Trung Quốc đầu tư mạnh tay vào ngành công nghệ robot

VietTimes – Với tham vọng trở thành một siêu cường robot, Bắc Kinh đặt mục tiêu sẽ tự sản xuất 70% robot vào năm 2025.
Chính phủ Trung Quốc muốn ngành công nghiệp robot độc lập hơn, giảm sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài. Ảnh: Nikkei Asian Review
Chính phủ Trung Quốc muốn ngành công nghiệp robot độc lập hơn, giảm sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài. Ảnh: Nikkei Asian Review

Trong hàng thập kỷ gần đây, Trung Quốc được coi là “công xưởng của thế giới” bằng cách tận dụng nguồn lao động giá rẻ. Hiện tại, đất nước tỷ dân này đang đầu tư mạnh tay hơn để xây dựng những nhà máy sản xuất robot công nghệ cao.

Số tiền mà Trung Quốc đổ vào lĩnh vực sản xuất thông minh đã tăng 46% trong năm 2018, lên tới 69,6 tỷ NDT (tương đương 10,1 tỷ USD), theo công ty nghiên cứu Marketing Intelligence Resource có trụ sở tại Bắc Kinh. Trong đó, Trung Quốc đầu tư mạnh tay hơn vào công nghệ robot và tự động hóa nhằm tăng năng suất và giảm chi phí lao động.

Động thái này được cho là một phần của kế hoạch “Made in China 2025”, một kế hoạch đầy tham vọng nhằm biến Trung Quốc trở thành một “siêu cường sản xuất” công nghệ cao. Trong đó, robot là một trong những ưu tiên hàng đầu vì nó đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp ngành công nghiệp của Trung Quốc cạnh tranh với các đối thủ trên toàn cầu. Theo kế hoạch này, chính phủ Bắc Kinh tham vọng sẽ nâng tỷ lệ sản xuất robot công nghiệp trong nước lên 70% vào năm 2025, gấp hơn hai lần so với mức tăng 30% trong năm 2017.

Ảnh: Nikkei Asian Review
Ảnh: Nikkei Asian Review

Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành thị trường lớn nhất thế giới về robot công nghiệp vào năm 2013 và hiện chiếm hơn 30% doanh số toàn cầu, theo Liên đoàn Quốc tế về robot. Các nhà máy Trung Quốc được trang bị robot đang tạo ra các sản phẩm có giá trị cao như ô tô và hay thiết bị điện tử.


CIG Shanghai, một nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc đã tăng năng suất lao động tại nhà máy của mình 160% trong 5 năm, theo Gerald G. Wong, Giám đốc điều hành của công ty.

CIG đã bắt đầu tự động hóa vào năm 2011, đi trước hầu hết các nhà sản xuất khác của Trung Quốc. Tiêu biểu, một dây chuyền sản xuất tự động hoàn toàn dài 80m trong nhà máy của công ty được trang bị cảm biến và camera.

CIG đã tăng năng suất lao động tại nhà máy của mình lên 160% trong 5 năm. Ảnh: Nikkei Asian Review
CIG đã tăng năng suất lao động tại nhà máy của mình lên 160% trong 5 năm. Ảnh: Nikkei Asian Review

CIG cũng đã cài đặt một hệ thống điều khiển tự động để đảm bảo quá trình chạy “mượt” hơn. Robot và các công nghệ tự động hóa tiên tiến khác đã giúp công ty khắc phục tình trạng chi phí lao động tăng cao.


Mặc dù vậy, mục tiêu 2025 của Trung Quốc về công nghiệp robot vẫn còn là cả một quá trình dài. Các nhà máy Trung Quốc hiện vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà sản xuất robot của Nhật Bản và châu Âu như Fanuc, Yasukawa Electric của Nhật Bản và ABB, một công ty công nghệ tự động hóa lớn của Thụy Sỹ. Các công ty nước ngoài kiểm soát hơn 60% thị trường robot công nghiệp của Trung Quốc.

Siasun, một công ty công nghệ mới nổi đang liên kết với Viện Khoa học Trung Quốc để phát triển các robot có thể tương tác với con người trong một môi trường làm việc chung.

Sản phẩm của Siasun "ngang hàng với thiết kế của các nhà sản xuất Nhật Bản và châu Âu", Kazuhiro Kosuge, một giáo sư chuyên nghiên cứu robot tại trường Đại học Tohoku tuyên bố.

Một số công ty công nghệ khởi nghiệp của Trung Quốc đang tập trung vào việc phát triển robot công nghiệp giá rẻ cho các nhà máy quy mô nhỏ. Honyen, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải được thành lập vào năm 2014 hiện đang là nhà cung cấp robot hàn lớn nhất Trung Quốc.

Các robot của Honyen có giá thành rẻ hơn một nửa so với sản phẩm của các công ty nước ngoài sản xuất, theo Shi Hongwei, Phó Chủ tịch của Honyen.

"Các nhà sản xuất nước ngoài vẫn có lợi thế về công nghệ, nhưng không thể đánh bại chúng tôi về mặt giá cả", một giám đốc điều hành công ty Bochi Machine Tool Group cho biết.

Ảnh: Nikkei Asian Review
Ảnh: Nikkei Asian Review

Tuy nhiên, xét về mặt công nghệ, các công ty Trung Quốc vẫn thua các đối thủ nước ngoài mộttrình. Theo SCMP, chỉ có khoảng 30 công ty trong nước có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài ở một mức độ nào đó.


Nguyên nhân là do các công ty khởi nghiệp này còn hạn hẹp về vấn đề kinh phí để có thể tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến. Hầu hết các nhà sản xuất robot Trung Quốc chỉ đơn giản là lắp ráp các thiết bị có sẵn của nước ngoài. Hầu hết các công ty đều thiếu chuyên môn về các kỹ thuật cũng như thành phần cốt lõi như bộ mã hóa hay phối hợp nhiều robot để sản xuất tích hợp.

Hiện tai, chỉ có khoảng 20% linh kiện chính của robot được sản xuất tại Trung Quốc. Sẽ còn cả một chặng đường dài phía trước để đất nước tỷ dân đạt được mục tiêu tự sản xuất được 70% sản phẩm công nghệ cao theo chiến dịch “Made in China 2025”.

Theo Nikkei Asian Review