Trung Quốc đã sử dụng quân sự thị uy trước phán quyết PCA vì sợ công đường, minh bạch

VietTimes -- Hành động tập trân quân sự lần này của Trung Quốc phải khẳng định là hành động phô trương, răn đe vũ lực chống lại hành động pháp lý của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông, vi phạm chủ quyền của Việt Nam...
Tàu đổ bộ, chiến đấu của Hải quân Trung Quốc tập trận phi pháp gần quần đảo Hoàng Sa (ảnh minh họa).
Tàu đổ bộ, chiến đấu của Hải quân Trung Quốc tập trận phi pháp gần quần đảo Hoàng Sa (ảnh minh họa).

Như báo cáo trước VietTimes đã đề cập, đối mặt với phán quyết lịch sử PCA, trước, trong và sau khi tòa PCA đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông, Trung Quốc đã và sẽ tung ra đủ loại ngôn từ, chiêu trò, thâm chí hành động để chống đối nếu những phán quyết sắp tới bất lợi cho yêu sách "đường lưỡi bò" phi pháp của nước này ở khu vực.

Trung Quốc sợ “công đường” công khai, minh bạch 

Trung Quốc đang sợ một phán quyết công bằng của luật pháp quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Một con đường công khai, minh bạch như vậy (con đường pháp lý) là ánh sáng chân lý soi sáng những khuất tất trong vấn đề Biển Đông mà những người đang có ý đồ bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự phi pháp đang tìm cách che đậy.

Trung Quốc luôn thúc đẩy đàm phán song phương trực tiếp giữa các bên về vấn đề Biển Đông. Tại sao vậy? Đàm phán song phương hiệu quả như thế nào thì đến nay đã quá rõ ràng, nhất là đối với hai nước Việt Nam và Philippines. 

Dư luận luôn đặt nghi ngờ chủ trương đàm phán song phương của Trung Quốc. Thực chất thì có nhiều chuyên gia đã nói thẳng ra là Trung Quốc mạnh hơn, nên trong đàm phán song phương luôn tìm mọi cách chèn ép nước khác, luôn khăng khăng đòi chủ quyền các đảo, đá và vùng biển lân cận trong phạm vi "đường chín đoạn" thuộc về mình. 

Đó là yêu sách “quyền lợi lịch sử” bất chấp sự thực và luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế cũng như tất cả các nước đều không thể chấp nhận được điều đó.

Con đường đàm phán song phương liệu có công khai, minh bạch, hiệu quả hơn con đường pháp lý như Philippines đang làm? Đàm phán song phương liệu có giúp cho Trung Quốc từ bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" chiếm gần hết Biển Đông, đòi chiếm cả thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông?

Đàm phán song phương chỉ dựa vào cái "chứng cứ lịch sử và pháp lý" do Trung Quốc nặn ra không có thật; đàm phán song phương bằng cách xuyên tạc, bẻ cong luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), thì liệu có đem lại những giải pháp công bằng cho các nước khác ở Biển Đông?

Vì vậy, dư luận nghi ngờ rằng, đàm phán song phương mà không công khai, minh bạch, không dựa trên luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS với các quy định hết sức cụ thể, rõ ràng được phổ biến công nhận thì liệu có được kết quả tốt đẹp hay không? Hay đàm phán song phương lại có nhiều khuất tất, các "nước nhỏ" bị Trung Quốc chèn ép?

Một "nước lớn" nhiều ưu thế như Trung Quốc lại phải sợ một "nước nhỏ" như Philippines khi đứng giữa “công đường” của PCA thì thật không còn gì để nói. 

Bản chất sự “ủng hộ” của các nước đối với Trung Quốc

Nhìn lại cái gọi là sự "ủng hộ" của các nước đối với lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, sẽ phát hiện ra nhiều điều đáng chú ý. 

Trong đó, một vấn đề quan trọng là các nước cơ bản ủng hộ đàm phán hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Thật ra, chủ trương này cũng chính là chủ trương của các bên trong vấn đề Biển Đông, chứ không phải riêng gì Trung Quốc.

