Trung Quốc chuyển giao hệ thống tên lửa FK-3 cho quân đội Serbia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lực lượng không quân của Trung Quốc đã thực hiện 12 phi vụ bí mật đến Serbia bằng máy bay vận tải Y-20 vào cuối tuần trước nhằm chuyển giao 3 hệ thống tên lửa phòng không.
Trung Quốc đã điều máy bay Y-20 tới Serbia trong hôm cuối tuần trước (Ảnh: AP)
Trung Quốc đã điều máy bay Y-20 tới Serbia trong hôm cuối tuần trước (Ảnh: AP)

Theo trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24, 6 chiếc Y-20A đã đi về hướng Tây tới Serbia vào hôm 9/4 với một chặng dừng tại Baku ở Azerbaijan trước khi băng qua không phận của các nước thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria.

Họ được cho là đã chuyển giao hệ thống tên lửa tầm trung FK-3 mới cho quân đội Serbia. Một nhóm 6 máy bay khác đã được di chuyển theo con đường tương tự vào hôm 10/4.

Hãng thông tấn Associated Press đưa tin, máy bay chở hàng mang nhãn hiệu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã hạ cánh xuống Sân bay Belgrade Nikola Tesla vào sáng sớm ngày 9/4. Tờ Global Times do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã xác nhận lô hàng FK-3 mà không trích dẫn nguồn tin.

Cuộc không vận đã làm dấy lên những lo ngại ở vùng Balkan về việc xây dựng quân đội của Serbia, quốc gia được coi là đồng minh thân cận của Nga và về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực thường được gọi là “sân sau của châu Âu”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết rằng đây là một phần của sự hợp tác giữa hai nước được lên kế hoạch cho năm nay và không nhắm vào bên thứ ba hoặc liên quan đến “tình hình hiện tại” - một ám chỉ gián tiếp đến cuộc chiến Ukraine. Ông không xác nhận hay phủ nhận việc đó có bao gồm các hệ thống FK-3 hay không.

Liang Guoliang, một chuyên gia quân sự tại Hong Kong, cho biết Serbia đã mua 3 hệ thống FK-3 từ Trung Quốc và mỗi hệ thống cần 3 xe phóng, một xe radar, xe chỉ huy và những hệ thống khác để cung cấp năng lượng, bảo trì và bổ sung tên lửa. Ông ước tính sẽ cần 12 máy bay Y-20 để hoàn thành việc giao hàng. “Điều này cho thấy thiết kế hầm hàng rất tuyệt. Sức chứa tương đương với Ilyushin Il-76 của Nga, nhưng thiết kế khoang chở hàng có thể vận chuyển nhiều phương tiện hơn”, ông nói.

Kể từ năm 2020, các máy bay vận tải quân sự hạng nặng Y-20 bản địa đã được sử dụng để gửi viện trợ nhân đạo tới các nước như Pakistan và Tonga, hoặc mang hài cốt của binh lính Trung Quốc thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên và các cuộc tập trận chống khủng bố ở Nga. Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu tại viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho biết khả năng không vận của PLA đã được chứng minh trong nhiệm vụ cứu trợ núi Phú Sĩ vào tháng Một. Hai chiếc Y-20 bay từ Quảng Châu ở miền nam Trung Quốc đến Tonga qua núi Phú Sĩ sau một vụ phun trào núi lửa kinh hoàng, mang theo nguồn tiếp tế bao gồm thực phẩm, nước, lều và thiết bị vô tuyến - nhiệm vụ xa nhất đối với máy bay.

Andrei Chang, tổng biên tập của tạp chí hàng tháng Kanwa Asian Defense có trụ sở tại Canada, mô tả vụ không vận là bất thường. “Việc triển khai các máy bay không vận hạng nặng không phải là một hoạt động vận chuyển bình thường trên thị trường vũ khí vì Serbia không bị chiến tranh tàn phá như Ukraine- nơi cần có các hệ thống vũ khí ngay lập tức.” ông nói.

Quân đội Serbia đã mua các hệ thống FK-3 vào năm 2019 bất chấp cảnh báo từ Mỹ vào thời điểm đó rằng nó có thể cản trở con đường trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) của nước này. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với truyền thông địa phương vào tuần trước, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết nước này sẽ tiếp tục tìm cách gia nhập EU và giữ thế trung lập về mặt quân sự. Serbia đã từ chối tham gia trừng phạt Nga về cuộc xâm lược Ukraine trước sự thất vọng của nhiều thành viên EU và NATO.

Stefan Vladisavljev, chuyên gia về Trung Quốc tại Diễn đàn An ninh Belgrade cho biết: “Việc Serbia mua hệ thống phòng thủ hiện đại nhất từ Trung Quốc nói lên rất nhiều điều về mức độ hợp tác mà họ mong đợi sẽ có trong tương lai”. “Thông điệp chính của ông Vucic trong chiến dịch bầu cử là sự ổn định và hòa bình. Đây có thể được coi là một thông điệp mang tính biểu tượng: "Bạn đã bầu tôi để mang lại hòa bình và ổn định. Bây giờ, với hệ thống phòng thủ mới mà chúng tôi đã mua từ Trung Quốc, tôi sẽ thực hiện điều đó". Ông nói thêm: “Đó là một dự báo rõ ràng về sức mạnh của Trung Quốc.

EU đã duy trì lệnh cấm vũ khí Trung Quốc sau cuộc đàn áp quân sự ở Quảng trường Thiên An Môn hơn 30 năm trước. Giờ đây, Trung Quốc đang bán vũ khí tiên tiến cho một ứng cử viên trở thành thành viên EU, quốc gia này cũng duy trì có quan hệ với Nato. Vuk Vuksanovic, một cộng sự chuyên về địa chính trị Serbia tại IDEAS, một tổ chức tư vấn về chính sách đối ngoại tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London cho biết: “Trung Quốc muốn sử dụng Serbia để thâm nhập thị trường quốc phòng châu Âu”. Ông nói thêm: "Serbia là một ứng cử viên thành viên EU, nhưng không phải là một phần của hệ thống pháp luật của EU, vì vậy, đối tác khá hữu ích trong lĩnh vực đó để kiểm tra xem liệu Trung Quốc có thể vượt qua những trở ngại này hay không."

FK-3 là một phiên bản của hệ thống tên lửa HQ-22 được Không quân PLA sử dụng để xuất khẩu. Theo nhóm nghiên cứu quân sự GlobalSecurity.org, FK-3 chỉ có tầm bắn tối đa là 100km (62 dặm), nhưng HQ-22 là 120km đến 170km.

Theo SCMP