Trung Quốc gây sự ở Biển Đông, đối đầu cộng đồng quốc tế chỉ thất bại

VietTimes -- Những lời đe dọa kiểu "bịt miệng" mà Trung Quốc thể hiện với các ngoại trưởng G7, thủ tướng Australia và New Zealand phản ánh chiến lược "cô lập" các bên có tranh chấp. Trung Quốc hy vọng họ sẽ đối đầu được với cả cộng đồng quốc tế, cô lập Mỹ và các nước nhỏ, phục vụ tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc đang ráo riết bồi lấp, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông
Trung Quốc đang ráo riết bồi lấp, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông

Răn đe cả G-7

Reuteurs cho biết, khi vấn đề Biển Đông được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị các ngoại trưởng G7 diễn ra tại Hiroshima hồi tuần trước, Trung Quốc đã phản ứng rất quyết liệt và nói rằng G7 chỉ nên tập trung vào vấn đề kinh tế, đồng thời gọi động thái của Nhật Bản là "hành vi khiêu khích", với mục đích "kích động phương Tây vùi dập Trung Quốc".

Tuyên bố chung sau hội nghị của các ngoại trưởng G7 đã đề cập đến an ninh hàng hải, dù không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, nhấn mạnh "tầm quan trọng căn bản của việc quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp".

Sau tuyên bố của ngoại trưởng G7 phản đối mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích hoặc cưỡng ép, đe dọa đơn phương làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng, Trung Quốc đã bày tỏ sự bực tức, gọi đây là "những phát biểu và hành động vô trách nhiệm", đồng thời triệu tập đại diện G-7 tới để bày tỏ phản đối.

Theo bình luận viên Frank Chin của EJInsight, những hành động trên của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực nhằm "bịt miệng" cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông, đặc biệt là những tiếng nói phản đối các động thái ngang ngược, phi pháp của Bắc Kinh tại khu vực tranh chấp với các nước láng giềng.

Tuyên bố của các ngoại trưởng G7 đưa ra hôm 11/4 có ý nghĩa rất quan trọng về mặt thời gian, bởi chỉ vài tuần nữa là Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về "đường lưỡi bò" mà Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc trên Biển Đông.

Bắc Kinh đã ngang ngược tuyên bố rằng họ sẽ phớt lờ phán quyết của tòa PCA, tuy nhiên tuyên bố G7 kêu gọi các quốc gia tuân thủ luật pháp hàng hải quốc tế, đồng thời thực hiện mọi phán quyết mang tính ràng buộc do tòa án và tòa trọng tài quốc tế đưa ra theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Bất chấp những lời chỉ trích, kêu gọi của các lãnh đạo thế giới, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện chiến dịch phong tỏa, răn đe bất cứ quốc gia nào có ý định thảo luận về các hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông, theo ông Chin.

Mới đây, Thủ tướng Úc Malcom Turnbull đã phải nếm trải điều này trong chuyến thăm tới Bắc Kinh ngày 15-16/4, và chỉ vài ngày sau đó là Thủ tướng New Zealand John Key. Cả hai nguyên thủ này đều bị Trung Quốc cảnh báo rằng không được bàn đến vấn đề Biển Đông, nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Theo tờ Sydney Morning Herald, "trong một nỗ lực nhằm phủ đầu ông Turnbull trước chuyến thăm, tờ China Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cảnh báo rằng Úc sẽ phải hứng chịu hậu quả về tài chính nếu họ chống lại các tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh trong khu vực".

China Daily trích dẫn ý kiến của nhiều học giả, trong đó có Han Feng, phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc tế Quốc gia thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không phải là việc của Úc, và cách phản ứng của Canberra sẽ là "một phép thử cho sự khôn ngoan chính trị của các lãnh đạo Úc".

"Bịt miệng" thất bại

Trong cuộc gặp kéo dài hai giờ với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ông Turnbull vẫn tái khẳng định lập trường rằng bất cứ thứ gì có nguy cơ ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định sẽ đi ngược lại lợi ích của tất cả các nước trong khu vực. Ông cũng tuyên bố rằng các tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế.

Trong bữa tiệc sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc và Australia cần phải tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau. Theo ông Chin, với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là Australia phải nhắm mắt làm ngơ trước các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, nơi họ đang bồi đắp phi pháp 7 đảo nhân tạo trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và có tranh chấp với ba quốc gia Đông Nam Á khác là Philippines, Malaysia và Brunei, cũng như ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản.

Ông Chin nhận định rằng là một đồng minh thân cận của Mỹ, Australia chắc chắn sẽ không ngả về phía Trung Quốc hay thậm chí là giữ im lặng vì những lời răn đe, cảnh báo của Bắc Kinh, đặc biệt là nếu Trung Quốc phớt lờ các phán quyết của tòa án quốc tế.

Những lời dọa dẫm của Trung Quốc với New Zealand lại có phần kín đáo hơn so với Australia. Đúng hôm Thủ tướng New Zealand John Key tới Trung Quốc thực hiện chuyến công du 6 ngày, hãng thông tấn nhà nước Xinhua đăng bài xã luận cảnh báo ông Key, rằng để chuyến thăm thành công, ông cần phải tránh bàn về các tranh chấp trên Biển Đông.

