Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung:

Trung Quốc liệu còn thứ vũ khí gì để đấu với Mỹ?

VietTimes -- Lần này Mỹ đưa ra quyết định gia tăng mức thuế đối với 200 tỷ sản phẩm Trung Quốc nữa, kim ngạch đã lớn hơn quy mô mức sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu của Mỹ, Trung Quốc đã không thể chạy đua trả đũa. Mặt khác, ông Donald Trump đã cảnh cáo: nếu Trung Quốc tiếp tục trả đũa, Mỹ sẽ có thể nâng kim ngạch số hàng hóa Trung Quốc bị tăng thuế lên tới 500 tỷ USD. 
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.

Trung Quốc hạn chế đưa tin về chiến tranh thương mại

Ngày 10/7, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố danh sách các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD bị áp mức thuế tăng thêm 10%. So với số hàng trị giá 50 tỷ USD bị tăng mức thuế 25% trước đây, lần này phản ứng của Trung Quốc rất mềm mỏng. Cả Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao  trong tuyên bố đưa ra đều nhấn mạnh đến “ngoại viện”, kêu gọi cộng đồng quốc tế  tẩy chay Mỹ, cho thấy “vốn liếng” của họ trong cuộc chiến với Mỹ đã không còn nhiều. Báo chí Trung Quốc lần này khi đưa tin cũng hạ giọng, kìm chế một cách khác thường, khác hẳn sự phản kháng mạnh mẽ lần trước.

Năm ngoái Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ số sản phẩm trị giá 130 tỷ USD, còn Mỹ nhập của Trung Quốc 500 tỷ. Lần này Mỹ đưa ra quyết định gia tăng mức thuế đối với 200 tỷ sản phẩm Trung Quốc nữa, kim ngạch đã lớn hơn quy mô mức sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu của Mỹ, Trung Quốc đã không thể chạy đua trả đũa. Mặt khác, ông Donald Trump đã cảnh cáo: nếu Trung Quốc tiếp tục trả đũa, Mỹ sẽ có thể nâng kim ngạch số hàng hóa Trung Quốc bị tăng thuế lên tới 500 tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu Trung Quốc Vương Đào cho rằng, việc Mỹ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa lần này sẽ khiến cho mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sắp tới giảm 0,5%, đấy là chưa tính đến những ảnh hưởng do biện pháp trả đũa của Trung Quốc gây ra. Do tác động của chiến tranh thương mại, ngay hôm 10/7, đồng NDT đã rớt giá với mức độ lớn, thị trường chứng khoán Đại Lục và Hongkong có lúc giảm đến 2%, khi đóng cửa tuy có thu hẹp lại, nhưng cho đến trước 10h sáng báo chí kinh tế trong nước vẫn chưa được phép đưa tin về chiến tranh thương mại. Mãi cho đến khi chuyên gia của chính phủ đưa ra nhận xét định hướng “ảnh hưởng không lớn”, báo chí mới được đưa tin, nhưng không được đưa theo kiểu tác động phản diện.

Ông Donald Trump tuyên bố tiếp tục áp đặt thêm 10% thuế nhập khẩu với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc
Ông Donald Trump tuyên bố tiếp tục áp đặt thêm 10% thuế nhập khẩu với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc 

Ông Mã Tuấn, Ủy viên Ủy ban chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lên tiếng trấn an: phương án tăng thuế của Mỹ vẫn còn phải qua trưng cầu ý kiến, 2 tháng nữa mới quyết định liệu có áp dụng hay không và xác định áp dụng với sản phẩm nào; ông Quản Đào, cựu Cục trưởng Quản lý ngoại hối cũng nói: thông tin có thể gây nên tác dụng tiêu cực tới thị trường tiền tệ, nhưng đừng nên đánh giá quá cao ảnh hưởng của nó.

Báo chí sau đó khi đưa tin đều viễn dẫn ý kiến của các ông này. Ngoài ra, có tin Ban Tuyên truyền trung ương (Tuyên giáo) cũng đã ra thông báo miệng yêu cầu không được đăng tải các phát biểu về chiến tranh thương mại của Donald Trump và không được viết về quan hệ giữa chiến tranh thương mại với thị trường chứng khoán. Thông tri miệng này còn yêu cầu không được sử dụng cụm từ “Made in China 2025” nữa vì có ý kiến cho rằng kế hoạch này đã khiến người ta nghĩ Trung Quốc đã chấm dứt thời kỳ “ẩn mình chờ thời”, đã đến lúc phải thống lĩnh thế giới. Thậm chí có người cho rằng chính kế hoạch “Made in China 2025” đã kích động Donald Trump khiến ông tức giận gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Những mặt hàng kỳ quặc trong danh sách bị tăng thuế

 Ngày 10/7, Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã công bố danh mục hơn 6 ngàn mặt hàng Trung Quốc (cụ thể là 6.031 thứ) tổng trị giá 200 tỷ USD bị Mỹ tăng thuế thêm 10%; trong đó có những sản phẩm kỳ quặc khiến mọi người hiếu kỳ.

