Trung Quốc bác bỏ cảnh báo gián điệp trong Quốc hội của Anh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – MI5, cơ quan tình báo an ninh quốc gia của Anh, tiết lộ một điệp viên Trung Quốc đã bí mật xâm nhập Quốc hội và can thiệp vào chính trường Anh bằng cách tài trợ tiền; Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ.
Lý Trinh Câu, điệp viên Trung Quốc đã dùng tiền để thâm nhập vào nghị viện Anh (Ảnh: FT).
Lý Trinh Câu, điệp viên Trung Quốc đã dùng tiền để thâm nhập vào nghị viện Anh (Ảnh: FT).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 14/1, Cục An ninh Anh Quốc hay MI5 (Security Service hay Military Intelligence, Section 5), đưa ra cảnh báo: Christine Lee (hay Lý Trinh Câu), một nữ luật sư hành nghề lâu năm tại Vương quốc Anh, đã "thiết lập mối quan hệ" giữa chính phủ Trung Quốc với các nghị sĩ đương nhiệm và những người là ứng cử viên nghị sĩ quốc hội Anh, sau đó quyên góp tiền cho các chính trị gia này. Nguồn tiền quyên tặng chuyển qua tay bà ta là của Trung Quốc và những người không phải người Anh ở Hồng Kông.

Các nguồn tin từ Whitehall cho biết, quyết định của MI5 được đưa ra sau một cuộc điều tra "quan trọng và từ lâu".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh hôm thứ Năm (13/1) đã bác bỏ thông tin này. Người phát ngôn của Đại sứ quán tuyên bố Trung Quốc “kiên quyết phản đối việc một số người đoán mò, vu khống và đe dọa cộng đồng người Hoa ở Anh”.

Thông báo của MI5 về hoạt động của Lý Trinh Câu (Ảnh: Dailymail).

Thông báo của MI5 về hoạt động của Lý Trinh Câu (Ảnh: Dailymail).

Ông Barry Gardiner, một trong những nghị sĩ Công Đảng được Lý Trinh Câu tài trợ, đã nhận được hơn 420.000 bảng Anh (13,2 tỉ VND) từ bà này trong hơn 5 năm. Nhưng Gardiner nói rằng ông đã báo cáo các khoản tiền được quyên góp này cho cơ quan an ninh.

Sir Ed Davey, lãnh tụ Đảng Dân chủ Tự do, cũng nhận được khoản quyên góp 5.000 bảng Anh trong nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Năng lượng, nhưng ông cho biết khoản tiền này được các hiệp hội địa phương chấp nhận, là "lần đầu tiên ông có lý do để lo lắng."

Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel nói, “có ai đó đã thay mặt Trung Quốc, cố ý can thiệp chính trị nhằm vào mục tiêu là các nghị sĩ". Điều này đã "gây lo ngại sâu sắc". Nhưng bà nói rằng Vương quốc Anh đã thực hiện các bước để "xác định sự can thiệp của nước ngoài".

MI5 cho biết bất kỳ ai được Lý Trinh Câu liên lạc đều cần "xem xét mối quan hệ của cô ấy" và "nhiệm vụ của cô ấy là thúc đẩy chương trình nghị sự của Trung Quốc."

Bà Yvette Cooper, Bộ trưởng Nội vụ “bóng” (Shadow Cabinet) của Công Đảng, nói: "Chúng tôi lên án mạnh mẽ nỗ lực của Trung Quốc nhằm can thiệp vào tiến trình dân chủ của Vương quốc Anh."

Lý Trinh Câu và lãnh tụ Công Đảng Anh Jeremy Corbyn năm 2016 (Ảnh: Dailymail).

Lý Trinh Câu và lãnh tụ Công Đảng Anh Jeremy Corbyn năm 2016 (Ảnh: Dailymail).

Bà cho biết Công Đảng đang tìm kiếm thêm thông tin từ Bộ Nội vụ và MI5 về "mức độ lừa dối và can thiệp, cùng nguy cơ liên tục của những hoạt động độc hại từ nước ngoài".

Bà nói thêm rằng MI5 phải thông báo cho tất cả các nghị sĩ và đồng nghiệp của họ về các rủi ro an ninh và cách ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài.

MI5 "công khai sự thật để ứng phó những rủi ro trong tương lai"

Đối với MI5, hành động của họ đưa ra cảnh báo về một cá nhân là rất hiếm thấy. Nó cũng cho thấy rằng cuộc điều tra kéo dài đã khiến sự lo ngại của họ đến mức mà họ cảm thấy cần phải hành động ngay.

