Trung Quốc có dám khuyến khích dân chúng tẩy chay hàng hóa Mỹ?

VietTimes -- Trung Quốc từng dấy lên làn sóng tẩy chay hàng Hàn khi Hàn Quốc cho Mỹ triển khai hệ thống phòng không đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối. Họ cũng tẩy chay Chuối và trái cây Philippines khi nước này kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về cái gọi là Đường 9 đoạn trên Biển Đông. Rồi xe hơi Nhật bị “đập tơi bời” vì tranh chấp đảo Điếu Ngư. Tuy nhiên lần này chưa chắc người Trung Quốc đã dám tẩy chay hàng Mỹ.
Hàng hóa Mỹ có mặt khắp nơi ở Trung Quốc.
Hàng hóa Mỹ có mặt khắp nơi ở Trung Quốc.

Năm ngoái, khi chính phủ Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng không đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối (THAAD), ở Trung Quốc đã dấy lên làn sóng dân chúng tẩy chay hàng hóa Hàn, nhạc Hàn, không du lịch Hàn; hàng loạt nhà máy, siêu thị Hàn Quốc phải đóng cửa. Khi đó truyền thông Trung Quốc đã ngầm khuyến khích, cổ vũ trào lưu này bằng cách đưa tin tức, hình ảnh cùng những bài báo mang tính chất kích động chủ nghĩa dân tộc…

Với số lượng đông đảo, người tiêu dùng Trung Quốc luôn là một lực lượng rất mạnh được sử dụng trong các cuộc tranh chấp. Tháng 9/2012 khi Trung Quốc xảy ra tranh chấp về lãnh thổ với Nhật xung quanh vấn đề chủ quyền của nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku; những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đã tấn công các cửa hàng Nhật và các đại lý bán xe, đập phá xe hơi Nhật trên đường phố rồi phát động phong trào tẩy chay xe Nhật làm ảnh hưởng đến số lượng xe tiêu thụ mấy năm liền.

Năm xưa, khi Philippines tiến hành vụ kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế về những đòi hỏi vô lý xung quanh cái gọi là Đường 9 đoạn trên Biển Đông thì một phong trào tẩy chay Chuối và trái cây Philippines đã khiến giới kinh doanh nước này thiệt hại nghiêm trọng …Năm ngoái, khi chính phủ Hàn Quốc cho phép bố trí hệ thống THAAD, hãng Lotte đã phải đóng cửa hơn 80 cửa hàng siêu thị ở Trung Quốc, ngành du lịch Hàn Quốc bị thiệt hại 6,8 tỷ USD…Ông William Zarit, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ đã cảnh báo: “Tẩy chay là một công cụ trong số cả thùng công cụ của người Trung Quốc”.

Lần này, sau khi chiến tranh thương mại Trung – Mỹ bùng phát và đang leo thang với xu thế ngày càng gay gắt, liệu có lại xuất hiện trào lưu tẩy chay Mỹ cùng hàng hóa Mỹ là điều dư luận quan tâm. Một cuộc điều tra mới đây cho thấy đại đa số người tiêu dùng Trung Quốc đã chuẩn bị tâm thế tẩy chay hàng hóa Mỹ khi xảy ra chiến tranh thương mại.

Cơ quan nghiên cứu FT Confidential Research (Tham khảo đầu tư) trực thuộc tờ “Financial Times” của Anh qua điều tra đã phát hiện thấy: trong số 2 ngàn người ở 300 thành phố Trung Quốc được hỏi ý kiến, có 54% bày tỏ “nhất định” hoặc “rất có thể” ngừng mua các sản phẩm mang nhãn hiệu Mỹ nếu xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nước, chỉ có 13% không tẩy chay. Cuộc điều tra này được tiến hành trong thời gian từ 27/6 đến 10/7; tức là đại bộ phận hoạt động điều tra diễn ra trước khi Mỹ áp dụng việc tăng thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu và Trung Quốc có biện pháp trả đũa tương ứng vào ngày 6/7.

Truyền thông Trung Quốc không cổ vũ, khuyến khích việc tẩy chay hàng Mỹ như với Hàn Quốc năm ngoái
Truyền thông Trung Quốc không cổ vũ, khuyến khích việc tẩy chay hàng Mỹ như với Hàn Quốc năm ngoái 

Có ý kiến cho rằng, với việc Trung Quốc có vai trò ngày càng quan trọng trong kinh tế và mậu dịch toàn cầu, Trung Quốc  sẽ sử dụng ngày càng nhiều biện pháp tẩy chay kinh tế để phục vụ cho ngoại giao; nhưng cần phải rất lưu ý: “tẩy chay” là con dao hai lưỡi!