Không quốc gia nào khẳng định ủng hộ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc, đó là một sự thật. Chỉ có điều, đây đó vẫn có một số nước vì cái nọ cái kia, vì lợi ích của riêng mình mà có những tuyên bố trái ngược. Tất nhiên, họ không bày tỏ ủng hộ yêu sách "đường chín đoạn" của Bắc Kinh.

Nga phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, nhưng chính sự vận động, lôi kéo của Trung Quốc trên quốc tế hiện nay lại là một hành động quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 20/6 cho biết ông sẽ không ủng hộ phán quyết của PCA dự kiến đưa ra vào ngày 12/7 tới. Đó là một tuyên bố hiếm có trong cộng đồng quốc tế hiện nay. Tại sao ông tuyên bố như vậy thì có lẽ ai cũng hiểu.

PCA sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, kết quả vụ kiện được phổ biến dự đoán là bất lợi cho Trung Quốc. Điều này đặt Trung Quốc vào tình trạng vô cùng khó xử và càng mong muốn nhận được sự ủng hộ nhiều hơn, chẳng hạn như tiếng nói của lãnh đạo Campuchia vừa qua.

Mặc dù vậy, các nước có lợi ích thực tế của mình trước hết là lợi ích về sự công bằng của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Vì vậy, cho dù Trung Quốc có dùng lợi ích kinh tế để mua chuộc, lôi kéo thì chắc chắn không ai sẽ công khai tuyên bố ủng hộ yêu sách phi pháp của Trung Quốc. 

Gần đây, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc cần lợi dụng tinh thần “hữu nghị” với Trung Quốc của Tân Tổng thống Philippines để làm giảm ảnh hưởng tiêu cực từ PCA. Nhưng, cho dù có lợi dụng như thế nào, ông Rodrigo Duterte chắc chắn sẽ phải bảo vệ chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia của Philippines, không dễ gì bị khuất phục bởi những lợi ích kinh tế có thể là “viên đạn bọc đường”. 

Hơn nữa, nếu muốn hợp tác kinh tế thì Philippines hay các nước khác cũng đâu thiếu bạn bè, đối tác, đâu thiếu cách thức hợp tác có chất lượng, hiệu quả hơn. 

Có chuyên gia Trung Quốc đề xuất, để xử lý vấn đề Biển Đông Bắc Kinh phải tiến hành một “cuộc chiến lâu dài” trên nhiều mặt trận cả ngoại giao, pháp lý, quân sự… Chắc chắn Trung Quốc đã lường trước ngó sau, đã có sự chuẩn bị, nhưng dù thế nào họ nhất định sẽ luôn luôn bị động và ở “thế thủ” trước sức ép của công lý và chính nghĩa.

Dùng quân sự “thị uy” tòa trọng tài

Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh hải quân, một trong những mục đích chính là hỗ trợ yêu sách đòi hỏi chủ quyền phi pháp đối với phần lớn diện tích Biển Đông.
Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh hải quân, một trong những mục đích chính là hỗ trợ yêu sách đòi hỏi chủ quyền phi pháp đối với phần lớn diện tích Biển Đông.

Hiện nay, để chống lại PCA, Trung Quốc đang có một hành động quân sự quy mô lớn trên Biển Đông, đó là: ba hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc đang tiến hành tập trận ở vùng biển phía đông đảo Hải Nam và vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 8 giờ 5 đến 8 giờ ngày 11/7/2016. Các tọa độ cụ thể của cuộc tập trận đã được đăng tải rõ ràng trên báo chí Trung Quốc.

Dư luận quốc tế và các nước phổ biến cho rằng, đó là một hành động quân sự nhằm chống lại phán quyết của PCA, "tuyên bố chủ quyền phi pháp", hòn "khẳng định quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) thuộc về Trung Quốc". 

Hành động quân sự này của Trung Quốc phải khẳng định là hành động phô trương, răn đe vũ lực chống lại hành động pháp lý của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Bởi vì, mặc dù Trung Quốc tuyên truyền đó là một cuộc tập trận thường niên, nhưng thời điểm và địa điểm lựa chọn lại rất đặc biệt (một tuần trước khi PCA đưa ra phán quyết và tổ chức ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa), được các chuyên gia quốc tế chỉ rõ, cũng được các nhà bình luận quân sự Trung Quốc thừa nhận. Trung Quốc muốn khẳng định cái gọi là "chủ quyền" trước khi PCA đưa ra phán quyết.

