Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh, gióng hồi chuông báo động đối với các nước láng giềng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes–Kỳ họp 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 22/1 đã thông qua "Luật Hải cảnh" có hiệu lực từ ngày 1/2, cho phép Hải cảnh sử dụng vũ khí khi đối phó với tàu nước ngoài trong vùng biển Trung Quốc.
Tàu công vụ Indonesia xua đuổi tàu Hải cảnh Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia ở phía Bắc quần đảo Natuna tháng 1/2020 (Ảnh Reuters).
Tàu công vụ Indonesia xua đuổi tàu Hải cảnh Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia ở phía Bắc quần đảo Natuna tháng 1/2020 (Ảnh Reuters).

Luật mới trao thêm quyền nổ súng cho Hải cảnh Trung Quốc

Một số nhà phân tích cho rằng sau khi "Luật Hải cảnh" được thông qua, vị thế của Hải cảnh (Cảnh sát biển) Trung Quốc trong hệ thống lực lượng vũ trang sẽ rõ ràng hơn, thậm chí sẽ trở thành lực lượng "Hải quân thứ hai của Trung Quốc".

“Luật Hải cảnh” của Trung Quốc nêu rõ quyền hạn của Hải cảnh chịu trách nhiệm về bảo vệ an ninh trên biển, quy định phạm vi thực thi pháp luật của Hải cảnh bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng lân cận, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Đối với các cấu trúc, các công trình cố định hoặc nổi khác nhau do các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xây dựng mà không có sự chấp thuận của Trung Quốc, Hải cảnh có quyền ra lệnh sửa đổi, nếu từ chối hợp tác, họ có thể ra tay phá dỡ.

Luật Hải cảnh quy định chức trách của cơ quan Hải cảnh bao gồm tuần tra, canh gác, bảo vệ, đóng giữ các đảo, bãi đá ngầm trọng điểm thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi gây nguy hại đến chủ quyền quốc gia, an ninh và các quyền, lợi ích trên biển. Điều 43 của luật quy định nếu tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc để hoạt động sản xuất trái phép, không tuân theo lệnh dừng tàu hoặc từ chối Hải cảnh Trung Quốc lên tàu kiểm tra thì Hải cảnh có thể sử dụng vũ khí sau khi cảnh báo không hiệu quả.

Tảu Hải cảnh Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Haiyangshiyou 981 hạ đặt trái phép tại vùng biển Nam Tri Tôn tháng 6/2014 (Ảnh: Reuters).

Tảu Hải cảnh Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Haiyangshiyou 981 hạ đặt trái phép tại vùng biển Nam Tri Tôn tháng 6/2014 (Ảnh: Reuters).

Hôm thứ Sáu 22/1, Khi được một phóng viên Nhật hỏi liệu Trung Quốc có tăng cường hoạt động của Hải cảnh ở Biển Hoa Đông hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói, luật này sẽ giúp Hải cảnh Trung Quốc duy trì tốt trật tự hàng hải. Bà cũng nhấn mạnh rằng quần đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết của nó (Nhật gọi là "quần đảo Senkaku" của Nhật Bản) là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc và Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của mình.

Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần phản đối Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku và xua đuổi tàu đánh cá Nhật Bản. Phía Nhật Bản lo ngại rằng cả ngư dân Nhật Bản và tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản có thể trở thành mục tiêu của Luật Hải cảnh của Trung Quốc.

Hải cảnh Trung Quốc được chuyển giao cho Lực lượng Cảnh sát Vũ trang từ 3 năm trước (2018). Vào tháng 6/2020, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) đã thông qua việc sửa đổi "Luật Hải cảnh", bổ sung thêm các chương như "Tổ chức và chỉ huy", trong đó nêu rõ trong điều kiện thời chiến Cảnh sát Vũ trang do Quân ủy Trung ương tổ chức chỉ huy thực hiện các nhiệm vụ.

Trong những năm gần đây, tình hình biển Hoa Đông và Biển Đông liên tục nổi sóng. Học giả chính trị Trung Quốc Trần Đạo Ngân cho rằng “Hải cảnh Trung Quốc trong tương lai ​​sẽ phát huy tác dụng quan trọng hơn”.

Theo ông: "Hiện tại, hải quân Trung Quốc chủ yếu là để phòng thủ biển gần. Nếu trong thời chiến, lực lượng Hải cảnh thực thi pháp luật phải được tăng cường tương ứng và chắc chắn sẽ phối hợp hiệp đồng. Nếu có chiến tranh ở vùng biển gần, có xung đột vũ trang trên biển chính thức ở Biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông, Hải cảnh chắc chắn sẽ được huy động và theo yêu cầu của "Luật Hải cảnh” các vùng biển tương ứng sẽ được phân định.