"Các chuyến thăm nối tiếp nhau của ông Turnbull và ông Key", Xinhua nói, "nhấn mạnh tầm quan trọng của tầng lớp trung lưu đang ngày càng lớn dần của Trung Quốc đối với họ". Tuy nhiên, quan hệ giữa Trung Quốc và New Zealand "không phải lúc nào cũng toàn màu hồng", Xinhua cảnh báo.

Hãng tin này nhắc lại sự việc hồi tháng hai, khi ông Key "đưa ra một số lời bình luận chống lại Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông". Xinhua cho rằng những phát ngôn đó "đi ngược lại cam kết không thiên vị bên nào của New Zealand trong tranh chấp lãnh thổ tại khu vực".

"New Zealand cần vạch ra hướng đi của mình trong quan hệ với Trung Quốc hơn là để chính sách của mình bị tác động bởi tham vọng của các đồng minh quân sự. Tương lai quan hệ song phương giữa hai nước, ở một mức độ nào đó, phụ thuộc vào chính Wellington", Xinhua viết.

"Ông Key nên nhớ rằng New Zealand hoàn toàn là kẻ ngoài cuộc trong tranh chấp Biển Đông, không phải là một bên liên quan", Xinhua cảnh báo, và bổ sung rằng "bất cứ nỗ lực nào của Wellington nhằm phá bỏ lời hứa không thiên vị bên nào trong vấn đề này sẽ có nguy cơ làm phức tạp hóa quan hệ thương mại đang phát triển giữa Trung Quốc và New Zealand".

Theo bình luận viên Chin, những lời đe dọa kiểu "bịt miệng" mà Trung Quốc vừa đưa ra với các ngoại trưởng G7, thủ tướng Australia và New Zealand phản ánh chiến lược "cô lập" các bên có tranh chấp mà Bắc Kinh đang áp dụng. Bằng cách đẩy các nước như Australia và New Zealand ra xa Biển Đông, Trung Quốc hy vọng họ sẽ đối đầu được với cả cộng đồng quốc tế, cô lập Mỹ và các nước nhỏ hơn trong khu vực, phục vụ tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình.

"Bởi Trung Quốc là nước duy nhất tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế, hiển nhiên bất cứ bên nào kêu gọi thực thi phán quyết của tòa sẽ bị Bắc Kinh coi là sự chỉ trích hành động của họ và thể hiện sự 'thiên vị' trong tranh chấp Biển Đông", ông Chin nhấn mạnh.

Máy bay quân sự Y-8 của Trung Quốc hạ cánh phi pháp trên đá Chữ Thập của Việt Nam. Ảnh:81.cn

Máy bay quân sự Y-8 của Trung Quốc hạ cánh phi pháp trên đá Chữ Thập của Việt Nam. Ảnh:81.cn

Giới quan sát cho rằng chiến lược này của Trung Quốc không thể nào khuất phục được cộng đồng quốc tế chịu im lặng trước các hành động ngang ngược của họ. Ngày 18/4, ông Hugo Swire, quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Đông Á, tuyên bố rằng dù quan hệ giữa London và Bắc Kinh đã trở nên nồng ấm và Anh cần thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc, nước này sẽ không chấm dứt những lời chỉ trích đối với tham vọng lãnh thổ phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

"Chúng tôi đã nói rõ với phía Trung Quốc rằng hai bên chỉ có thể hợp tác một cách công khai và minh bạch theo hệ thống luật pháp quốc tế", ông Swire tuyên bố. "Theo hệ thống mà cả thế giới đang dựa vào này, chúng ta kỳ vọng phán quyết của tòa quốc tế sẽ được các bên có liên quan tôn trọng, và dù phán quyết có lợi cho bên nào, chúng tôi cũng sẽ sát cánh cùng cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ".

Quân đội Mỹ phản đối Trung Quốc đáp máy bay quân sự lên đá Chữ Thập, một trong các đá Bắc Kinh cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. "Chúng tôi có biết một máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống đá Chữ Thập hôm Chủ nhật, trong hoạt động Trung Quốc mô tả là chiến dịch nhân đạo nhằm sơ tán ba công nhân bị bệnh", Jeff Davis, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, hôm qua nói với CNN. "Hiện chưa rõ vì sao người Trung Quốc sử dụng một máy bay quân sự chứ không phải dân sự". 

"Chúng tôi hối thúc Trung Quốc tái khẳng định rằng họ không có kế hoạch triển khai hoặc luân phiên máy bay quân sự tại các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa, tuân thủ những lời đảm bảo trước đó của Trung Quốc", ông Davis cho biết. 

Theo China News, máy bay Y-8 của hải quân Trung Quốc mang số hiệu 9271 hôm 17/4 ngang nhiên bay ra đá Chữ Thập, sau khi nhận lệnh đưa ba công nhân bị bệnh về thành phố Tam Á, đảo Hải Nam để điều trị. Trước đó, máy bay này đang thực hiện nhiệm vụ được cho là tuần tra Biển Đông. Khoảng 13h50 cùng ngày, phi cơ hạ cánh xuống sân bay Phượng Hoàng ở Tam Á.

T.N