Trung Quốc có thể sắp đón đợt dịch COVID-19 thứ hai: Giới chuyên gia cảnh báo!

VietTimes -- Các chuyên gia y tế công mới lên tiếng cảnh báo rằng không nên vui mừng quá sớm khi Trung Quốc đại lục không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào trong nước suốt 2 ngày liên tiếp, thêm rằng một đợt dịch thứ hai có thể sớm bùng phát.
Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo Trung Quốc có thể sắp phải đón đợt dịch COVID-19 thứ hai (Ảnh: SCMP)
Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo Trung Quốc có thể sắp phải đón đợt dịch COVID-19 thứ hai (Ảnh: SCMP)

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc trong hôm 19/3 vừa qua nói rằng tất cả 34 ca nhiễm mới mà họ ghi nhận trong hôm trước đó đều là các ca ngoại nhập – đánh dấu lần đầu tiên không có ca nhiễm trong nước kể từ khi dịch do virus corona chủng mới gây nên bùng phát.

Và đây cũng là lần đầu tiên mà tỉnh Hồ Bắc – nơi được cho là điểm bắt nguồn của virus corona chủng mới – không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm mới nào.

Điều này thương phản với nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, những khu vực đang có số ca nhiễm virus corona chủng mới tăng đột biến. Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh dịch học tin rằng chưa có lý do để tuyên bố Trung Quốc chiến thắng trước đại dịch.

“Tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để vui mừng. Rất có khả năng đợt dịch thứ hai đã bắt đầu ở Trung Quốc, chỉ là còn quá sớm để phát hiện ra nó” – Ben Cowling, Giáo sư chuyên ngành bệnh dịch học tại ĐH Y tế công Hong Kong, nhận định.

Bà Raina MacIntyre, quản lý chương trình nghiên cứu an ninh sinh học của Viện Kirby tại ĐH New South Wales, nói rằng số lượng ca nhiễm COVID-19 đang tăng trên thế giới đòi hỏi Trung Quốc phải kiểm soát rủi ro đến từ các ca ngoại nhập.

“Ngay cả khi các bạn tin rằng số ca nhiễm trên thực tế ở Trung Quốc cao gấp 100 lần so với số ca được xác nhận, thì con số đó vẫn nhỏ hơn 1% dân số nước này – bởi vậy phần lớn người dân vẫn dễ bị nhiễm virus corona. Có nguy cơ dịch sẽ bùng phát một lần nữa. Nhưng nếu họ (Trung Quốc) tăng cường giám sát và phát hiện sớm, họ có thể kiểm soát đợt dịch mới” – bà MacIntyre nói.

“Cho đến khi chúng ta có một chủng vaccine, mọi quốc gia đều phải cố gắng giảm số ca nhiễm và duy trì hệ thống y tế của họ ở mức có thể kiểm soát được. Khoảng thời gian này có thể kéo dài từ 12 – 18 tháng, nó sẽ là một thách thức rất lớn đối với tất cả chúng ta” – nữ chuyên gia nhận định thêm.

Ông Jeffrey Shaman, Giáo sư tại trường Y tế công Mailman thuộc ĐH Columbia, nói rằng hiện vẫn có rất nhiều ca nhiễm chưa được ghi nhận, bởi vậy con số ca nhiễm thực tế ở Trung Quốc có thể cao hơn nhiều.

“Một khi các biện pháp kiểm soát được gỡ bỏ, virus corona chủng mới sẽ trở lại. Thậm chí có bị tiêu diệt, nó sẽ vẫn xuất hiện ở một quốc gia khác. Phần lớn người dân Trung Quốc vẫn dễ bị nhiễm bệnh, bởi vậy nó sẽ lây lan nhanh chóng”.

Số ca tử vong mới ghi nhận ở Trung Quốc đại lục đã giảm xuống còn 2 con số, với chỉ 8 ca mới được báo cáo, mang tổng số người chết do virus corona của nước này lên 3.245.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho hay nước này có thêm 23 ca nghi nhiễm mới, với tổng số ca nhiễm COVID-19 giờ ở mức 80.928. Tổng cộng 70.420 bệnh nhân đã được chữa khỏi.

Những bệnh nhân phục hồi và rời khỏi một trung tâm cách ly ở Vũ Hán, ngày 11/3 (Ảnh: Washington Times)
Những bệnh nhân phục hồi và rời khỏi một trung tâm cách ly ở Vũ Hán, ngày 11/3 (Ảnh: Washington Times)

Ủy ban này đã bắt đầu công bố con số ca nhiễm ở tỉnh Hồ Bắc từ ngày 10/1 và trên phạm vi toàn quốc từ ngày 20/1. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình đặt nghi vấn về tính chính xác của dữ liệu mà Trung Quốc công bố, do nước này thường xuyên thay đổi các tiêu chí xác nhận ca nhiễm.

Giới chuyên gia y tế ở cả trong và ngoài Trung Quốc cũng đặt câu hỏi rằng liệu chính quyền Bắc Kinh có che đậy thông tin về dịch bệnh – đặc biệt là trong giai đoạn đầu của dịch – sau khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận là xuất hiện từ tháng 11/2019, trong khi các bác sĩ Trung Quốc đến mãi cuối tháng 12 năm đó mới nhận thức được họ đang phải đối mặt với một dịch bệnh mới.

“Cộng đồng quốc tế có đủ lý do để hoài nghi về dữ liệu mà Trung Quốc công bố, bởi việc chỉnh sửa dữ liệu vốn đã là một vấn đề tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua…không chỉ về bệnh dịch, mà cả về GDP, dữ liệu tài chính, nợ công…Đã có nhiều ví dụ về vấn đề này” – Alfred Wu, Giáo sư chuyên ngành chính sách công tại ĐH Quốc gia Singapore, nhận định.

Trong lúc số ca nhiễm mới giảm, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã bắt đầu gỡ bỏ một số biện pháp phong tỏa mà họ áp dụng từ ngày 23/1/2020.

Chính quyền thành phố Vũ Hán cho hay những người dân sinh sống tại các khu dân cư không có ca nhiễm mới trong vòng 7 ngày liên tiếp sẽ được phép đi ra khỏi nhà, mặc dù vẫn cấm tụ họp đông người.

Chính quyền Hồ Bắc hôm thứ Năm vừa qua chỉ thị cho các quan chức địa phương và các quan chức chuyên trách cách ly quét mã QR được sử dụng ở các thành phố khác để kiểm tra tình trạng sức khỏe người dân, mà không dẫn chứng lý do.

Bên ngoài Trung Quốc, số ca  nhiễm virus corona chủng mới tiếp tục gia tăng đột biến. Tây Ban Nha báo cáo 3.237 ca nhiễm mới, mang tổng số ca nhiễm lên 17.147 và 767 ca tử vong. Italy báo cáo 3.526 ca nhiễm mới, Đức 4.070 ca nhiễm mới. Mỹ cũng báo cáo 1.875 ca mới.

Mi Feng, phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho hay các ca nhiễm ngoại nhập chiếm tới gần 85% tổng số ca nhiễm mới ở đại lục trong 7 ngày qua, thêm rằng việc quan trọng hiện nay là tăng cường quản lý biên giới.