Trước đây, người Anh đã nói đến những lo ngại về ảnh hưởng của Nga, nhưng các quan chức tình báo Anh nói, Trung Quốc hiện mới là ưu tiên hàng đầu của họ.

Cáo buộc trong cảnh báo này là sự can thiệp - bí mật giành được ảnh hưởng chứ không phải hoạt động gián điệp (đánh cắp bí mật).

Một mối lo ngại của các quan chức an ninh Anh là, hiện tại không có sự can dự pháp lý nào để ứng phó. Do đó, đôi khi họ tin rằng công khai là cách tốt nhất để ngăn ngừa rủi ro trong tương lai, như cách MI5 đang làm hiện nay.

Sir Iain Duncan Smith, Nghị sĩ và cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ hôm thứ Năm (13/1) đã đặt câu hỏi về cảnh báo của MI5 tại Hạ viện, xác nhận rằng Chủ tịch Hạ viện đã gửi e-mail cảnh báo tới các nghị sĩ.

Ông nói rằng đó là "một vấn đề đáng lo ngại nghiêm trọng", kêu gọi trục xuất Lý Trinh Câu và yêu cầu chính phủ phải giải thích với Hạ viện.

Sir Iain Duncan Smith kêu gọi trục xuất Lý Trinh Câu và yêu cầu chính phủ phải giải thích với Hạ viện (Ảnh: The Guardian).

Sir Iain Duncan Smith kêu gọi trục xuất Lý Trinh Câu và yêu cầu chính phủ phải giải thích với Hạ viện (Ảnh: The Guardian).

Nghị sĩ Tobias Ellwood cũng kêu gọi chính phủ đưa ra giải thích tại Hạ viện và nói thêm: "Đó là kiểu can thiệp vùng xám từ Trung Quốc mà chúng ta đã dự kiến". Ông nói thêm: "Nhưng trên thực tế, điều này đã đang xảy ra tại quốc hội, chính phủ cần phải thấy đây là vấn đề khẩn cấp."

"Sự phối hợp trong bóng tối"

Theo cảnh báo của MI5, Lý Trinh Câu nói rằng mục đích của các cuộc tiếp xúc của bà ta với Quốc hội Anh là để "đại diện cho người Hoa ở Anh thúc đẩy đa nguyên hóa."

Nhưng MI5 cho biết những hoạt động đó "được phối hợp bí mật với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Trung Quốc và được những người nước ngoài ở Trung Quốc và Hồng Kông tài trợ."

Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc được cho là đang tìm cách "vun đắp mối quan hệ" với "những nhân vật có ảnh hưởng" để đảm bảo cục diện chính trị của Vương quốc Anh có lợi cho Trung Quốc và trấn an những người đã bày tỏ quan ngại về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.

MI5 cũng cho biết bà Lý có "quan hệ rất rộng rãi" với các chính trị gia Anh, bao gồm cả nhóm nghị sĩ liên đảng có tên "người Trung Quốc ở Anh" hiện đã giải tán.

Nhưng họ cảnh báo rằng Lý "có thể muốn thành lập các nhóm trong nghị viện để thúc đẩy chương trình nghị sự của Trung Quốc".

Ông Barry Gardiner, nghị sĩ Công Đảng đã thừa nhận nhận 420 ngàn bảng từ Lý Trinh Câu (Ảnh: BBC).

Ông Barry Gardiner, nghị sĩ Công Đảng đã thừa nhận nhận 420 ngàn bảng từ Lý Trinh Câu (Ảnh: BBC).

Quyên góp cho các nghị sĩ

Cuối năm 2014, ông Barry Gardiner bắt đầu nhận tiền quyên góp từ Công ty luật “Christine Lee & Co” của Lý Trinh Câu. Từ đó đến năm 2020, ông ta đã nhận được hơn 420.000 bảng Anh tiền quyên góp, phần lớn được chi trả cho việc thuê các nhà nghiên cứu của nghị viện.

Được biết, Daniel Wilkes, con trai của bà Lý, cũng là tình nguyện viên của một nghị sĩ Công Đảng, sau đó được ông này thuê làm người quản lý chương trình nghị sự hàng ngày của mình.

Gardiner xác nhận trong một tuyên bố rằng ông đã nhận được số tiền quyên góp này và con trai của Lý Trinh Câu đã làm việc cho ông. Khi Jeremy Corbyn là lãnh tụ Công Đảng thì Gardiner là một thành viên của nội các bóng.

