Trung Quốc bí mật phát triển tàu ngầm không người lái và cá robot dùng cho quân sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một nhóm nghiên cứu Trung Quốc tiết lộ họ đã phát triển một loại tàu ngầm không người lái có thể sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để xác định, theo dõi và tấn công tàu ngầm đối phương.
Tàu ngầm không người lái Hải Kình-2000 được thử nghiệm trên biển (Ảnh: SCMP).
Tàu ngầm không người lái Hải Kình-2000 được thử nghiệm trên biển (Ảnh: SCMP).

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 8/7, dự án nghiên cứu bí mật do quân đội tài trợ này đã được giải mật một phần vào tuần trước. Từ những bài viết đã công bố, có thể thấy cách đây hơn 10 năm, những tàu ngầm không người lái này đã hoạt động đo đạc, trinh sát ở eo biển Đài Loan.

Hiện vẫn chưa rõ tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để giải mật các chi tiết của vụ thử, nhưng gần đây tình hình căng thẳng giữa hai bên bờ eo biển đã lên đến đỉnh điểm trong nhiều thập kỷ. Các nước như Mỹ và Nhật Bản cũng đã gia tăng khả năng can thiệp trong trường hợp Bắc Kinh sử dụng vũ lực để tiến đánh Đài Loan.

Ông Lương Quốc Long (Liang Guolong), Giáo sư tại Trường Kỹ thuật thủy âm thuộc Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân và các đồng nghiệp của ông cho biết, hầu hết các tàu ngầm không người lái này đều hoạt động độc lập, nhưng khi được nâng cấp công nghệ, chúng cũng có thể hoạt động theo nhóm. Các biến thể của nó có thể được đặt dưới đáy biển, một khi nổ ra chiến tranh, chúng sẽ được kích hoạt.

Bản đồ cho thấy chiếc tàu ngầm không người lái Hải Kình-2000 hoạt động ở ngoài biển Phúc Kiến gần eo biển Đài Loan (Ảnh: SCMP).

Bản đồ cho thấy chiếc tàu ngầm không người lái Hải Kình-2000 hoạt động ở ngoài biển Phúc Kiến gần eo biển Đài Loan (Ảnh: SCMP).

Nhóm của Lương Quốc Long đã chỉ ra trong một bài báo đăng trên "Tạp chí Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân" rằng nhu cầu về chiến tranh dưới nước trong tương lai sẽ mang lại cơ hội mới cho sự phát triển của các nền tảng không người lái. Hầu hết các tàu ngầm đều có hệ thống máy tính giúp xác định hoặc theo dõi mục tiêu, nhưng người điều khiển sonar vẫn cần sử dụng cả tai và mắt để phán đoán các vấn đề quan trọng như con tàu ​​mà họ nhằm tới là của bạn hay địch, sau đó sẽ do thuyền trưởng đưa ra quyết định cuối cùng.

Bài báo cho biết do sự phức tạp của môi trường bên ngoài, điều đó có nghĩa là con người phải liên tục tinh chỉnh sonar để cải thiện kết quả tìm kiếm và theo dõi. Nhưng trên tàu ngầm không người lái này, tất cả các hệ thống con như thu thập thông tin tình báo, phát hiện mục tiêu, đánh giá, kiểm soát trạng thái và tham số, ... đều có khả năng ra quyết định hoàn toàn độc lập, khiến một số công nghệ của tàu ngầm truyền thống trở nên vô dụng đối với các nền tảng không người lái.

Mặc dù các nhà nghiên cứu này không tiết lộ vị trí chính xác, nhưng một số tọa độ của bản đồ đưa kèm theo bài báo cho thấy họ đã thả một tàu ngầm không người lái dọc theo bờ biển Phúc Kiến ở tỉnh phía đông, trong hoặc gần eo biển Đài Loan. Họ đã cài đặt cho chiếc tàu ngầm hành trình theo lộ trình đã định trước ở độ sâu khoảng 10 mét. Tại một địa điểm khác, họ triển khai mô hình bắt chước tiếng ồn của tàu ngầm, ngay sau khi sonar của tàu ngầm không người lái bắt được tín hiệu từ xa, nó sẽ chuyển ngay sang chế độ tác chiến.

Video về quá trình chế tạo tàu ngầm không người lái của Trung Quốc

Các nhà nghiên cứu nói rằng nó sẽ di chuyển theo hình lục giác và hướng sonar tới các nguồn âm thanh khác nhau, trong khi trí tuệ nhân tạo sẽ cố gắng lọc các tiếng ồn của môi trường để xác định tính chất của mục tiêu. Sau đó, nó phóng ngư lôi và đánh trúng tàu ngầm mô phỏng, nhưng vì lý do an toàn, trong ngư lôi không có thuốc nổ. Lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành thử nghiệm dùng tàu ​​ngầm không người lái theo dõi và đánh chìm tàu ngầm đối phương trong môi trường mở là vào năm 2010.

Không thể phủ nhận rằng tàu ngầm không người lái có thể mắc sai lầm, và liên lạc của chúng với người chỉ huy là sĩ quan điều khiển cũng có thể bị đối phương làm gián đoạn, nhưng liệu những robot giết người này có được phép săn lùng con người hay không đến nay vẫn là vấn đề đạo đức. Và rất lâu trước khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trở nên phổ biến, Trung Quốc đã khởi động một dự án tàu ngầm không người lái vào đầu những năm 1990.