Trần Đạo Ngân chỉ ra rằng sau khi "Luật Hải cảnh" được thông qua, vị trí của Hải cảnh trong hệ thống lực lượng vũ trang thời chiến sẽ có luật để tuân theo.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc vào gần quần đảo Senkaku Trung Quốc đang yêu sách chủ quyền (Ảnh: Sina).

Tàu Hải cảnh Trung Quốc vào gần quần đảo Senkaku Trung Quốc đang yêu sách chủ quyền (Ảnh: Sina).

Hải cảnh có thể trở thành "Hải quân thứ hai" của Trung Quốc?

Tuy nhiên, Trần Đạo Ngân cho rằng từ quan điểm pháp lý, có những vùng xám rõ ràng trong Luật Hải cảnh.

Nhà bình luận quân sự Hoàng Đông dự đoán rằng việc thông qua "Luật Hải cảnh" sẽ trở thành cơ hội để Hải cảnh Trung Quốc nâng cấp trang bị của họ.

Hoàng Đông cho biết: “Hải cảnh sẽ sử dụng các tàu lớn hơn và tiên tiến hơn. Ví dụ, các hạm tàu trên 5.000 tấn có thể rất phổ biến và phạm vi hoạt động của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc sẽ tiếp tục được mở rộng theo việc hoạt động của hải quân được mở rộng trong tương lai. Khi các hoạt động của họ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông có thể hỗ trợ ổn định cho việc mở rộng sức mạnh quốc gia, Hải cảnh Trung Quốc trong tương lai gần sẽ tiến ra biển xa và Ấn Độ Dương; không chỉ hải quân mà lực lượng hải cảnh cũng sẽ tham gia vào hoạt động hộ tống thương thuyền ở Vịnh Aden”.

Tại Đài Loan, ông Lý Chính Tu, một chuyên gia quân sự tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia, ước tính rằng Bắc Kinh phát triển mô hình hiện tại dựa trên tham chiếu kinh nghiệm của Hải quân Mỹ.

Ông nói: "Phương thức của người Mỹ là gì? Ngoài lực lượng vũ trang ba thứ quân chính quy, họ còn có Vệ binh Quốc gia và Cảnh sát biển. Cảnh sát biển Mỹ thỉnh thoảng đến tận Đông Á để chống cướp biển và buôn lậu. Trung Quốc phát hiện Mỹ có lực lượng và sự phối hợp này và Hải cảnh cũng có thể hỗ trợ Hải quân PLA phòng vệ lãnh thổ trong những trường hợp như vậy, cũng như đóng vai trò phụ trợ để chống lại kẻ địch bên ngoài”.

Một số dư luận thậm chí còn ví Hải cảnh là "Hải quân thứ hai" của Trung Quốc

Lý Chính Tu nói: "Bắc Kinh sẽ nói rằng chúng tôi luôn tập trung vào phòng ngự. Hiện đang sửa đổi “Luật Hải cảnh” là để cho phép lực lượng Hải cảnh hỗ trợ Hải quân PLA khi bảo vệ đất liền và cương vực biển. Nhưng điều không thể phủ nhận là, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã rất quan tâm đến việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và cách đây không lâu đã sửa đổi Luật Quốc phòng của Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ không chủ động sử dụng vũ lực, cũng như sẽ không chủ động nổ súng. Nhưng họ sẽ tạo ra hình ảnh của cái gọi là 'kẻ bị hại', trong tình hình không thể nhẫn chịu được, họ mới buộc phải chống trả để phòng ngự".

Tàu của lực lượng tuần duyên Nhật Bản so kè tàu Hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển quần đảo Senkaku (Ảnh: Kyodo).

Tàu của lực lượng tuần duyên Nhật Bản so kè tàu Hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển quần đảo Senkaku (Ảnh: Kyodo).

Các nước lo ngại tàu dân sự trở thành mục tiêu tấn công của cảnh sát biển Trung Quốc

Truyền thông Nhật Bản bình luận rằng sau khi Luật Hải cảnh được thông qua, Trung Quốc sẽ có những ảnh hưởng đến các tàu Nhật Bản hoạt động gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Lý Chính Tu không loại trừ việc các quan chức Trung Quốc để thể hiện quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, sẽ coi các tàu đánh cá Nhật Bản hoạt động trong vùng biển quần đảo Điếu Ngư và thậm chí là các tàu của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản là mục tiêu tấn công.