Từ  lâu nay, các nhà kinh tế học và nhà đầu tư luôn tranh luận về tính hiệu quả của việc tẩy chay. Giáo sư kinh tế CF Remer ở Đại học Michigan từng xuất bản cuốn sách “A Study of Chinese Boycotts” (Nghiên cứu về biện pháp tẩy chay của Trung Quốc), trong đó viết: tẩy chay sinh ra đòn tâm lý rất mạnh đối với nước mục tiêu, nhưng Trung Quốc cũng bị tác động phản diện về kinh tế. “Một quốc gia phát động tẩy chay cũng giống như bãi công; sức uy hiếp của bãi công rất mạnh; bản thân người bãi công cũng phải trả giá đắt, hiệu quả không tốt”.

Hiện nay biện pháp ứng phó của Trung Quốc đối với Mỹ đang tỏ ra kiềm chế. Có người cho rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại hơn đến những xáo động của thị trường tiền tệ. Từ sau giữa tháng 6, do tác động của những thông tin về chiến tranh thương mại và kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng, thị trường chứng khoán Thượng Hải và hối suất đồng Nhân dân tệ đều bị giảm mạnh. Có lẽ Trung Quốc nhận thấy, nếu nâng cấp sự đối đầu Trung – Mỹ với thái độ cứng rắn thì thị trường tiền tệ sẽ còn biến động xấu thêm.

Trên thực tế, hiện nay trên mạng internet Trung Quốc hầu như không tìm thấy những lời hô hào tẩy chay hàng Mỹ quy mô lớn, ngoại trừ những ý kiến lẻ nhưng không gây được hiệu ứng lớn. Trên trang hỏi đáp “Tri hồ”, có người cho rằng “chống Mỹ không ăn thua, chẳng qua chỉ có mấy sự lựa chọn: đập Iphone, Ipad, đập xe Mỹ, tẩy chay phim Hollyood, đập McDonald”; có người trả lời: “Tẩy chay hàng Mỹ chi bằng tẩy chay hàng dởm”; Thậm chí có người thẳng thắn: “Tẩy chay hàng Mỹ không phải là cách yêu nước có lý trí”…

Hồi năm 2016, khi một bộ phận người Trung Quốc hô hào tẩy chay nhãn hiệu đồ ăn nhanh “Kentucky”, Tân Hoa xã đã lên tiếng: “Là người Trung Quốc, nghĩ đến tiền đồ vận mệnh quốc gia là thể hiện tình cảm yêu nước; nhưng nếu để tình cảm đó phát tiết biến thành hành vi phá hoại trật tự xã hội bình thường, lại còn dán cho cái mác “yêu nước” thì đã phạm sai lầm”. Tờ “China Today” thì cảnh báo: “phong trào tẩy chay sẽ khiến công nhân Trung Quốc bị thiệt hại, bởi nhiều công ty vốn nước ngoài như Kentucky đều đã bản địa hóa, đại đa số công nhân là người bản địa, mua nguyên vật liệu của Trung Quốc”.

Năm nay, tình hình còn bất lợi hơn cho Trung Quốc. Hiện nay rất nhiều sản phẩm Mỹ được người Trung Quốc ưa thích như điện thoại Iphnoe, xe hơi Chevrolet, Ford, đồ thể thao Nike đều do công nhân người Trung Quốc lắp ráp, khâu may. Tuy hiện chưa rõ các hãng Mỹ này đã tạo được bao nhiêu việc làm cho người Trung Quốc; nhưng theo “American Chamber of Commerce in China” (Hiệp hội thương nhân Mỹ ở Trung Quốc) thì một phần ba trong số hơn 800 xí nghiệp Mỹ thành viên của hội đã tuyển mộ hơn 1000 công nhân Trung Quốc vào làm việc.

Mặc dù trên mạng xã hội xuất hiện khẩu hiệu “Trung Quốc không thể bị bắt nạt” hay tờ báo “Thời báo Hoàn cầu” nổi tiếng về tư tưởng dân tộc cực đoan lên tiếng đe dọa “Trung Quốc có thể phát động cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ”; nhưng tờ “Financial Times” cho rằng, chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn tránh kêu gọi tẩy chay hàng hóa Mỹ; các chuyên gia phân tích cho thấy, do lo ngại gây nên tác dụng ngược có hại, nên ít có khả năng chính phủ Trung Quốc kêu gọi dân chúng tẩy chay hàng Mỹ.

Tại nước Mỹ, những tiếng nói lo ngại chiến tranh thương mại leo thang cũng đang ngày càng mạnh. Nếu chính phủ Mỹ thực sự thực hiện việc tăng thuế 10% đối với 200 tỷ USD  hàng Trung Quốc nhập khẩu thì rất có thế nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ bị tăng giá, người tiêu dùng Mỹ sẽ bị thiệt hại. Hiệp hội Người tiêu dùng Mỹ hôm 10/7 đã ra tuyên bố: “Trước khi việc làm bị tổn hại, kinh tế sa vào tăng trưởng âm, mong chính phủ hãy thay đổi phương châm”.