Trung Quốc đang hứng chịu cơn đau đầu sau chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam

VietTimes -- Bài báo của Reuters cho rằng hoàn toàn có triển vọng Mỹ - Việt sẽ cùng nhau chia sẻ thông tin tình báo về các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam.

Báo Reuters của Anh hôm 27/5 có bài phân tích kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 3 ngày của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong đó cho rằng Bắc Kinh đang phải đối mặt với với những cơn đau đầu mới trong lúc quan hệ Việt - Mỹ đang ấm dần lên.

Theo nhận định của tác giả bải báo được hãng Reuters đăng tải, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tốt đẹp đã mở ra một viễn cảnh chiến lược không mấy dễ chịu đối với Bắc Kinh, đặc biệt là với tham vọng chiếm đoạt toàn bộ Biển Đông mà Trung Quốc đang dần hiện thực hóa.

Bài báo của Anh cho rằng, Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam lần này khi nhiệm kỳ của ông gần chấm dứt. Trong chuyến đi này nhà lãnh đạo Mỹ đã công bố một quyết định lịch sử đó là gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội.

Mặc dù chính quyền Mỹ không quên nhấn mạnh rằng việc gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương chống Việt Nam không phải nhằm trực tiếp vào Trung Quốc nhưng Bắc Kinh xem ra lại đang vô cùng khó chịu - không thực sự giống như những gì Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố.

Các nhà phân tích an ninh, các chuyên gia quân sự quốc tế và khu vực đều có chung một nhận định rằng Bắc Kinh đang phải hứng chịu các cơn đau đầu kể cả ngắn hạn lẫn dài hạn khi quan hệ giữa hai cựu thù Washington và Hà Nội đang ngày càng ấm dần lên.

Về ngắn hạn, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với khả năng quân đội Việt Nam đã có thêm khả năng gia tăng sức mạnh phòng thủ, bảo vệ biển đảo (Điều Trung Quốc xưa nay không hề muốn)thông qua những hợp đồng mua bán vũ khí, radar, cảm biến và máy bay trinh sát, UAV giúp Việt Nam kiểm soát tốt hơn các vùng chủ quyền của mình kể cả trong thời bình cũng như khi có chiến sự.

Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.
Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.

Về dài hạn, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam càng trở nên khăng khít hơn thì hoàn toàn có khả năng Hà Nội sẽ được làm nổi bật, trở thành một bên chủ chốt trong chiến lược xoay trục sang Thái Bình Dương mà chính quyền của ông Obama đã và đang triển khai.

Ngoài ra, các tập đoàn sản xuất vũ khí của Hoa Kỳ có thể cạnh tranh với Nga trong thị trường bán vũ khí cho quân đội Việt Nam.

Trong khi đó, đã từ lâu, giới chuyên gia quân sự khu vực và quốc tế đều cho rằng Washington có nguyện vọng sử dụng quân cảng nước sâu tốt nhất thế giới ở Biển Đông đó là cảng Cam Ranh của Việt nam.

Bài báo của Reuters cho rằng hoàn toàn có triển vọng Mỹ - Việt sẽ cùng nhau chia sẻ thông tin tình báo về các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việt Nam đang phát triển lực lượng hải quân. Bên cạnh những vũ khí, trang bị truyền thống nay đã có sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị tân tiến mua, nhập hoặc sản xuất cùng với các đối tác phi truyền thống.
Việt Nam đang phát triển lực lượng hải quân. Bên cạnh những vũ khí, trang bị truyền thống nay đã có sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị tân tiến mua, nhập hoặc sản xuất cùng với các đối tác phi truyền thống.

Giới chuyên gia quân sự ở khu vực nhận định rằng quan hệ Việt - Mỹ được mở rộng là lời đáp trả của quốc gia đang cảm thấy bất an trước các hoạt động gia tăng sức mạnh quân sự của Bắc Kinh mà dường như để chuẩn bị cho một cuộc chiến hòng chiếm đoạt lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông.

Theo bình luận của nhà báo GREG TORODE, Reuters, Việt Nam hiểu rằng một cuộc xung đột tiềm tàng với người láng giềng ở phương Bắc trong giai đoạn hiện nay hoàn toàn không dễ dàng đối phó giống như cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, chống quân bành trương phương Bắc năm 1979 và trong các cuộc chiến tranh chớp nhoáng diễn ra trong suốt thập niên 80 hay hải chiến ở Trường Sa năm 1988.

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của Reuters, Việt Nam có đường lối, chính sách đối ngoại ba không rõ ràng. Việt Nam quan hệ với các quốc gia trên thế giới theo nguyên tắc, ý nguyện "muốn làm bạn với tất cả". Việc hợp tác quân sự với nước ngoài không nằm ngoài ý định gia tăng sức mạnh phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ nếu bị kẻ thù xâm phạm.