Trung Quốc “học đòi” Nga đánh trận Syria, mưu toan bành trướng 3 hạm đội

Mạng Sina Military Network ngày 10/10 cho rằng sau khi triển khai chiến hạm hộ tống chuyển vũ khí hóa học của Syria năm 2013-2014 và nếu tham gia hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Syria sẽ giúp tăng cường năng lực hải quân Trung Quốc trong tương lai gần.
Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục diễn tập, gây căng thẳng tình hình khu vực
Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục diễn tập, gây căng thẳng tình hình khu vực

Theo mạng này, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Nga Vladimir Komoedov phát biểu trên Sputnik News rằng chỉ cần biên đội tàu Địa Trung Hải thuộc Hạm đội Biển Đen Nga triển khai cũng đã đủ sức tham gia hỗ trợ chiến dịch quân sự chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hoành hành tại Iraq và Syria, mà không cần thiết phải triển khai toàn bộ Hạm đội Biển Đen.

Những bức ảnh Moscow tiết lộ mới đây đã cho thấy tàu hộ vệ Buyan thuộc lớp tàu tàng hình Gepard (tương tự hai chiến hạm Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam) phóng tên lửa hành trình từ khoảng cách 1.500km trên biển Caspian, đã đánh trúng các mục tiêu tại Syria.

Do hầu hết các mục tiêu chiến lược do IS chiếm giữ đều nằm sâu trong nội địa Syria, nếu chỉ dựa vào các đòn tấn công tên lửa phóng đi từ chiến hạm sẽ không thể hiệu quả và các lực lượng trên mặt đất sẽ phải được triển khai để đánh chiếm lãnh thổ của kẻ địch và duy trì trật tự. Sina Military Network cho rằng, nếu Trung Quốc quyết định cung cấp hỗ trợ mặt đất cho các lực lượng Nga tại Syria, hải quân Trung Quốc có thể sẽ cần chuyển quân tới khu vực này.

Tàu tên lửa tấn công nhanh của hải quân Trung Quốc
Tàu tên lửa tấn công nhanh của hải quân Trung Quốc

Theo mạng quân sự Trung Quốc, các chiến dịch quân sự như vậy sẽ có tác dụng không chỉ tăng cường khả năng tác chiến của hải quân Trung Quốc trên đại dương khơi xa, mà còn thay đổi tư duy chiến lược của lãnh đạo hải quân nước này. Với việc thu được thêm nhiều kinh nghiệm tác chiến xa nhà, hải quân Trung Quốc sau này có thể mở rộng phạm vi hoạt động của 3 hạm đội hiện có (mục đích ban đầu được thành lập để bảo vệ bờ biển và vùng biển gần bờ).

Sina Military Network  rêu rao Hạm đội Bắc Hải có trách nhiệm bao quát toàn bộ bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Hạm đội Đông Hải phụ trách eo biển Đài Loan, cũng như các căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa và Guam. Còn Hạm đội Nam Hải chịu trách nhiệm khống chế Biển Đông. Ba hạm đội sau này sẽ dần được mở rộng quy mô và khu vực hoạt động được giao nhiệm vụ tác chiến, bài báo cho biết.

Hạm đội Bắc Hải có thể triển khai chiến hạm hộ tống các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo vươn tới Bắc Cực, trong khi Hạm đội Đông Hải sẽ trở thành Hạm đội Thái Bình Dương thực sự của Trung Quốc để đối phó với hải quân Mỹ và hải quân Nhật Bản. Còn Hạm đội Ham Hải cũng sẽ mở rộng địa bàn tác chiến về phía tây, tới tận Ấn Độ Dương.

Mạng quân sự Trung Quốc còn ngạo ngược tuyên bố một cách vô lối rằng, Hạm đội Nam Hải có hai nhiệm vụ trong tương lai: Trước hết sẽ là tiếp tục hoạt động hiện tại nhằm duy trì ưu thế thống trị tại khu vực Biển Đông có tranh chấp; Thứ hai là phóng chiểu sức mạnh hàng hải Trung Quốc nhằm hỗ trợ cho sáng kiến “Vành đai kinh tế và Con đường tơ lụa” của chính quyền Trung Quốc.

Theo QPAN