Trong danh sách các mặt hàng trị giá 50 tỷ USD bị tăng thuế 25% lần trước, chủ yếu là các sản phẩm kỹ thuật cao; các mặt hàng lần này có diện bao phủ toàn diện, gần gũi với cuộc sống dân chúng, có đủ chế phẩm từ động vật, thực vật, khoáng sản, hóa chất, dệt may, kim loại…Bản danh mục chi tiết các sản phẩm dài tới 200 trang.

Các mặt hàng phổ biến nhất như đồ điện gia đình, thiết bị âm thanh, máy móc và linh kiện, dụng cụ nhà bếp, chăn đệm rèm cửa, đèn trang trí, xe hơi, xe đạp, cầu thủy tinh…đều có tên. Một khi quyết định tăng thuế được thực thi, những mặt hàng có tên trong danh sách chỉ cần có xuất xứ Trung Quốc đưa vào Mỹ đều sẽ bị tăng thuế thêm 10%.

Có nhiều mặt hàng rất “thú vị” bị báo chí tìm thấy trong danh sách này. Ví dụ: lông vũ, lông ngựa, lông lợn, lông chồn, lông tóc người và một thứ được ghi là “lông thực vật” (Vegetable hair) gây bàn cãi là thứ gì…Cũng có các bộ phận của động vật như: đầu, đuôi và móng Hải ly; phân và tinh trùng bò; đùi ếch tươi, bảo quản lạnh và đông lạnh. Ngoài ra còn có các loại nguyên liệu để chế biến thức ăn như hành tây, măng, nấm hương khô, nhân sâm và mã thầy, bào ngư và nhím biển, cá trình sống; có cả mì chính, màng nhân tào dùng để chế biến xúc xích, lạp xường…

Về hàng dân sinh thấy có cả những thứ: giấy vệ sinh, xích và dây đeo cổ dùng cho chó, rọ mõm chó và các thức ăn của chó, mèo…

Tranh biếm - Donald Trump gây chiến tranh thương mại để đạp tan kế hoạch Made in China 2025
 Tranh biếm - Donald Trump gây chiến tranh thương mại để đạp tan kế hoạch Made in China 2025

Trung Quốc còn có trong tay những gì để phản kích?

Khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên bùng phát, có người phân tích: kinh tế Mỹ hiện nay đủ sức để “diệt địch 1 ngàn, mình chết 8 trăm”, cả thị trường và người tiêu dùng đều chịu đựng được. Trước đối thủ mạnh như thế, liệu Trung Quốc có thể sử dụng những “vũ khí” gì để phản kích? Nay Donald Trump lại tung tiếp đòn thứ hai nặng đô hơn, liệu Trung Quốc còn có những “con bài” gì nữa?

Thứ nhất, “đậu hạt, xe hơi và máy bay dân dụng” là 3 quân bài quan trọng mà Trung Quốc nhằm đánh vào bang quê hương và mấy nơi được coi là “thùng phiếu” của ông Donald Trump. Thế nhưng thị trường Trung Quốc phụ thuộc vào nông sản Mỹ quá sâu, giá nông sản lại gắn với dân sinh, nếu gây nên tăng giá, lạm phát, có thể kéo theo diễn biến về vấn đề an ninh quốc gia; chọn Boeing để trả thù có thể là cách Trung Quốc sử dụng, nhưng phải lưu ý việc khiến thâm hụt mậu dịch càng lớn thêm nghiêng về phía Mỹ; đó là điều Bắc Kinh càng lo ngại hơn.

Thứ hai, hạn chế người Trung Quốc đi du lịch Mỹ. Mỗi năm có khoảng 3 triệu khách Trung Quốc tới Mỹ du lịch; nếu tính cả người Trung Quốc sang du học, lưu học, di dân và đầu tư thì mỗi năm có tới hàng chục tỷ USD chảy vào Mỹ. Hôm 28/6, đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ đã ra cảnh báo các công dân Trung Quốc, trong đó nêu tình hình trị an Mỹ không ổn định, cần phải hết sức lưu ý. Trước đây khi Trung Quốc tẩy chay Hàn Quốc đã khiến lượng du khách tới Hàn sụt giảm một nửa, nhưng cần phải biết khách du lịch khắp nơi kéo đến Mỹ nên nếu Trung Quốc chơi trò cũ thì liệu có tác dụng đối với Mỹ hay không phải chờ xem.

Thứ ba, bán tháo quốc trái Mỹ, hạn chế các thủ đoạn tiền tệ của Mỹ. Mấy năm gần đây Trung Quốc gia tăng bán ra lượng quốc trái Mỹ mà họ nắm giữ nhưng lại bị các quốc gia khác và người Mỹ mua vào nên không gây nên biến động thị trường Mỹ hay khiến đồng USD mất giá. Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc bán tháo quốc trái Mỹ quy mô lớn sẽ gây nên biến động thị trường, ngoại hối của họ cũng sẽ bị giảm nhiều; đồng thời việc hạn chế đầu tư của Mỹ cũng sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài khác lo sợ tháo chạy. Vì thế Trung Quốc sẽ không dám mạo hiểm cùng lúc sử dụng 2 quân bài này.

