Trung Quốc mở 16.300 'công ty ma' tại nước ngoài thông qua Mossack Fonseca

Một phân tích từ các tổ chức điều tra vụ rò rỉ thông tin Panama Paper cho biết, Hồng Kông hiện sở hữu nhiều “công ty ma” nhất tại nước ngoài, chiếm 30% số lượng doanh nghiệp mà công ty luật Mossack Fonseca quản lý.
Hồng Kông được cho là trung tâm giao dịch nhộn nhịp nhất trên thế giới của công ty luật Mossack Fonseca
Hồng Kông được cho là trung tâm giao dịch nhộn nhịp nhất trên thế giới của công ty luật Mossack Fonseca

Mossack Fonseca, công ty luật tại Panama hiện là trung tâm của vụ bê bối rò rỉ thông tin liên quan đến nhiều quan chức và giới siêu giàu mở 'công ty ma' trên khắp thế giới để trốn thuế. Mossack Fonseca đã mở một văn phòng tại Hồng Kông vào năm 1989, sau đó tiếp tục mở 8 chi nhánh ở Trung Quốc. Theo công bố của Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), trong năm 2015 các chi nhánh của Mossack Fonseca tại Trung Quốc đã giám sát và thu phí từ 16.300 công ty hoạt động tại nước ngoài.   

Hệ thống pháp luật của Anh được duy trì tại Hồng Kông dưới chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, sau khi Anh chuyển giao chủ quyền cho Trung Quốc vào năm 1997. Các tổ chức tài chính phương Tây vẫn tiếp tục hoạt động tại Hồng Kông và cung cấp nhiều dịch vụ cho giới nhà giàu tại đặc khu hành chính này. Điều này tạo điều kiện cho Hồng Kông trở thành điểm kết nối giữa Trung Quốc với các hoạt động tài chính bên ngoài.

Các nhà báo từ ICIJ cho rằng Hồng Kông là trung tâm giao dịch nhộn nhịp nhất trên thế giới của công ty luật Mossack Fonseca, khi đóng vai trò kết nối Trung Quốc với mạng lưới trốn thuế trên toàn cầu. Các quan chức chính phủ Trung Quốc, ông chủ tập đoàn và nhiều nhân vật giàu có khác phấn lớn đều mang tiền đến Hồng Kông, sau đó chuyển vào các “công ty ma” tại Virgin Islands, Vương quốc Anh.

Thông qua các chi nhánh được thành lập tại Trung Quốc, khách hàng của Mossack Fonseca có thể kiểm soát các khoản tài chính của mình và đầu tư vốn vào hoạt động kinh doanh hay bất động sản một cách bí mật. Giới nhà giàu và quan chức Trung Quốc xem Mỹ là một nơi lý tưởng cho việc đầu tư khi nhận định Washington có thể chống lại các áp lực chính trị từ Bắc Kinh trong trường hợp xảy ra các cuộc điều tra.

Thậm chí, một số quan chức Trung Quốc còn tìm cách đưa dòng tiền trở lại quốc gia này, dưới hình thức đầu tư nước ngoài. Theo Mạng lưới Công lý thuế, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ sử dụng tài khoản ở nước ngoài để tạo vỏ bọc cho tiền của họ, sao cho giống các khoản tài chính từ các tập đoàn nước ngoài, qua đó tận dụng những ưu đãi về thuế được chính phủ ban hành.

Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc thường đăng ký trụ sở tại các ‘thiên đường thuế’, khi niêm yết công ty trên Wall Street hay thị trường chứng khoán khác bên ngoài Trung Quốc. Theo các chuyên gia, nhiều công ty internet tại Trung Quốc có xu hướng đăng ký văn phòng của mình bên ngoài đất nước như một cách để huy động vốn nước ngoài, hiện bị cấm bởi luật pháp Trung Quốc.

Theo Nikkei Asian Review, Một thế giới