Trung Quốc kêu gọi phương Tây nên chấm dứt “bịa đặt” về Huawei

VietTimes – Sau hàng loạt sự cố xảy ra trong thời gian gần đây, bao gồm việc Ba Lan bắt giữ Giám đốc kinh doanh Huawei Vương Vĩ Tinh vì hành vi gián điệp tại quốc gia này, Trung Quốc kêu gọi các nước nên chấm dứt “bịa đặt” về Huawei.
Ảnh minh họa: CNBC.
Ảnh minh họa: CNBC.

Nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei đang phải đối mặt với sự giám sát gắt gao từ phương Tây vì bị nghi ngờ có liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Đồng thời, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến cũng đang bị Mỹ cáo buộc cho phép Bắc Kinh sử dụng thiết bị cho các hoạt động gián điệp.

Mặc dù chưa có bất kỳ bằng chứng xác thực nào và Huawei cũng nhiều lần phủ nhận, nhưng một số quốc gia phương Tây đã hạn chế Huawei quyền tham gia vào thị trường trong nước. Ngày 11.1, Ba Lan đã bắt giữ Giám đốc kinh doanh Huawei vì nghi ngờ ông Vương Vĩ Tinh đã có những hoạt động gián điệp.

Trung Quốc kêu gọi phương Tây nên chấm dứt “bịa đặt” về Huawei ảnh 1

Giám đốc kinh doanh Huawei chi nhánh Ba Lan Vương Vĩ Tinh (Wang Weijing), người vừa bị bắt giữ vì liên quan đến của hoạt động gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Phát biểu phỏng vấn trên Reuters, cố vấn an ninh mạng của chính phủ Ba Lan Karol Okonski cho rằng quốc gia này sẽ không “đột ngột” thay đổi chính sách đối với Huawei sau vụ bắt giữ. Tuy nhiên, các nhà chức trách Ba Lan sẽ xem xét lại việc sử dụng các sản phẩm của nhà sản xuất Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 14.1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh hy vọng phía Ba Lan sẽ hợp tác để xây dựng niềm tin lẫn nhau và duy trì mối quan hệ giữa hai nước.

Bà Oánh tin rằng “một số người” đang tìm cách dùng những lời buộc tội vô căn cứ về các mối đe dọa an ninh để “đàn áp và hạn chế sự phát triển của các công ty công nghệ Trung Quốc ở nước ngoài”.

Bà Oánh nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan chấm dứt những điều bịa đặt vô căn cứ và hạn chế vô lý đối với Huawei và các công ty Trung Quốc khác, cũng như tạo ra môi trường công bằng, tốt đẹp và hợp lý để đầu tư và hợp tác giữa các công ty của cả hai bên”.

Bà Oánh khẳng định: “Sử dụng lý do bảo mật để thổi phồng sự thật, cản trở hoặc hạn chế mối quan hệ hợp tác bình thường giữa các công ty cuối cùng chỉ làm tổn thương lợi ích của chính quốc gia đó”.

Chỉ một ngày sau vụ bắt giữ, Giám đốc kinh doanh Huawei tại Ba Lan Vương Vĩ Tinh đã ngay lập tức bị Huawei sa thải với lời giải thích “hành động bị cáo buộc của ông ta không liên quan đến công ty”.

Theo hồ sơ cá nhân đăng tải trên LinkedIn, ông Tinh đã làm việc cho chi nhánh Ba Lan của Huawei từ năm 2011. Trước đó, ông Tinh từng là tùy viên của Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Gdańsk trong 5 năm, từ năm 2016 đến năm 2011.

Người phát ngôn cơ quan bảo mật Ba Lan cho biết các cáo buộc nhằm vào hành động của cá nhân ông Vương Vĩ Tinh, chứ không liên quan trực tiếp với Huawei. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ba Lan, Joachim Brudzinski đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và NATO họp bàn để đưa ra quyết định có nên cấm cửa hoàn toàn Huawei hay không.

Hồi tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật cấm chính phủ Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei và đang xem xét ban hành sắc lệnh cấm đối với các công ty Mỹ. Ngoài ra, Australia và New Zealand cũng đã cấm Huawei tham gia triển khai mạng viễn thông 5G vì lo ngại công ty này có liên kết với chính phủ Trung Quốc.

Theo Reuters