Trung Quốc cử người ứng cử chức thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển, Mỹ kịch liệt phản đối

VietTimes – Quan hệ Trung-Mỹ hiện rất căng thẳng và Biển Đông đã trở thành nơi hai bên đọ sức. Tòa án quốc tế về Luật biển dự kiến sẽ tổ chức cuộc bầu cử thẩm phán trong tháng này hoặc đầu tháng tới. 168 quốc gia ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật biển sẽ bỏ phiếu bầu ra 7 thẩm phán  với nhiệm kỳ 9 năm.
Ông David Stilwell và bà Hoa Xuân Oánh đấu khẩu kịch liệt qua vụ Trung Quốc đưa người ra ứng cử chức Thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển (Ảnh: Đông Phương).
Ông David Stilwell và bà Hoa Xuân Oánh đấu khẩu kịch liệt qua vụ Trung Quốc đưa người ra ứng cử chức Thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Đông Phương của Hồng Kông ngày 5/8, Trung Quốc đã đề cử ông Đoàn Khiết Long (Duan Jielong), Đại sứ của họ tại Hungary ra ứng cử, nhưng Mỹ kịch liệt phản đối và hai bên đã đụng độ nhau trong vấn đề này.

Tòa án quốc tế về Luật biển bao gồm 21 thẩm phán độc lập. Cứ 3 năm một lần, 7 người trong số họ sẽ được bầu lại. Trung Quốc đã giới thiệu ông Đoàn Khiết Long ra ứng cử để tiếp quản ghế của đại diện Trung Quốc tại tòa là Cao Chi Quốc (Gao Zhiguo). Tuy nhiên, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell hồi giữa tháng 7 khi tham dự một sự kiện của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington tổ chức đã lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ: "Việc bầu một quan chức từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) tham gia cơ quan này giống như thuê một tội phạm chủ mưu phóng hỏa để quản lý cơ quan chữa cháy”.

Ông cũng kêu gọi các nước tham gia cuộc bầu cử này hãy đánh giá cẩn thận trình độ của các ứng cử viên Trung Quốc. Stilwell nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước tham gia cuộc bầu cử thẩm phán Tòa án quốc tế sắp tới đánh giá cẩn thận trình độ của các ứng cử viên của Trung Quốc và xem xét việc bổ nhiệm người của Trung Quốc làm thẩm phán của tòa án sẽ giúp ích hay cản trở luật pháp quốc tế về biển”. Ông tuyên bố: “Với hồ sơ Bắc Kinh, câu trả lời đã trở nên rất rõ ràng”.

Ông Đoàn Khiết Long, người được Trung Quốc giới thiệu ra tranh ghế thẩm phán tại Tòa án quốc tế về Luật biển (Ảnh: today.line)
Ông Đoàn Khiết Long, người được Trung Quốc giới thiệu ra tranh ghế thẩm phán tại Tòa án quốc tế về Luật biển (Ảnh: today.line)

Những phát biểu này của ông David Stilwell đã khiến bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng bác bỏ. Bà Hoa nói: “Hoa Kỳ cho đến nay vẫn chưa phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhưng lại luôn coi mình là người bảo vệ công ước, tự ý chỉ tay vạch lối cho các nước tham gia công ước”.

Một số ý kiến phân tích chỉ ra rằng trước đây Mỹ đã không ra tay can thiệp khi Cao Chi Quốc tham gia ứng cử thẩm phán, lần này họ kiên quyết phản đối là do cuộc tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông gia tăng, đồng thời Trung Quốc đã từ chối chấp nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra năm 2016.

  Kênh truyền hình Tin tức và Kinh doanh Hoa Kỳ (CNBC) hôm 3/8 cũng đưa tin: Bắc Kinh đã đề cử một ứng cử viên quốc tịch Trung Quốc ra tranh cử chức thẩm phán tòa án quốc tế về tranh chấp trên biển, nhưng nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ bày tỏ phản đối và đề cập đến các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đã bất chấp luật pháp quốc tế về biển.

Theo trang web chính thức của Liên hợp quốc, “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” đã được mở để ký tại Vịnh Montego, Jamaica vào ngày 10/12/1982. Sau 12 năm, Công ước bắt đầu có hiệu lực vào ngày 16/11/1994. "Công ước" yêu cầu tất cả các bên giải quyết mọi tranh chấp về việc giải thích hoặc áp dụng "Công ước" bằng biện pháp hòa bình theo Hiến chương Liên hợp quốc. Tuy nhiên, nếu các bên tranh chấp không giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình do họ tự chọn, thì họ phải dùng đến các thủ tục tố tụng để tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp đưa ra phán quyết có tính ràng buộc. Tuy nhiên “Công ước” cũng có những hạn chế và quy định ngoại lệ. Cơ chế được thiết lập bởi “Công ước” quy định 4 biện pháp giải quyết tranh chấp: Tòa án quốc tế về Luật biển, Tòa án công lý quốc tế, một tòa án trọng tài được tổ chức theo Phụ lục VII của “Công ước” và một tòa án đặc biệt được tổ chức theo Phụ lục VIII của “Công ước”.

 Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, căn cứ theo "Công ước", đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với khoảng 90% Biển Đông. Bắc Kinh đã từ chối chấp nhận hoặc công nhận phán quyết này.

Bãi ngầm Jame Shoal (Tăng Mẫu) nằm gần sát bờ biển Malaysia bị Trung Quốc coi là "lãnh thổ cực nam" của Trung Quốc (Ảnh: twoeggz.com).
Bãi ngầm Jame Shoal (Tăng Mẫu) nằm gần sát bờ biển Malaysia bị Trung Quốc coi là "lãnh thổ cực nam" của Trung Quốc (Ảnh: twoeggz.com).

Bản tin của CNBC nói, trước khi có phát biểu của ông Stilwell, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đã nói rõ trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao vào ngày 13/7 rằng Hoa Kỳ cho rằng các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết các vùng biển của Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp”. Hoa Kỳ cũng không công nhận việc Bắc Kinh tuyên bố James Shoal (Bắc Kinh đặt tên là Bãi ngầm Tăng Mẫu) là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc. Ông cũng lên án việc Bắc Kinh sử dụng thủ đoạn đe dọa “sức mạnh là công lý” để làm tổn hại chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á. Tòa án Trọng tài Quốc tế vào ngày 12/7/2016 đã đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines trong “Vụ kiện Biển Đông” và cho rằng cái gọi là "Đường 9 đoạn” của Trung Quốc tự ý vạch ra trên Biển Đông đã vi phạm Công ước.

Tuy nhiên, do Mỹ chưa thông qua "Công ước", nên sẽ không có tư cách để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật biển. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đề cử một ứng cử viên tranh ghế thẩm phán tại Tòa án quốc tế về Luật biển. Trên thực tế, theo thông tin trên trang web của tòa án, kể từ khi tòa án này bầu cử lần đầu tiên vào năm 1996 đến nay đã có 3 thẩm phán Trung Quốc được bầu.