Ông Lý nói: "Nơi dễ xảy ra xung đột nhất với Nhật Bản đương nhiên là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Có thể sẽ có một số ít Hải cảnh cố tình tiếp cận Senkaku và cố tình khiêu khích để thể hiện rằng họ có quyết tâm và nỗ lực bảo vệ lãnh thổ. Họ đều biết rằng nếu xảy ra xung đột, Trung Quốc nhất định phải bảo vệ người của mình đầu tiên”.

Các tài liệu vừa mới được giải mật của chính phủ Mỹ đã tiết lộ các chi tiết của khuôn khổ chiến lược khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được đề ra vào năm 2018, trong đó có việc đưa Đài Loan vào Chuỗi đảo Thứ nhất, cũng là tuyến phòng thủ trên biển do Mỹ thiết lập, kết nối Nhật Bản và Philippines thành phòng tuyến trên biển để đối phó Trung Quốc. Trong cuộc xung đột, sẽ không cho phép Trung Quốc duy trì ưu thế trên biển và trên không ở Chuỗi đảo Thứ nhất.

Chuyên gia quân sự Đài Loan Lý Chính Tu cho rằng việc Trung Quốc thông qua "Luật Hải cảnh" sẽ không tạo thành ảnh hưởng đến chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ông Lý nói: "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương hiện không coi Trung Quốc đại lục là một đối thủ có nối đe dọa quân sự thực sự. Họ cảm thấy rằng Trung Quốc hiện chưa có cách nào thực sự đe dọa việc triển khai quân sự của Mỹ ở đây. Họ chỉ nói rằng sẽ quan sát chặt chẽ, vì vậy Trung Quốc hiện tại sửa đổi “Luật Hải cảnh" chưa tạo thành mối đe dọa thực sự đối với Mỹ”.

Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đang được trang bị thêm đội tàu lớn. Trong ảnh: một trong hai hạm tàu lượng giãn nước 12 ngàn tấn trang bị pháo hạm (Ảnh: CNS).

Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đang được trang bị thêm đội tàu lớn. Trong ảnh: một trong hai hạm tàu lượng giãn nước 12 ngàn tấn trang bị pháo hạm (Ảnh: CNS).

Bắc Kinh sẽ kiềm chế khi đối mặt với tranh chấp chủ quyền?

Trước việc một số người lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc cố gắng dùng luật để tạo ra tính hợp pháp của việc sử dụng vũ lực, ông Lý Minh Giang, Phó giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, tin rằng Bắc Kinh sẽ kiềm chế khi đối mặt với tranh chấp chủ quyền.

Lý Minh Giang nói: "Nhìn chung, Trung Quốc rất thận trọng trong việc sử dụng vũ lực và biện pháp quân sự ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Trước đây, có nhiều mâu thuẫn, thậm chí xung đột trong nghề cá hay khai thác năng lượng. Các cơ quan và nhân viên thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc đều không nổ súng. Cách làm mà Trung Quốc đã duy trì liên tục trong nhiều năm là các chính sách và cách làm được sử dụng ở các vùng biển gây tranh cãi và vùng xám, việc lập pháp của họ chẳng qua là hy vọng sẽ có tác dụng răn đe”.

Ông Hoàng Giới Chính, Giám đốc Viện Chiến lược và Các vấn đề Quốc tế tại Đại học Tamkang, Đài Loan, cũng tin rằng trong tương lai sẽ không có kịch bản lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đọ sức với hải quân nước khác.

Ông nói: "Hải cảnh là lực lượng chấp pháp trên biển. Mặc dù là lực lượng vũ trang nhưng chúng tôi hầu như không thấy cảnh sát biển nước nào giao chiến trực tiếp với hải quân nước khác. Không có tình huống như thế xảy ra. Thông thường là hải quân đối phó hải quân, cảnh sát biển đối phó cảnh sát biển".

Kể từ năm 2018, Vương Trọng Tài, người được giao làm Tư lệnh Hải Cảnh (Cục trưởng Hải cảnh) thuộc Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc, vốn xuất thân Hải quân PLA và từng là Phó Tham mưu trưởng Hạm đội Đông Hải, một số nhà phân tích cho rằng lý lịch hải quân của Vương Trọng Tài đã phản ánh việc chính quyền Bắc Kinh xác định vị trí của Hải cảnh.

Mặc dù vậy, học giả Hoàng Giới Chính cho rằng thế giới bên ngoài không nên diễn giải quá mức.

Dù thế nào đi nữa, “Luật Hải Cảnh” của Trung Quốc rõ ràng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nước láng giềng của Trung Quốc, trong tương lai, lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước này có khả năng sẽ gặp phải những thách thức mới khi thực thi nhiệm vụ.