Cá robot phỏng sinh "Kim Long" (Ảnh: Dwnews).

Cá robot phỏng sinh "Kim Long" (Ảnh: Dwnews).

Theo bài báo, mặc dù không có tài liệu nào cho thấy Trung Quốc đã sử dụng chúng trong chiến đấu thực tế, nhưng các tàu ngầm không người lái này đã không ngừng phát triển, kết hợp công nghệ sonar cải tiến với công nghệ AI và hệ thống liên lạc, để chúng có thể phối hợp với nhau tạo thành một biên đội cùng lúc phát động tấn công một mục tiêu từ các hương khác nhau. Với việc bổ sung hệ thống động lực thế hệ mới, chúng sẽ có thể tiềm phục dưới nước trong thời gian dài hơn để phục kích tấn công các mục tiêu của đối phương.

Trong một diễn biến liên quan, gần đây Trung Quốc đã bộc lộ nhiều loại vũ khí, thiết bị mới một cách hiếm thấy, trong đó cá rô bốt phỏng sinh có thể thực hiện công việc trinh sát dưới nước đã thu hút sự chú ý đặc biệt.

Theo trang tin Dwnews ngày 8/7 Triển lãm thiết bị và công nghệ quân sự thông minh Trung Quốc (Bắc Kinh) lần thứ 7 đã được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 5/7. Trong đó, xe chiến đấu không người lái “Tiêm binh” của Tập đoàn Công nghiệp vũ khí Bắc Kinh và cá máy phỏng sinh học Kim Long Ngư do Công ty Công nghệ Bắc Kinh phát triển đã trở thành tâm điểm được đặc biệt chú ý.

Xe chiến đấu không người lái "Tiêm binh" của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Xe chiến đấu không người lái "Tiêm binh" của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Theo Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc, xe chiến đấu không người lái "Tiêm binh" được kết hợp khung gầm bánh xích nhỏ gọn tích hợp với hệ thống vũ trang trinh sát, có thể đảm nhiệm các các nhiệm vụ khác nhau như trinh sát nắm địch, tấn công hỏa lực, tuần tra chiến trường, cảnh giới canh gác, tìm kiếm mục tiêu, chỉ thị tấn công mục tiêu.

Trọng lượng xe chiến đấu không người lái “Tiêm binh” không vượt quá 1,2 tấn, được vận hành chủ yếu bằng điều khiển từ xa, có khả năng trí tuệ nhân tạo nhất định, bao gồm tự tránh chướng ngại vật tự động và đồng hành cùng binh sĩ.

Các nhân viên công tác cho biết, "Qua xem xét sự phức tạp của môi trường chiến trường, việc thực hiện một cuộc tấn công chí mạng phải được đưa ra bởi người điều khiển từ xa và Tiêm binh sẽ không phát triển thành một robot giết người tự động."

Ngoài ra, cá rô-bốt phỏng sinh học tại triển lãm đã thu hút sự chú ý cao của những người tham quan. Cá rô-bốt được thiết kế dựa trên tư thế bơi và ngoại hình của cá Kim Long với công nghệ mô phỏng chất lỏng, đồng thời kết hợp nhiều loại cảm biến và công nghệ điều khiển trực quan để bơi liên tục trong nước từ 6 đến 8 giờ, có thể được sử dụng cho giáo dục và nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sinh vật biển và các lĩnh vực khác.

Cũng có thông tin cho rằng cá rô-bốt có thể tiến hành trinh sát dưới nước. Phân tích chỉ ra rằng cá rô-bốt hầu như không tạo ra tiếng ồn, ngay cả khi bơi xung quanh tàu ngầm, chúng cũng không dễ bị nhận thấy. Những con cá này cũng có thể truyền dữ liệu và hình ảnh liên quan đến nền tảng khác. Cá robot không chỉ rẻ hơn so với thiết bị chống tàu ngầm, mà còn có hiệu quả chống tàu ngầm cao hơn.

Cá mập robot phỏng sinh trưng bày tại triển lãm (Ảnh: Dwnews).

Cá mập robot phỏng sinh trưng bày tại triển lãm (Ảnh: Dwnews).

Một phân tích khác nói rằng một khi được đưa vào ứng dụng, cá rô bốt phỏng sinh sẽ phát huy tác dụng quan trọng trong các hoạt động phức tạp và nguy hiểm dưới nước, trinh sát quân sự, cứu hộ dưới nước và khảo cổ học.

Ngoài ra, một con cá mập robot phỏng sinh thông minh khác được Công ty Công nghệ Bắc Kinh trưng bày còn có tính thực dụng hơn. Vỏ của cá mập robot phỏng sinh được làm bằng vật liệu hấp thụ âm thanh và có khả năng tàng hình mạnh. Nó có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ như trinh sát tiếp cận, tìm kiếm và cứu hộ mục tiêu, giám sát chiến trường và chống tàu ngầm tại chiến trường trên biển. Nó cũng có thể đảm nhận các nhiệm vụ quan trắc thủy văn, khảo sát đáy biển và các nhiệm vụ khác. Được mô phỏng theo hình dạng và cách bơi của cá mập, nó có tính lừa đảo sinh học và ít gây nhiễu động môi trường; đồng thời kết hợp các vật liệu hấp thụ âm thanh để nâng cao khả năng che giấu.