Thứ tư, cấm xuất khẩu đất hiếm. Trung Quốc nắm giữ tỷ lệ lớn sản lượng đất hiếm của toàn cầu, có lúc chiếm tới 85% nhu cầu của cả thế giới. Nếu Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm thì sẽ là quân bài sát thương: các sản phẩm kỹ thuật cao của Mỹ, bao gồm chíp cao cấp, linh kiện công nghiệp quân sự đều lập tức gặp vấn đề. Tuy nhiên với việc phát hiện tài nguyên đất hiểm mới, sự ỷ lại của thế giới vào đất hiếm Trung Quốc đã giảm bớt, vả lại việc cấm xuất khẩu đất hiếm cũng sẽ khiến Mỹ trả đũa. Với bài học của vụ LTE (Trung Hưng) vừa qua thì tin rằng Trung Quốc không dám sử dụng con át chủ bài có thể khiến cả hai bên đều bị trọng thương này trừ khi họ bị dồn vào đường cung.

Thứ năm, sử dụng hệ thống quan liêu Trung Quốc. Gần đây có công ty Mỹ lên tiếng: sau khi sản phẩm Mỹ được vận chuyển đến Trung Quốc, việc lấy mẫu, thông quan rất chậm, được coi là chướng ngại vô hình được đặt ra để “trả đũa ngầm” Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc có thể sử dụng, thao túng tư tưởng dân tộc cực đoan chống Mỹ dễ như trở bàn tay, có thể phát động dân chúng tẩy chay hàng Mỹ. Có điều biện pháp này có thể là mang lửa đốt mình; trào lưu chống Nhật mấy năm trước là một ví dụ.

Cũng có người lạc quan cho rằng, Trung Quốc mỗi khi gặp phải chuyện lớn đều biết cách thoát khỏi bế tắc, vươn lên tầm cao mới, tình cảnh hiện nay cũng vậy. Đã đến lúc Trung Quốc không thể tỏ ra yếu kém, dư địa để nhân nhượng cũng không còn nhiều. Đó chính là điều mà một chuyên gia nói: chiến tranh thương mại Trung – Mỹ “đã bước vào vùng nước không rõ nông sâu”.  

WTO tổ chức Hội nghị xem xét chính sách thương mại của Trung Quốc
WTO tổ chức Hội nghị xem xét chính sách thương mại của Trung Quốc 

Mỹ mở mặt trận mới lôi kéo quốc tế chống Trung Quốc

Sau khi tuyên bố tiếp tục tăng thuế 10% đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ, ngày 11/7 Mỹ đã biến Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thành chiến trường mới của cuộc chiến tranh thương mại. Đại diện Mỹ - Đại sứ Dennis Shea đã đăng đàn tại Hội nghị xem xét chính sách mậu dịch Trung Quốc lần thứ 7 họp tài Geneve, công khai phê phán chính sách mậu dịch của Trung Quốc gây tổn hại nước khác và yêu cầu xem xét lại tư cách thành viên WTO của Trung Quốc, phê phán tổ chức này bất lực trong việc giải quyết vấn đề.

Tuy trước đây Trung Quốc có ý đồ lôi kéo EU và Nhật cùng liên kết chống lại Mỹ; nhưng tại hội nghị này EU, Nhật, Australia, Canada và Thụy Sỹ lại đồng tình với Mỹ tố cáo Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và sản xuất hàng hóa quá dư thừa. Đại biểu EU cho rằng các công ty châu Âu tại Trung Quốc bị đối xử không công bằng bới các biện pháp bảo hộ mậu dịch lỗi thời, trong đó bất lực trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Nhật thì tố cáo Trung Quốc sử dụng biện pháp ra luật về an ninh mạng để kỳ thị vốn đầu tư nước ngoài; Australia thẳng thừng phê phán các vấn đề hàng nhái hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục tồn tại…

Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn đăng đàn phản kích, phản đối chủ nghĩa bá quyền mậu dịch, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, mong các nước đừng nhìn Trung Quốc với cặp kính đen, không nên chụp mũ Trung Quốc với tư tưởng đã lỗi thời…Ông nói, Trung Quốc đã áp dụng một loạt biện pháp để tự do hóa và giúp thuận lợi đầu tư; giảm các biện pháp hạn chế nhà đầu tư nướ ngoài từ 63 điều xuống còn 48. Ông kêu gọi các nước thành viên WTO kiên định bảo vệ các nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi như kiên định duy trì chế độ tối huệ quốc, chỉ trích hành vi đơn phương của Mỹ đem lại mối đe dọa lớn đối với thương mại quốc tế.