Trung Quốc khoan thành công giếng dầu đầu tiên ở Biển Đông

VietTimes -- Truyền thông Trung Quốc vừa loan tin: giàn khoan biển sâu đầu tiên thế hệ 6 do Trung Quốc tự thiết kế Haiyangshiyou 981 (Hải dương thạch du 981, gọi tắt là “981”) mới đây đã khoan thành công giếng dầu khí ở Biển Đông và có kế hoạch bắt đầu khai thác khí hóa lỏng để cung cấp năng lượng cho khu vực vịnh Quảng Đông – Hongkong – Macao. Đây là giếng khoan dầu khí biển sâu đầu tiên mà giàn khoan này hoàn thành kể từ khi nó được đưa vào hoạt động năm 2012 và cũng là giếng khoan dầu khí biển sâu đầu tiên do một công ty Đại lục hoàn thành.
Giàn khoan Haiyangshiyou 981 thử vỉa giếng dầu. Ảnh: Tân Hoa xã.
Giàn khoan Haiyangshiyou 981 thử vỉa giếng dầu. Ảnh: Tân Hoa xã.

981 là giàn khoan của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation, CNOOC), là loại giàn khoan biển sâu kiểu nửa chìm (bán tiềm) đầu tiên của Trung Quốc do Tập đoàn tàu thuyền Trung Quốc thiết kế và đóng cho Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc với giá thành 6 tỷ NDT, được hoàn thành và đưa vào khoan thăm dò trên Biển Đông từ ngày 9.5.2012.

Theo thông tin trên trang web của công ty này thì giếng khoan này nằm ở phía Đông Biển Đông, là giếng khoan nghiêng sâu 4.660m độ sâu theo chiều thẳng đứng 2.529m, độ sâu từ đáy biển lên mặt nước là 680m. Trước đây, các giếng khoan dầu khí biển sâu của Trung Quốc đều do các giàn khoan của nước ngoài thực hiện.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của tỷ phú Jack Ma xuất bản ở Hongkong hôm 13.4 dẫn lời ông Hàn Hiểu Bình, quan chức phụ trách thông tin của mạng Năng lượng Trung Quốc nói, giếng khoan biển sâu này là sự đột phá về kỹ thuật của Trung Quốc vì đây là phương thức khoan khá thông dụng của Mỹ, Anh và các nước phương Tây.  Theo ông Hàn: “Việc hoàn thành giếng khoan này cho thấy, Trung Quốc đang rút ngắn khoảng cách thua kém so với các quốc gia phương Tây”.

Giàn khoan 981 tác nghiệp trên biển
Giàn khoan 981 tác nghiệp trên biển

Tin cho biết, giếng khoan này sẽ được sử dụng cho việc khai thác khí hóa lỏng. Nguồn khí khai thác được theo kế hoạch sẽ được đưa về cảng Cao Lam ở Chu Hải của Tập đoàn đầu khí Hải dương Trung Quốc; sau khi xử lý, nguồn khí hóa lỏng này sẽ được cung cấp cho 70 triệu dân ở khu vực vịnh Quảng Đông – Hongkong – Macao bao gồm các thành phố Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Huệ Châu, Đông Quan, Trung Sơn, Giang Môn và Triệu Khánh. Ông Hàn Hiểu Bình nói: “Nếu dòng khí hóa lỏng được Tập đoàn dùng đường ống vận chuyển trực tiếp từ cảng Cao Lam tới các nơi, sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí vận chuyển của các công ty năng lượng, dân chúng địa phương cũng được hưởng lợi”.

Trung Quốc Đại Lục có tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông với các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam,Philippines, Malaysia... Năm 2014, giàn khoan 981 này khi vào khoan thăm dò trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía nam đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã bị chính phủ Việt Nam phản ứng quyết liệt, gây nên tình trạng các tàu thuyền hai bên đối đầu quyết liệt trên biển. Sau đó giàn khoan 981 buộc phải dời đi và di chuyển vị trí về hướng Tây Bắc, gần phía đảo Hải Nam, cách xa bờ biển Việt Nam.

Giàn khoan 981 vào khoan thăm dò trái phép trên thềm lục địa Việt Nam ở Nam Tri Tôn tháng 5.2014
Giàn khoan 981 vào khoan thăm dò trái phép trên thềm lục địa Việt Nam ở Nam Tri Tôn tháng 5.2014

Theo trang mạng của Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc, giàn khoan 981 từ khi đi vào “vùng biển Đông Nam Á” đã hoàn thành tổng cộng 32 mũi khoan, mũi sâu nhất đạt 1.721m. Giếng khoan hoàn thành mới đây ở phía Đông Biển Đông là giếng khoan khai thác biển sâu đầu tiên của tập đoàn này.

Về tham số kỹ thuật, giàn 981 dài 114m, rộng 90m, cao 112m, trọng lượng trên 30 ngàn tấn, số nhân viên công tác: 160 người. Tổng thể giàn khoan cao 5 tầng,có 2 tầng dưới mặt sàn. 981 sử dụng động lực gồm 8 máy phát điện công suất 5550kw/máy, tự hành bởi 8 động cơ đẩy 55 tấn, mỗi động cơ 4.600 mã lực, có thể di chuyển với tốc độ 8 hải lý/h. Giàn có thể tác nghiệp ở vùng biển có độ sâu 3000m, có thể khoan sâu nhất 12.000m.

Truyền thông Trung Quốc hiện chưa thông báo vị trí và tọa độ cụ thể của giếng khoan này trên Biển Đông.