Trung Quốc biện bạch trước G7 về việc xây dựng ở Biển Đông

Trung Quốc hôm qua biện bạch trước những lời chỉ trích của Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển (G7) về hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông, sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy nước này đang xây đường băng trái phép.
Hình ảnh mới nhất hôm 23/3 cho thấy Trung Quốc đang xây đường băng trên Đá Chữ Thập. Ảnh: Airbus
Hình ảnh mới nhất hôm 23/3 cho thấy Trung Quốc đang xây đường băng trên Đá Chữ Thập. Ảnh: Airbus

Theo Sina, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 17/4 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, mọi hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm "cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt" của binh lính đồn trú trên đó, và hoạt động được tiến hành trong "phạm vi chủ quyền" của Trung Quốc.

Ngoại trưởng G7 hôm 15/4 ra tuyên bố về an ninh hàng hải, trong đó bày tỏ quan ngại về những hành động đơn phương trên Biển Đông, bao gồm "cải tạo đất quy mô lớn làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng".

Hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép một đường băng bê tông trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đường băng này ước tính có độ dài hơn 3.000 m, đủ cho máy bay chiến đấu và máy bay tuần tiễu cất và hạ cánh. Trung Quốc chiếm giữ trái phép đá Chữ Thập của Việt Nam từ năm 1988. 

Ảnh vệ tinh từ hồi tháng ba cũng cho thấy hoạt động cải tạo đất trên Đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa, đã tạo ra một phần đường rộng, nếu nối liền có thể đủ không gian cho một đường băng dài 3.000 m khác.

Ngoài ra, Bắc Kinh đang mở rộng đường băng phi pháp từ 2.300 m lên 3.000 m trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc chiếm giữ trái phép đảo này của Việt Nam vào năm 1956.

Các nhà phân tích nhận định, việc xây dựng chỉ là một phần trong kế hoạch tham vọng biến Biển Đông thành "sân nhà" của trung Quốc.

Nước này tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines. Biển Đông có tiềm năng về năng lượng và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua vùng này mỗi năm.

Theo: VnExpress