Thứ hai, ở đây cần nói thêm là việc Trung Quốc tổ chức tập trận ở quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đã bị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phản đối mạnh mẽ vào ngày 4/7.

Thứ ba, Trung Quốc tập trận không chỉ chống lại phán quyết của PCA. Nhiều nhà bình luận quân sự đã chỉ ra, Trung Quốc tiến hành tập trận quy mô lớn lần này là để đáp trả sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ hiện nay trên Biển Đông, nhất là sự hiện diện “bất thường” của hai cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan.

Biển Đông đang nóng bỏng với kho vũ khí khổng lồ đang ngày càng phình to, nhất là của Trung Quốc: một sân bay bố trí phi pháp trên đảo Phú Lâm, ba sân bay xây trái phép ở quần đảo Trường Sa trong khi đó Trung Quốc vẫn đang tiến hành các hoạt động xây dựng bất hợp pháp. 

Ngoài ra, Trung Quốc còn bố trí các loại máy bay chiến đấu, tên lửa, radar… trên các đảo, đá này của Việt Nam.

Rõ ràng, Trung Quốc đã tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông, nhất là sau khi Philippines đệ trình vụ kiện lên PCA vào năm 2013. Qua đó, Trung Quốc muốn tăng cường kiểm soát thực tế bằng quân sự đối với toàn bộ Biển Đông, điều này đã bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ. 

Trong tương lai, cũng không loại trừ Trung Quốc tiếp tục gia tăng triển khai các hành động quân sự với các loại lý do, tạo cớ khác nhau để bác bỏ phán quyết của PCA cũng như áp đặt yêu sách "đường chín đoạn" trên Biển Đông.

Có chuyên gia cho rằng, phe cứng rắn (hiếu chiến) đang thắng thế trong nội bộ Trung Quốc. Lúc này lúc khác, Trung Quốc cũng nói là vì “kiềm chế cao độ” mà chưa chiếm nốt các đảo đá ở trong phạm vi “đường chín đoạn” do Bắc Kinh vẽ bậy. Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân là một ví dụ điển hình.

Đối với Việt Nam và các nước ven Biển Đông, các chiến dịch quân sự bất ngờ được Trung Quốc dùng để xâm lược trên Biển Đông vào các năm 1974, 1988… là một bài học lịch sử đau đớn và là lời cảnh báo nghiêm khắc, có tính thời sự trong bất cứ thời điểm nhạy cảm nào. 

Có nhiều vũ khí sẽ ưa mạo hiểm hơn

Nhìn vào sự phát triển vũ khí trang bị của Trung Quốc thì hầu như loại nào (lục, hải, không quân, tên lửa, vũ trụ, mạng, điện từ…) cũng có, cho dù chúng ta chưa rõ năng lực chiến đấu thực tế đến đâu. Sự phát triển này được các chuyên gia Trung Quốc cho là phát triển kiểu "giếng phun", có thể tạm dịch là bùng nổ.

Chính kho vũ khí đầy ắp chất chứa trong nhà như vậy dễ làm cho người ta tự tin thái quá và có các hành động hung hăng, mạo hiểm hơn, dễ gây sức ép với người khác hơn. Và đôi khi không loại trừ khả năng đem ra dùng thử, thậm chí tạo cớ “bắn nhầm”, ví dụ như Hải quân Đài Loan vừa “bắn nhầm” tên lửa trên eo biển Đài Loan. 

Sự vô tình hay hữu ý trong các sự kiện như vậy rất dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng, nó là gang tấc mỏng manh giữa chiến tranh và hòa bình.

Sự thật là, cùng với sự phát triển sức mạnh quân sự ngày càng lớn, Trung Quốc ngày càng hung hăng, hăm dọa hơn ở các vùng biển xung quanh, kéo dài từ biển Nhật Bản, đến biển Hoa Đông, rồi Biển Đông, thậm chí Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương… 

Trong một thế giới văn minh vẫn có một sự thật nhãn tiền là dùng sức mạnh quân sự để khoe cơ bắp, gây áp lực, làm nhụt chí đối phương, hòng giành được nhiều lợi ích hơn về mình.