời đạt 5,5 tấn. Theo lịch trình, đến năm 2021, khi các công nghệ của tên lửa CZ-7 trở nên thành thục và ổn định, nó sẽ dần thay thế các serie CZ-2, CZ-3 và CZ-4 hiện tại của Trung Quốc để thực hiện khoảng 80% nhiệm vụ phóng không gian của Trung Quốc.

Mặc dù tên lửa phóng lần này cũng là CZ-7, nhưng nó là tên lửa cải tiến CZ-7A, có hệ thống động cơ bên trong đã được thay thế hoàn toàn và là chuyến bay đầu tiên của loại tên lửa mới.

Hiện chưa rõ liệu lần phóng loại tên lửa mới nhất của Trung Quốc thất bại có ảnh hưởng đến các kế hoạch phóng khác trong năm nay hay không. Tuy nhiên, sự thất bại của vụ phóng tên lửa CZ-3B chắc chắn sẽ khiến các quốc gia khác đặt câu hỏi về khả năng phóng vật thể lên không gian của Trung Quốc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc mở rộng các sản phẩm không gian của Trung Quốc ra thị trường nước ngoài.

Vệ tinh Venesat-1 của Indonesia bị chệch khỏi quỹ đạo và ngừng hoạt động hôm 24/3 trước 3 năm so với kế hoạch (Ảnh: cgwic.com)
Vệ tinh Venesat-1 của Indonesia bị chệch khỏi quỹ đạo và ngừng hoạt động hôm 24/3 trước 3 năm so với kế hoạch (Ảnh: cgwic.com)

So với thế hệ CZ-7 mới nhất, loại tên lửa CZ-3B công nghệ thành thục hơn, nhưng lần phóng mới nhất bị thất bại, khiến quốc tế quan tâm hơn. Là tên lửa chính của Trung Quốc cho các vụ phóng vệ tinh thương mại, CZ-3B đã thực hiện tổng cộng 67 lần phóng trong quá khứ, chỉ có 2 lần thất bại là lần phóng đầu tiên và lần này. Tuy cũng có hai lần khác không hoàn toàn thành công, nhưng vệ tinh vẫn có thể đặt được vào quỹ đạo như dự kiến.

Vì vậy, tỷ lệ thành công của tên lửa CZ-3B vẫn rất cao, lên tới 94%, đứng đầu thế giới. Thất bại này cũng không cho thấy bất kỳ vấn đề lớn nào với loại tên lửa này.

Một số chuyên gia Đài Loan cho rằng thất bại của các vụ phóng tên lửa Trung Quốc này có liên quan đến sự xấu đi của quan hệ Trung - Mỹ. Vì sự phát triển của tên lửa Trung Quốc phụ thuộc vào chip của Mỹ, sau khi bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã tăng cường kiểm soát việc xuất khẩu chip, khiến ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp.

Một số nhân sĩ thông thạo tình hình với giới hàng không vũ trụ Trung Quốc cũng suy đoán rằng các sự cố phóng có thể đã bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó bởi dịch bệnh. Do dịch bệnh COVID-19, ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc vừa mới tiếp tục công việc được ít ngày. Có thể do một số linh kiện hoặc công nghệ then chốt xuất hiện sự sai lệch dẫn đến tên lửa đẩy đã hoạt động không đủ lực đẩy khiến vụ phóng thất bại.

Tên lửa mang CZ-3B hiện là loại tên lửa chủ lực thành công nhất của Trung Quốc trong việc phóng các vật thể lên vào vũ trụ (Ảnh: Sina),
Tên lửa mang CZ-3B hiện là loại tên lửa chủ lực thành công nhất của Trung Quốc trong việc phóng các vật thể lên vào vũ trụ (Ảnh: Sina),

Điều đáng chú ý là vào năm 2018, một sự kiện nhảy việc đã xảy ra tại  Viện hàng không vũ trụ số 6 (còn gọi là Viện 6) ở Tây An. Trương Tiểu Bình,  một nhà thiết kế động cơ tên lửa, muốn thay đổi công việc, ban đầu được Viện 6 phê duyệt. Sau đó, Viện 6 phát hiện ra rằng việc từ chức của Trương Tiểu Bình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dự án đổ bộ lên Mặt Trăng của Trung Quốc. Trước tình hình như vậy, Viện 6 đã gửi công văn yêu cầu cơ quan cấp trên sử dụng mệnh lệnh hành chính yêu cầu Trương Tiểu Bình quay trở lại vị trí cũ làm việc.

Viện 6 có một vị trí rất quan trọng trong hệ thống ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc, chủ yếu chịu trách nhiệm phát triển các động cơ tên lửa mang CZ-7 và CZ-3B. Hai lần phóng thất bại này tình cờ đều là hai loại tên lửa này. Điều này chắc chắn khiến mọi người tự hỏi liệu việc chảy máu nhân tài cao cấp có gây ra tác động nhất định đến sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc hay không?

Được biết nhiệm vụ phóng không gian năm 2020 của Trung Quốc rất nặng nề, dự kiến tổng số lần phóng sẽ lên tới hơn 40, trong đó có việc phóng thử nghiệm tàu vũ trụ có người lái kiểu mới Hằng Nga 5 và tàu vũ trụ thăm dò Sao Hỏa.