Tuy nhiên, Gardiner nói rằng ông ta đã "duy trì quan hệ với cơ quan an ninh đã nhiều năm". Ông cho biết cơ quan an ninh "luôn luôn được thông báo đầy đủ" về sự hợp tác của Lý Trinh Câu với văn phòng của ông và các khoản tiền quyên góp của bà trong quá khứ cho các nhà nghiên cứu của văn phòng ông.

Nghị sĩ đến từ North Brent này cho biết bà Lý "không có vai trò gì" trong việc ai được bổ nhiệm làm nghiên cứu viên của ông và tất cả các khoản tiền quyên góp đều được "báo cáo chính xác", đồng thời nói thêm: "Tôi được các cơ quan an ninh đảm bảo rằng mặc dù họ biết rõ các khoản tiền bà Lý gửi đến là không chính đáng, nhưng điều này không liên quan đến các khoản tiền khác mà văn phòng của tôi nhận được."

Ông cũng xác nhận rằng Daniel Wilkes, con trai của Lý Trinh Câu đã từ chức hôm thứ Năm (13/1). MI5 không có thông tin tình báo nào nói rằng anh ta biết hoặc tham gia vào các hành vi của mẹ mình.

Văn phòng Công ty luật của Lý Trinh Câu (Ảnh: mllm-invest.com)

Văn phòng Công ty luật của Lý Trinh Câu (Ảnh: mllm-invest.com)

"An ninh quốc gia trên hết"

Lãnh tụ Đảng Dân chủ Tự do Anh, Sir Ed Davey cũng nhận được 5.000 bảng Anh từ Lý Trinh Câu khi ông còn là bộ trưởng trong chính phủ liên minh.

Một phát ngôn viên của đảng này cho biết Sir Ed Davey "kinh hoàng trước những tiết lộ này", đồng thời nói thêm: "Email hôm nay gửi đến từ Chủ tịch Hạ viện khiến ông lần đầu tiên có lý do để lo ngại về khoản tiền tài trợ cho các hiệp hội địa phương của đảng năm 2013."

Người phát ngôn này nói: “Chính phủ cần phải coi việc bảo vệ nền dân chủ của Anh khỏi các mối đe dọa và sự can thiệp từ nước ngoài là nhiệm vụ an ninh quốc gia hàng đầu”. Người này nói thêm: "Khoản quyên góp này đã được báo cáo ổn thỏa và tuân thủ tất cả các quy tắc và hướng dẫn."

Báo cáo của MI5 cho biết công ty luật của Lý Trinh Câu làm việc cho đại sứ quán Trung Quốc tại Anh, hiện nay bà ta vẫn ở Anh và tạm thời chưa bị bắt. Ở giai đoạn này, chưa có nghị sĩ Anh nào bị nghi ngờ phạm tội.

Bà Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel nói rằng các hoạt động bị cáo buộc của Lý Trinh Câu chưa đạt đến ngưỡng phạm tội và các nhà chức trách đang nghiên cứu để tăng cường pháp luật để tiến hành truy tố mà hiện tại vẫn chưa được thực hiện.

Bà Lý Trinh Câu tại một cuộc thuyết trình (Ảnh: BBC).

Bà Lý Trinh Câu tại một cuộc thuyết trình (Ảnh: BBC).

Bắc Kinh phủ nhận việc mua chuộc các nghị sĩ Anh

Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đã bác bỏ tuyên bố của MI5, gọi đây là hành vi vu khống. "Trung Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Chúng tôi không cần và cũng sẽ không 'mua chuộc' các nghị sĩ nước ngoài", Đại sứ quán Trung Quốc viết trong bản tuyên bố.

Theo Tân Hoa xã, chiều ngày 14/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã ra tuyên bố: “Trung Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Trung Quốc không cần và cũng sẽ không tham gia vào cái gọi là các hoạt động can thiệp. Một số người có thể đã xem quá nhiều phim Điệp viên 007 rồi sinh ra quá nhiều liên tưởng không cần thiết. Việc dựa trên những giả định chủ quan để đưa ra những phát biểu đoán mò, giật gân là rất vô trách nhiệm. Chúng tôi mong những quan chức liên quan của phía Anh không nên phát biểu những lời lẽ không có căn cứ thực tế, càng không nên thổi phồng thuyết ‘mối đe dọa của Trung Quốc’ để đạt được các mục đích chính trị riêng biệt.”